MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung tại nhà riêng ở TP.Vĩnh Yên. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Nguyễn Ngọc Tung và giấc mơ thanh bình

Nhà thơ VI THUỲ LINH chọn và giới thiệu. LDO | 27/03/2022 14:32

Trong kỷ yếu hơn 1.000 hội viên Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhiều cây bút được đào tạo các ngành nghề khác rồi bỏ sớm rẽ sang văn chương, nhưng làm xây dựng cả đời trong khi dành tâm hồn cho thi ca từ tuổi 20 như Nguyễn Ngọc Tung là hiếm.

Công chúng yêu thơ tôn vinh 2 thi sĩ lục bát thế hệ 4X: Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn... thì sau họ, giới nghề ghi nhận nhà thơ đời đầu 5X Nguyễn Ngọc Tung là thi sĩ lục bát quê làng. Làng anh, nơi rợp mướt những giàn trầu không, thuộc xã Tân Cương, Vĩnh Tường, huyện quê hương Anh hùng cách mạng Nguyễn Thái Học, là miền sáng tác bất tận. Chân thực trong cảm xúc và thi ảnh, điêu luyện đến độ tung tẩy tự nhiên nảy những tứ xuất thần trong thể lục bát truyền thống tưởng khuôn hẹp kẻ sáng tạo, Nguyễn Ngọc Tung thật tinh nhuyễn về các thủ pháp tu từ. Nổi bật nhất trong thơ anh là hệ thống hình ảnh so sánh được khái quát bất ngờ thành biểu tượng độc đáo. Nhân vật trữ tình xuyên suốt và thành công nhất của anh là người mẹ sinh thành, người mẹ ấy là Mẹ Tổ quốc với những đặc điểm, phẩm cách đặc trưng của người Mẹ Việt Nam.

Thơ dâng mẹ

Kẽo kà kẽo kẹt trưa hè

Nghe như vọng tiếng võng tre thuở nào

Ngọt ngào một giọng ca dao

Lời ru mẹ dắt ta vào đường thơ

 

Đôi quang mẹ gánh nỗi nhà

Mồ hôi gieo khắp đồng xa đồng gần

Bước chân dầu dãi bước chân

Oằn mưa trĩu nắng gian truân tháng ngày

 

Lúa là tên của mẹ tôi

Chiêm khê mùa úng một thời long đong

Vắt đời nuôi hạt chờ bông

Đến mùa thân còng, cõng bão đội mưa

 

Mẹ ngồi mây trải bờ vai

Lược mòn năm tháng tóc mài gió sương

Sợi buồn rụng rối sợi thương

Mẹ vo mây trắng lòng vương nỗi lòng

 

Con đi mấy chục mùa mong

Nay về mẹ đã lưng còng tóc mây

Hái dâng mẹ lá trầu gầy

Rưng rung bên mẹ rụng đầy gió đông! 

(2.2022)

Làng Trầu nay đã đổi thay. Vĩnh Yên, nơi gia đình anh gắn bó là một trong các thành phố dẫn đầu về phát triển công nghiệp ở miền Bắc, nhưng Nguyễn Ngọc Tung vẫn "quy hoạch" không gian thơ mộng, khoáng đạt, yên tĩnh trong thơ. Đó không chỉ là trường thiên hồi tưởng, mà là khát vong gìn giữ không gian văn hóa - tâm hồn Việt ngàn đời. Mẹ anh mất năm 2006, thọ 78 tuổi, song với anh, Mẹ và làng Trầu vẫn như thuở hoa niên lấp lánh của anh, dù muôn gian khó, là con cả cùng cha mẹ gánh gia đình đông đúc 8 đứa con.

Huyền thoại cái đấu của mẹ

Mẹ đi xa

Cái đấu cũ mòn 

Có hạt thóc vàng ở lại

Như tuổi thơ con trong nôi mẹ hời ru...

 

Ngày xưa

Cha leo núi rẽ rừng tìm gỗ đẽo vầng trăng

Mẹ chèo sóng vượt lũ vớt nứa uốn vành khuyên

Cây sơn đồi âm thầm vắt từng giọt nhựa

Gắn vành khuyên với vầng trăng

Thành cái đấu

Cái đấu tình yêu của cha và mẹ.

 

Những năm 

Cha xông pha nơi chiến trường

Mẹ lam lũ cày cấy nuôi con 

Cơn gió bấc làm bông lúa lép

Nắng đốt cháy trời, khát mạ non

Trận bão lốc đè nát lúa ngậm đòng

Mùa trắng tay

Hạt cơm cõng củ sắn củ khoai

Cái đấu mẹ đong

Đói no, nghèo khó đầy vơi.

 

Đêm đêm mẹ thức

Cái đấu nghiêng về phương cha đánh giặc

Đổ đầy trăng sao thương nhớ lên trời

Con thương mẹ tóc thêm ánh bạc.

 

Cái đấu cũ mòn

Cả đời mẹ đong

Chẳng hết mồ hôi

Chẳng vơi nước mắt

Con bưng lên nắng ấm đong đầy

Rưng rưng tìm bóng mẹ... 

(2.2022)

Sớm nở tâm hồn mê thơ sáng tác và đoạt giải của tỉnh Vĩnh Phú từ năm 1970, lúc 20 tuổi, học xong Đại học Xây dựng khóa 1979 - 1984, Ngọc Tung về công tác tại Ty (sau là Sở) Xây dựng Vĩnh Phú, sống tại Việt Trì. Năm 1997, tách tỉnh, anh và gia đình về sống tại Vĩnh Yên... Tuổi 50, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉn Vĩnh Phúc năm 2010 (suốt 10 năm), thì ngay năm sau 2011 là hội viên Hội Nhà văn VN, và năm 2009 kiêm nhiệm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (nhiệm kỳ hết 2014), cũng là một "ca lạ" chưa từng có trong lịch sử.

Niềm xưa

Xưa ra bãi mót khoai

thấy mầm là thấy niềm vui 

những củ khoai sứt sẹo sót vùi trong đất.

 

Khoai thay cơm mắt ngày quay quắt

môi vẫn còn vị mật

miếng đói nhớ dai

đong đầy ký ức.

 

Tôi ra thành phố, xa em

đôi khi bỗng thèm mùi khoai vị sắn

áo cũ nhuộm bao lần bạc nắng

mặt giấy viết rồi, mặt giấy còn thơ.

 

Giữa phố phường phồn hoa

món quê thành đặc sản

mầm khoai ai còn nhớ 

thắp những niềm tôi đi suốt cuộc đời. 

(3.2022)

Tôi không hiểu sao anh trẻ lâu, đam mê dồi dào thế khi bộn bề công việc, tư duy đọc, duyệt các thiết kế, bản vẽ, thông số kỹ thuật và tư duy thi ca trái ngược lại duy dưỡng bền lâu và thành nguồn cảm hứng sống nơi anh. Người cha mẫu mực của 3 người con tuổi U50, ông của 5 cháu nội, vẫn đọc - viết hằng ngày.

Đêm qua mẹ về

Rõ là tiếng mẹ ta xưa

Đến gần lại hóa tiếng mưa rì rầm

Rõ là mẹ bảo nay rằm

Mà trăng lại khuyết bảy phần còn ba

Rõ là bóng mẹ đi qua

Thì ra gió vít cành la cành bồng

Lập lòe đom đóm bờ sông

Như là mẹ đấy mà không thấy người

Rõ là mẹ bổ cau rồi

Mà buồng cau vẫn xanh ngời trái cau

Đêm qua mẹ về thật lâu

Mà sao mẹ chẳng ăn trầu như xưa? 

(2.2022)

Xuất bản tập đầu tiên năm 2003 "Ô cửa trăng lên" (viết về ngành xây dựng), đến nay Nguyễn Ngọc Tung đã sở hữu 1 tập bút ký Hồn quê (2020), 12 tập thơ trong đó có những cuốn gây ấn tượng: "Những câu thơ từ đất", "Cây vẫn gió", "Bác Hồ trong mỗi trái tim ta" và đặc biệt năm 2021, ra mắt 2 tập thơ cùng NXB Hội Nhà văn: "Góc ruộng nhân gian", "Lục bát làng Trầu". Càng về sau thi sĩ càng viết hay, sâu sắc dù điểm khởi phát và bối cảnh chủ đạo ngỡ chỉ là chốn thân thuộc quê hương, mà day dứt khắc khoải về những thân phận người không ngừng khát khao sống tình, sống đẹp.

Ở thời điểm hiện nay, Nguyễn Ngọc Tung vẫn giữ hào hứng "tung hoành" thơ ca bằng phong độ và nhiệt lượng, đảo ngược tuổi 72 thành 27 trong sức viết và liên tưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn