MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện "Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2023". Ảnh: Thảo Nguyên

Người xây tổ ấm

Linh Anh LDO | 20/10/2023 16:51

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã từng được cho câu nói phân định giá trị trong mỗi gia đình. Nhưng trong gia đình hiện đại, nhiệm vụ xây nhà và xây tổ ấm là trách nhiệm của những thành viên chính trong gia đình. Đặc biệt, trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, vai trò của người phụ nữ bao quát hơn.

Những mảnh ghép

Tôi về Cương Gián - một địa danh nổi tiếng ở Hà Tĩnh với danh xưng “làng tỉ phú”. Cương Gián từng là một xã nghèo, người dân sống bằng nghề đi biển nhưng nhiều năm trở lại đây giàu “đột biến” với những ngôi nhà tiền tỉ được xây lên. Tất cả đều nhờ xuất khẩu lao động. Cương Gián hiện có khoảng 2.000 người xuất khẩu lao động, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... mỗi năm gửi về cho gia đình tổng cộng 400 - 500 tỉ đồng.

Đời sống đổi thay nhưng có một điều khiến nhiều lãnh đạo địa phương trăn trở, đó là tỉ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng, hầu hết liên quan đến xuất khẩu lao động. Lãnh đạo địa phương cho hay, từ khi phong trào xuất khẩu lao động bùng lên trên địa bàn đến nay toàn xã đã có gần 250 cặp vợ chồng ly hôn liên quan đến xuất khẩu lao động, trong đó ở những thôn được mệnh danh là "xóm Hàn Quốc" như Ngư Tịnh, Bắc Mới... có tỉ lệ ly hôn khá cao, từ 50 - 80 cặp vợ chồng, cá biệt có đại gia đình có đến 3 cặp vợ chồng "tan đàn, xẻ nghé" sau khi vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động.

Câu chuyện buồn này được người dân ở đây mô tả là có nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng đều đi xuất khẩu lao động, để con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng dẫn đến ăn chơi, hư hỏng. Ngoài ra, cuốn theo làn sóng kiếm tiền nên phần lớn lao động ở các xã ven biển của Hà Tĩnh, sau khi kiếm được một khoản tiền kha khá đã trở về nhà xây những căn biệt thự tiền tỉ, nhưng sau đó lại quen với lối sống xứ người nên lại tiếp tục khăn gói ra đi. Giàu lên thì rõ rồi, nhưng “không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với hạnh phúc” - một cán bộ tòa án ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) từng nói như vậy. Thậm chí, không ít gia đình khi có nhiều tiền từ việc ra nước ngoài làm thuê, khi đã thoát khỏi cảnh nợ nần, thì quay ra đổ đốn, hư hỏng. Điệp khúc như vợ đi làm ăn ở Hàn Quốc, chồng ở nhà lấy vợ khác; hoặc vợ đi gửi tiền về nuôi con, chồng ở nhà lại sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, bồ bịch, đến khi vợ về thì tiền hết dẫn đến mâu thuẫn... trở thành những điều không có gì bất ngờ, ngạc nhiên với chính quyền và người dân nơi đây.

Tôi từng nói chuyện với một cán bộ nữ công của LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh thì nghe chị nói: “Xã hội hiện đại không còn nặng nề chuyện ly hôn nhưng rõ ràng việc gìn giữ hạnh phúc gia đình ngày càng khó khăn. Đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Đối với phụ nữ - họ được trao trách nhiệm xây tổ ấm nhưng cũng thường xuyên là nạn nhân”.

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt

Giữ được gia đình rồi mới nói được chuyện phát huy, xây dựng những giá trị gia đình. Những câu chuyện ở Cương Gián, thật may mắn, không phải là điển hình. Song nó mang lại một bài toán không dễ tìm lời giải: Đó là sự cân bằng giữa tiền bạc và hạnh phúc và làm gì để xây dựng được hệ giá trị gia đình Việt trong bối cảnh hiện nay.

Một cuộc khảo sát mới được công bố đưa ra những số liệu đáng suy ngẫm. Đó là gia đình và hôn nhân là một giá trị quan trọng ở Việt Nam và là thiết chế xã hội phổ biến. Phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, theo đó, thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình.

Quan điểm của nhóm những người chưa kết hôn cho thấy xu hướng hôn nhân vẫn là xu hướng chủ đạo trong tương lai (với 80,5% số người chưa kết hôn cho biết sẽ “kết hôn, có gia đình”, 46,2% cho rằng “thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lập gia đình”; tỉ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý).

Trong số các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được người dân đánh giá cao nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 41,6% coi chung thủy là “quan trọng”, và 56,7% coi chung thủy là “rất quan trọng” trong hôn nhân. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy, hiện tượng bảo lưu những tiêu chuẩn kép khắt khe với phụ nữ và xu hướng vị tha hơn cho nam giới trong vấn đề chung thủy (giá trị “chung thủy quan trọng hơn với phụ nữ” có tỉ lệ đồng ý cao là 66,2%).

Các cuộc khảo sát cũng đánh giá rất cao vai trò của người phụ nữ trong việc phát huy những giá trị trong gia đình nhưng đi cùng với đó vẫn là câu chuyện về bình đẳng giới. Tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự tt khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... là những vấn đề cần làm thường xuyên, liên tục.

Gia đình là tế bào của xã hội. Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Điều này càng khẳng định xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước.

Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với chiến lược như vậy, mục tiêu đưa ra là phấn đấu 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Phấn đấu hằng năm 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên khác là: Tích cực tham gia triển khai, thực hiện chiến lược; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình; Vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên thực hiện trách nhiệm vun đắp, gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; tham gia xây dựng, thực hiện hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới.

Thành công của chiến lược có yếu tố quyết định từ những người phụ nữ. Họ không chỉ là những người xây tổ ấm mà còn tham gia các hoạt động kinh tế, giúp gia đình và địa phương tt nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn