MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người yêu dấu ở Lũy Hoa

NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH LDO | 18/12/2016 15:05
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, mở đầu những trận chiến đấu dũng cảm suốt 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ thủ đô Hà Nội. Những chiến sĩ tham gia chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã đem xương máu của mình bảo vệ từng ngõ phố, từng căn nhà, từng gốc cây trên khắp các phố phường Hà Nội.

Trận đánh này cũng là một trong những biểu tượng đẹp nhất của người Hà Nội chiến đấu bảo vệ niềm tin, bảo vệ tình yêu ban đầu thiêng liêng và trân trọng với cách mạng với thủ đô yêu dấu - trái tim của cả nước. Mùa Đông năm 2006, tôi làm bộ phim “ Người Hà Nội”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, có ghi được những hình ảnh cảm động.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Toàn dân quốc kháng chiến, các cụ - nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, gặp các nữ chiến sĩ tự vệ ngày nào, rưng rưng nước mắt. Nhiệt tình hăng hái vẫn như xưa nhưng tuổi tác đã già. Người ta đã bảy tám mươi mùa xuân cả rồi, không còn là những cô gái mười ba, mười bảy của ngày xưa nữa, Giăng Pie - nhà báo Pháp gọi cuộc chiến tranh này là “Cuộc chiến tranh kỳ dị”, bởi rất nhiều những nữ chiến sĩ Trung đoàn là những cô gái nhỏ.

Cuộc chiến đấu ở phố Hoàng Mai tháng 12.1946 (hút xăng cho vào vò sành dự trữ).

Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

“8 giờ tối, bọn em mấy đứa đang ngồi đánh tam cúc thì ùng một cái súng nổ, đèn tắt tối om. Cả bọn từ phố Hàng Chiếu, chạy theo giao thông hào ra trụ sở tự vệ ở Ô Quan Chưởng gặp các anh chỉ huy, thế là tham gia cứu thương, tiếp tế, có đứa mượn được súng nhờ các anh dạy bắn, thế là bắn luôn. Súng Mutscơtông nhằm vào đường ngầm cơ bản từ cửa sổ trên gác đóng kín, khoét một lỗ, nhằm vào ụ súng của giặc, đoàng một phát trúng mục tiêu. Chúng nó chạy tán loạn cả”. Cụ bà Kim Tôn, chiến sĩ bắn tỉa tiểu đoàn Đồng Xuân năm nay 74 tuổi. Ngày 20 tháng Chạp năm 1946, đánh nhau với Pháp mới được một ngày, bắn phát súng đầu tiên khi còn là cô bé loắt choắt 13 tuổi kể lại.

Cụ bà Lê Thương 75 tuổi nguyên chiến sĩ tình báo Liên khu 1: “Ngày đó tôi là cô nữ sinh 15 tuổi, tham gia chiến đấu, không sợ Tây, nhưng sợ ma, ban đêm đi dưới giao thông hào, đến chỗ rẽ là ù té chạy. Thế rồi có hôm các chiến sĩ ta hy sinh nhiều quá, suốt đêm một mình ngồi canh xác các anh, quên hết cả sợ, chỉ mong muốn các anh hiện về. Lúc đưa đi chôn, ôm các anh vào lòng, khóc hết nước mắt, không rời ra được”.

Bà Lê Thi GS -TS triết học, 80 tuổi, nguyên chiến sĩ Tự vệ thủ đô, Bí thư Chi bộ khu Hoàn Kiếm, con gái nhà giáo Dương Quảng Hàm, năm 1946, 19 tuổi làm biên tập báo “Chiến thắng” của Trung đoàn, làm công tác dịch vận ở các ụ chiến đấu kể lại: “Tết Đinh Hợi, ở đầu phố Hàng Giấy, chúng tôi lên gác 3, nhìn sang bên kia, ụ súng của Pháp đang mở kèn hát réo rắt. Tôi nói vọng sang bằng tiếng Pháp: “Chào các ông”. Lính Pháp ồ lên: “Ô! Các cô gái cũng đi chiến đấu à?”. Tôi trả lời: “Các ông xâm lược nước chúng tôi, ai chẳng đi chiến đấu! Rồi mấy đứa con gái chúng tôi bàn nhau hát một bài để gợi cho chúng nó lòng nhớ quê hương. Chúng tôi cùng hát bài “Bao giờ anh trở về”. Lính Pháp bên kia vỗ tay hoan hô rào rào, hò reo “Dây có kèn hát sang bên chúng tôi cơ”. Lính Pháp bàn tán ồn ào. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi được lệnh rời vị trí. Trước khi đi, hai bên còn chào nhau tạm biệt, hẹn hôm sau gặp lại cùng khiêu vũ. Mấy hôm sau, các anh tự vệ ở Hàng Giấy bảo: “Chờ mãi không thấy các cô đến, lính Pháp nó bắn tan ụ súng ở gác ba của nhà mình rồi!”. “Cuộc chiến tranh kỳ dị” ở trong thành phố Hà Nội, mùa Đông năm 1946 là như vậy đấy!

Từ mùa Đông năm 1946 đến mùa Đông 2016, đã trôi qua 70 năm, gần hết một đời người rồi, không biết các “cụ lính Pháp” ngày xưa đi bắn phá thủ đô Hà Nội còn có nhớ các “cụ bà tự vệ” đứng hát trên cửa sổ gác ba Hàng Giấy ngày xưa? Nếu không có chiến tranh, buổi khiêu vũ ngày ấy chắc sẽ tưng bừng. Và biết bao chàng trai cô gái của cả hai dân tộc Việt - Pháp đã không phải nằm lại trên các chiến lũy ở khắp các phố phường thủ đô Hà Nội!

Tết năm ấy, các cô gái làng hoa Ngọc Hà, vượt vòng vây mang rất nhiều cành đào vào thành tặng các chiến sĩ Quyết tử. Trong khói súng mịt mù, những cánh đào đỏ thắm như những giọt máu theo gió mùa lạnh buốt rơi đầy trên chiến lũy. Thương nhớ ngàn năm, những “Người yêu dấu ở Lũy Hoa”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn