MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh chụp tác phẩm "Ông hút thuốc, bà ăn trầu".

Người vẽ chốn hồn quê

An Vũ LDO | 31/03/2024 08:46

Có nhiều người sinh ra ở làng, tuổi thơ gắn bó với nông thôn, nhưng lớn lên lại trăn trở về phố, mưu sinh hoặc sống đời ở đó. Ít người hơn, sinh ra ở phố, nhưng lại chọn về quê làm nơi ăn đời ở kiếp. Ai cũng có nỗi niềm của riêng. Đi ra từ làng quê, người ta sẽ đến đâu? Trở về làng quê, người ta sẽ về đâu? Nghĩ kỹ ra thì đó là những câu hỏi lớn, không chỉ mang tính riêng tư nữa.

Trong một bài phỏng vấn, họa sĩ Phùng Quốc Trí đã gan ruột chia sẻ nỗi lòng trên con đường trở về nơi thôn dã. Bỏ lại rất nhiều thuận lợi ưu ái chốn thị thành dành cho mình, đổi lấy sự bình yên trong tâm hồn nơi làng quê. Anh vẽ tranh về đời sống quê giản dị, bình thường; song ở đó luôn hiển hiện một tấm lòng nồng hậu không có ranh giới phân chia.

Hòa lẫn vào quê, nếu không phải sự khác nhau về nghề nghiệp hay nơi xuất thân, người ta khó nhận ra đó là một họa sĩ đến từ thị thành. Hương vị thành thị với đời sống vật chất tiện nghi có sức lôi cuốn ghê gớm, thế nhưng đã phải dừng lại trước cửa ngõ đi vào các bức tranh của anh. Chỉ còn những góc bếp hiện ra, những nồi cơm, chổi cùn, chum vại; những ấm chuyên, phích nước, điếu bát... Và những người nông dân ở đó.

Không có tuyết như công việc họa sĩ vẫn làm (quét tuyết) ngày còn học ở Liên Xô, không có tiếng piano họa sĩ chơi các bản nhạc của Bach những năm tháng kỷ niệm. Đây là làng quê Bắc bộ, Việt Nam. Nghèo khó và yên bình. Đây là đời sống của những con người cả đời gắn với bùn đất, thóc lúa, rạ rơm; man mác nhưng vẫn đủ hồn hậu, bao dung.

Ảnh chụp tác phẩm “Chạn nhỏ“.

Về sống ở nông thôn, vẽ đời sống nông thôn là lựa chọn của Phùng Quốc Trí. Một lựa chọn bởi rất nhiều tình cảm và thôi thúc tự nhiên. Anh đã có những năm sơ tán ở các vùng quê, mang theo trong mình nỗi nhớ thật sâu nặng. Nhưng hơn hết, anh tìm được ở hồn quê sự đồng điệu với tâm hồn mình. Chậm rãi, yên ả, trong sáng, nghỉ ngơi.

Họa sĩ không có ý nhấn mạnh vào nỗi buồn hay sự nghèo khó để gợi lòng thương cảm; nếu có, những yếu tố này phảng phất vào nhau, lan tỏa vào nhau trong một bầu không khí chung của một đời sống đơn sơ, mộc mạc nhưng gần gũi, thân tình. Chỗ này là mâm cơm, nồi cơm bằng nhôm, bằng gang nhưng người xem không cảm thấy sự lạnh lùng của kim loại. Chỗ kia là bát sứ, điếu hút nhưng ta không nghe tiếng lanh canh của gốm đã nung. Chỗ kia nữa là chổi cùn, ghế cũ nhưng không thấy chúng lăn lóc, chỏng chơ. Và những chai lọ, đèn dầu vẫn sáng ấm một cách vừa đủ. Những muội nồi, những mảng tường tróc hòa lẫn màu bùn đất cũng như đang thở...

Điều gì đã gắn kết các hình ảnh đó lại với nhau trong bức tranh? Là tình của người họa sĩ và đời sống của chính các đồ vật ấy. Nhiều bức tĩnh vật không có hình ảnh con người nhưng vẫn thấp thoáng bàn tay con người, sự đụng chạm của con người với nó. Họa sĩ vẽ cái mài mòn, cái qua sử dụng, cái hàng ngày anh trông thấy, như cơm đã nấu xong, bát sắp trên mâm; vẽ cái đã được chuẩn bị và sẽ được dùng tiếp bữa này, ngày mai, ngày kia. Cùng lúc, cả không gian và thời gian đều hiện lên, dường như bất biến, kéo dài.

Con người đã sống thế nào trong không gian, thời gian đó? Một đời sống nghèo, tiết kiệm hay là sự quý trọng, gắn bó với những gì quen thuộc với mình. Hay là cả hai? Thành ra nhìn một góc bếp, một mâm cơm cũ mà không thấy xộc xệch đểnh đoảng. Nhìn màu bùn đất mà không thấy nhếch nhác, bẩn dơ. Tất cả gợi lên cái gì đó thật gần gũi, thẩm thấu vào lòng ta. Như là ông bà, cha mẹ ta vẫn sống đời với ta, và ta sẽ tiếp tục sống đời sống đó.

Ảnh chụp tác phẩm “Góc bếp“.

Họa sĩ đã nhìn thấy và nhận ra sự quý giá của đời sống bình dị nồng ấm này cách đây ba, bốn chục năm có lẻ, và cho đến giờ, khi các hình ảnh, sắc thái ấy đã phai nhạt thì anh vẫn nghĩ suy về nó. Có lẽ ấn tượng ban đầu khi người ta còn trẻ là một dấu ấn thật khó phai, hay cũng vì đời sống hiện đại quá nhanh, quá đậm đặc vật chất tiện nghi đã lấn át, bào mòn lòng người; nên họa sĩ vẽ tranh để níu giữ lại những gì đẹp đẽ mộc mạc đã từng có?

Cốt lõi của vẻ đẹp Đồng bằng Bắc bộ, của văn hóa Việt chẳng phải là thứ hồn quê nồng hậu, giản dị, ân tình? Không cần phải khoa trương, cường điệu, không cần phải nổi bật, áp đảo, cũng chẳng cần quá cầu kỳ, tinh xảo, lộng lẫy; nó là dòng nước mát cho đi, ôm ấp ta, dung dưỡng ta, thức dậy ta không chỉ ngày qua tháng cũ, mà là cả ở hiện tại, tương lai.

Như thế, vẽ một bức tranh là giữ một nếp nhà, thắp một ngọn đèn ấm, cho mình, cho người và cho cả không gian...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn