MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa) Ảnh: Bộ Y tế

Nguy hiểm chết người từ ngộ độc nấm

THÙY TRANG LDO | 31/05/2020 07:54
Trong vòng một tháng tại Điện Biên đã xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm khiến 5 cháu nhỏ tử vong. Trong khi đó tại Quảng Ngãi, 3 người trong một gia đình cũng vừa tử vong do ăn phải nấm lạ. Các bác sĩ cho biết, tỉ lệ tổn thương do ngộ độc nấm rất cao, dễ gây tử vong nhưng người dân vẫn chưa có nhiều hiểu biết, vô tư hái nấm trong rừng, nấm lạ về ăn.

Ba nạn nhân trong vụ ngộ độc nấm ngày 25.4 là em Hạng Thị P (sinh năm 2006), em Hạng Thị T (sinh năm 2008, em ruột cháu P) và em Giàng Thị S (sinh năm 2014). Một trong số các em đã tử vong trên đường đi cấp cứu, 2 trường hợp còn lại được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên nhưng do chất độc đã ngấm vào cơ thể nên diễn biến sức khỏe ngày càng yếu. Sau một tuần cứu chữa, cả 2 em đã tử vong.

Trước đó, ngày 4.4, hai cháu Lý A B (sinh năm 2005) và Lý A C (sinh năm 2008) cũng đã tử vong vì ăn nhầm nấm độc khi đi chăn trâu trên nương. Đáng nói, chính quyền địa phương tại đây cho biết, tình trạng người dân trên địa bàn đi hái nấm rừng về nấu ăn không phải hiếm. Trong khi đó, vụ việc một gia đình 4 người ở xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tử vong vì ăn nấm độc cũng xuất phát từ việc người dân vẫn thiếu hiểu biết trong việc phân biệt các loại nấm độc và không độc... Mặc dù chính quyền đã tuyên truyền về việc không sử dụng các loại nấm không rõ nguồn gốc nhưng sau những trận mưa thất thường, nấm mọc lên ở các nương rẫy thì người dân lại chủ quan, hái về sử dụng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau. So với các loại ngộ độc khác, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỉ lệ tử vong lại rất cao.

Cùng trong đầu tháng 5, khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong một gia đình gồm anh Đinh Văn T (39 tuổi) và Đinh Thị N (38 tuổi, vợ của anh T), là người dân tộc Ca Dong, ngụ xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng ngộ độc nấm nặng.

Trước đó, gia đình anh T đã vào rẫy và hái nấm có màu trắng (chưa xác định loại nấm), vừa mọc sau mưa để về chế biến món ăn tối. Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng đồng hồ, lần lượt anh T, con trai (12 tuổi) và chị N có biểu hiện đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. Ba nạn nhân được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu và được điều trị 2 ngày thì con gái anh T được chuyển ra bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, còn 2 vợ chồng anh T được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng vì bệnh tình chuyển biến nặng.

Bác sĩ Hà Sơn Bình - Phụ trách khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện tiếp nhận người vợ trong tình trạng rối loạn tri giác, sau đó hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Người chồng triệu chứng ngộ độc xảy ra chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan. Các bác sĩ phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, cho nạn nhân thở máy. Tuy nhiên, do độc tố của nấm quá nặng, ngày 11.5 vừa qua, cả 2 vợ chồng anh Đinh Văn T đều đã tử vong. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng xác nhận, con của anh T - nạn nhân thứ 3 bị tổn thương não rất nặng, không còn phản xạ. Cả 3 nạn nhân đã được người nhà đưa về.

Một trong số những bệnh nhân tại Quảng Ngãi bị tổn thương nặng do ngộ độc nấm vừa tử vong tại. Ảnh: BVĐN.

Theo bác sĩ Bình, tùy theo từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng ngộ độc trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6-40 giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, những trường hợp ngộ độc sau 6 giờ hoặc muộn hơn có tổn thương gan, thận, tiên lượng nặng hơn. Ngộ độc nấm thường gây đau bụng, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng, toàn thân mệt mỏi, da xanh tái, co giật, khó thở... Nguy hiểm hơn, độc tố của một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, phá huỷ tế bào gan, thận, dẫn đến hôn mê, tử vong.

Những trường hợp ngộ độc nấm, suy gan cấp, điều trị nội khoa thường thất bại, chỉ có biện pháp duy nhất là ghép gan. Tuy nhiên, việc ghép gan thường rất khó khăn do chi phí cao, khó tìm được gan tương thích để ghép và không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.

“Những vụ việc tử vong do ăn nấm độc gần đây cho thấy, người dân vẫn rất chủ quan, chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc. Chúng tôi khuyến cáo, những loại nấm vừa mọc sau mưa, có màu sắc sặc sỡ thường là nấm độc và rất nguy hiểm. Người dân chỉ nên sử dụng những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm. Còn lại, mọi người không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm màu trắng hoặc có màu sắc sặc sỡ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc.

Nếu có biểu hiện ngộ độc, người dân cần nhanh chóng thải độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn để nôn toàn bộ thức ăn hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc, sau đó đến ngay cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn để điều trị sớm” - bác sĩ Bình chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn