MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nguyễn Huy Minh LDO | 24/07/2017 11:27
Nếu một lần đến viếng thăm nhà đày Buôn Ma Thuột, bạn sẽ thấy rằng, đây là một địa chỉ lịch sử đặc biệt ấn tượng.  
Tài liệu thu thập ở đây cho thấy rằng, cuộc đấu tranh bền bỉ và quyết liệt của nhân dân ta chống chế độ thuộc địa đã bị thực dân Pháp tìm mọi cách đàn áp khốc liệt. Chúng sử dụng mọi biện pháp tàn bạo và thâm độc để tiêu diệt lực lượng yêu nước và cách mạng, nhất là tiêu diệt các chiến sĩ tiên phong tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng. Hệ thống nhà tù, trại giam do chính quyền thực dân dựng lên, với quy mô và tính chất khác nhau theo tổ chức hành chính, là chứng tích ghi lại sự tàn bạo của chế độ thuộc địa. Đó cũng là bằng chứng vật chất phủ nhận mọi hành động “khai hóa” nước Việt Nam mà chúng vẫn tung ra để lừa bịp dư luận và biện hộ cho sự bóc lột, nô dịch và khủng bố dã man của chúng. Từ thập niên thứ III của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do ĐCSVN lãnh đạo càng phát triển rộng lớn và mạnh mẽ thì thực dân Pháp càng tăng cường đàn áp khốc liệt. Chúng xây thêm nhiều nhà tù, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột, để đày ải và tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng.
1. Nhà đày Buôn Ma Thuột được Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 - 1931 để đày ải tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ. Nhà đày nằm ở trung tâm tỉnh lỵ Đắc Lắc, cách Nha Trang 190km về phía đông nam, cách Kon Tum trên 200km về phía bắc, nổi tiếng tàn ác, suốt từ năm 1930 đến năm 1945 đã giam giữ, hành hạ nhiều ngàn lượt tù chính trị. Sở dĩ gọi là Nhà đày Buôn Ma Thuột vì một mặt xuất phát từ tên gọi mà thực dân Pháp đặt cho nó (pénitencier de Buôn Ma Thuột), mặt khác, quan trọng hơn là căn cứ vào quy định phân biệt tính chất, loại hình các nhà giam của Pháp ở Đông Dương.
Để khuất phục tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, Pháp đã sử dụng nhiều biện pháp như chém giết, ngục tù, rượu cồn, thuốc phiện, chia cắt đất nước, chia rẽ dân tộc, lừa bịp mị dân, lai căng, đồng hóa... Trong muôn vàn biện pháp ấy thì cách mà chúng cho rằng hiệu quả nhất để dập tắt sự phản kháng của nhân dân ta là đàn áp, khủng bố dã man, bắt bớ, giam cầm. Do đó, trong quá trình ngót một thế kỷ xâm lược và cai trị, Pháp đã dựng lên khắp nơi trên đất nước Việt Nam một hệ thống nhà tù, trại giam, gồm đủ mọi loại hình. Nước Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến có 70 tỉnh thành thì lúc đầu ở mỗi tỉnh thành có một nhà tù riêng (prison provinciale) để giam giữ tù nhân của địa phương.
Ở mỗi xứ lại có những trung tâm giam giữ tù nhân lớn hơn như Hỏa Lò ở Hà Nội (Bắc Kỳ), Khám Lớn ở Sài Gòn (Nam Kỳ), nhà lao Thừa Phủ ở Huế, nhà lao Vinh ở Nghệ An (Trung Kỳ)... Những nhà tù ấy giam giữ những tù nhân bị bắt đang xét hỏi. Sau khi thành án, những tù nhân án nặng (chung thân hoặc 5 năm trở lên), bị coi là những tù nhân nguy hiểm, thì lần lượt bị đày đi biệt xứ tới những nơi xa xôi hẻo lánh trong đất liền, ngoài hải đảo, hoặc xa hơn nữa, vượt qua đại dương đến những Nhà đày ở các thuộc địa của Pháp như đảo Reunion, đảo Madagascar, đảo Tahiti, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie), xứ Guyane... cách xa Việt Nam hàng vạn dặm. Do đó mà các hình thức Nhà đày xuất hiện.
Nhà đày sớm nhất ở Đông Dương là Nhà đày Côn Lôn (1862) nằm ngoài khơi Biển Đông, cách đất liền hơn 100 hải lý, vừa là Nhà đày riêng của xứ Nam Kỳ, vừa là Nhà đày chung của xứ Đông Dương. Sau đó là các Nhà đày Lao Bảo, Sơn La, Kon Tum, Buôn Ma Thuột... Trong thế chiến II, Pháp còn lập thêm nhiều nhà lao quận, nhà lao huyện, trại tập trung ở khắp nơi trong cả nước, phát triển hệ thống lao tù ở Đông Dương đến mức độ dày đặc và hoàn bị nhất. Trong toàn bộ hệ thống ấy, Nhà đày Buôn Ma Thuột là một Nhà đày lớn cả về quy mô nhà giam và số lượng tù nhân bị giam giữ, là một trong những chứng tích điển hình của chính sách đàn áp, khủng bố tù chính trị của thực dân Pháp.
Những dãy nhà lao như chìm trong sự u tịch của thời gian.

2. Ngày nay ai cũng cảm thấy Đắc Lắc rất gần gũi, nhưng những năm xưa, khi Pháp xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc là một miền núi rừng hoang vu, hiểm trở, bị bao vây giữa bốn bề núi rừng trùng điệp rậm rạp nhiều thú dữ, khí hậu khắc nghiệt, độc địa. Từ kinh đô Huế tới đây là nghìn trùng cách trở, bởi vị trí địa lý khiến Đắc Lắc như bị cô lập với thế giới xung quanh. Buôn Ma Thuột là tỉnh lỵ của Đắc Lắc, lúc đó rất nhỏ bé, nghèo nàn, tăm tối. Từ tỉnh lỵ đi các nơi trong tỉnh chủ yếu là đường đất với các phương tiện giao thông như voi, ngựa, xe bò kéo.

Đưa tù chính trị người Kinh lên giam giữ ở một vùng dân tộc thiểu số bất đồng ngôn ngữ mà Pháp gọi một cách khinh miệt là vùng “mọi”, bị đặt dưới sự canh phòng nghiêm ngặt, Pháp cho rằng dù tù nhân có bỏ trốn cũng không có nơi nào ẩn náu, nếu không lạc vào rừng sẽ bị cọp ăn thịt. Trong đất liền Việt Nam lúc đó, Đắc Lắc giống như một “cô đảo”, bị đi đày ở đây thì cũng chẳng khác gì bị đày ra các hải đảo xa khơi. Thực dân Pháp tính rằng, ngoài việc tiêu diệt ý chí cách mạng, giết dần giết mòn tù chính trị một cách kín đáo, không tốn kém, chúng còn sử dụng được sức lực tù nhân cho mục đích kinh tế và xây dựng căn cứ quân sự ở Đắc Lắc và Tây Nguyên nhằm đối phó với nguy cơ bọn quân phiệt Nhật xâm lược Đông Dương.

Nhà đày Buôn Ma Thuột nay đã được chỉnh trang tu sửa lại, với một số tượng đặt ngay tại các buồng giam để mô tả cảnh sinh hoạt trước đây. 

Ở Buôn Ma Thuột lúc đó có một đội lính khố xanh người Thượng (Êđê) do Thanh tra Maulini chỉ huy. Hai sĩ quan giúp việc là Chánh cảnh vệ Moshine và Bonelli chỉ huy đồn lính khố xanh thị xã, kiêm cai quản nhà lao tỉnh. Đối với tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột, cả ba tên chỉ huy nói trên là những con quỷ dữ. Tàn ác nhất là quản ngục Moshine, nói rất sõi tiếng Việt và tiếng Êđê, một điển hình về mất tính người. Y đánh đập tù nhân và cả binh lính người địa phương tàn nhẫn, thậm chí còn dùng lưỡi lê đâm tù nhân rồi liếm máu dính trên lưỡi lê. Giữa miền rừng núi âm u, những người tù lao dịch khổ sai ăn không đủ no mặc không đủ ấm, bị giam cầm, cùm kẹp, đánh đập dã man, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.

Mờ sáng, lính dẫn đoàn tù đi lao dịch. Đến công trường, lính gác đứng chung quanh để giám sát tù nhân làm việc, cứ 4 tù nhân có một lính canh. Lính canh dùng roi gậy đánh đập tù nhân, điều khiển công việc thay cho ngôn ngữ bất đồng. Sáng ra đi, bó roi của lính dài như những chiếc cần câu, tối về chỉ còn những mẩu ngắn. Roi của tên lính nào còn dài thì quản ngục sẽ đánh chính tên lính đó. Lao dịch trên công trường mỗi ngày tù nhân được ăn 700gram gạo, thức ăn có cá khô mục và bí đỏ đưa từ Nha Trang lên hoặc từ Campuchia sang.

Đến bữa ăn, cơm xới vào rá bày ra sân để nguội, gió rừng hút khô teo, cát bụi phủ đầy, tù nhân miệng đắng ngắt nuốt không nổi. Trên các công trường đã chôn vùi biết bao tính mạng tù nhân vì đất sập, đá đè, nước lũ cuốn, hổ báo ăn thịt hoặc vĩnh viễn ngã xuống vì những trận đòn và bệnh tật.

Tượng 2 nữ bạn tù.

3. Năm 1930, khi quyết định xây Nhà đày Buôn Ma Thuột, thực dân Pháp ở Đắc Lắc dự tính, hàng năm tỉ lệ tù nhân chết ít nhất là 10%, nhưng sang năm 1931, chúng ước tính tỉ lệ đó tới 25%. Trong hai năm 1931 - 1932 đã có tới hơn 100 tù nhân chết, nhiều người trong số đó chôn ở nghĩa địa Lạc Giao (tài liệu lưu trữ tại Viện lịch sử Đảng).

Theo đó thì chỉ trong khoảng 5 năm, số tù nhân ở Đắc Lắc sẽ chết hết. Năm 1935, theo các báo chí công khai ở Huế tổng kết, trong số 100 tù nhân chết ở Buôn Ma Thuột thì có 24 người bị sốt rét đái ra máu. Trong 100 tù nhân thì 99 người có ký sinh trùng sốt rét trong máu. Có những bệnh nhân sốt gần 40 độ liên tục trong 4-5 ngày mà không được một viên thuốc nào và vẫn phải đi lao dịch trên công trường. Trong tình cảnh Nhà đày như thế, tù nhân chỉ có hai con đường: Hoặc là chết mòn trong yên lặng, trong mọi sự nhục nhã ê chề, hoặc đoàn kết tổ chức nhau lại để đấu tranh đòi bọn thống trị phải thực hiện các yêu cầu của họ trong khuôn khổ chế độ tù chính trị, giữ vững khí tiết và giành lấy sự sống. Cuộc đấu tranh phản đối khủng bố, đánh đập, bắn giết tù nhân càng ngày càng mạnh mẽ. Có những lúc toàn thể Nhà đày dấy lên những loạt hô khẩu hiệu như sấm: “Phản đối đánh đập dã man”, có người còn trích máu khẩu hiệu lên tường nhà lao: “À bas l’assassin Moshine” (Đả đảo tên giết người Moshine) (Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột 1930 - 1945, Tỉnh ủy Đắc Lắc). Song song với đấu tranh, các tổ chức trong Nhà đày còn đặc biệt chú trọng mở nhiều lớp văn hóa, chính trị, quân sự phù hợp với trình độ của từng đối tượng tù nhân và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Nội dung học tập là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, năm loại công tác vận động quần chúng, Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ tám (5.1941), Chương trình Điều lệ Việt Minh... được một số đồng chí khi vào tù nhớ lại và ghi chép thành tài liệu thảo luận, học tập. Tài liệu được ghi chép rất công phu và cất giấu kín đáo trong các ống nước uống hai đáy, trong guốc, dép của tù nhân. Báo cáo số 180 ngày 16.1.1942 của Công sứ Buôn Ma Thuột gửi Khâm sứ Trung kỳ đã thừa nhận: “Sự tuyên truyền giữa các tù nhân ở Buôn Ma Thuột diễn ra thường xuyên đã chỉ rõ Nhà đày này quả là một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”... Dưới sức ép của dư luận trong nước và nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng, của tù nhân khắp các Nhà lao, Nhà đày, đầu tháng 5.1945 Chính phủ Trần Trọng Kim đã ra sắc lệnh ân xá tù chính trị. Trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20.8.1945, gần 300 chiến sĩ cộng sản, sau bao nhiêu năm tháng bị giam cầm đày ải, từng đoàn từng đoàn lần lượt từ giã Buôn Ma Thuột và Đắc Lắc “tung cánh” về xuôi, cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Hàng rào dây thép gai bao quanh Nhà đày Buôn Ma Thuột.

4. Tổng số tù bị đày đến Buôn Ma Thuột qua các phong trào cách mạng có hàng nghìn lượt đồng chí. Có gia đình bị địch giam cầm ở đây 2-3 anh em (như Lê Chưởng, Lê Hùng và Lê Vụ; Lê Tự Nhiên, Lê Tự Cuộc và Lê Tự Đồng; Lê Viết Lượng và Lê Viết Thanh; Trần Văn Quang và Trần Anh Bình...); có đồng chí bị giam ở đây 2-3 lần (như Trần Hữu Dục, Bùi San...). Có những người bị giam ở đây từ năm 1930 cho đến những ngày tiền khởi nghĩa năm 1945. Trong số tù nhân của Nhà đày Buôn Ma Thuột, đại bộ phận là đảng viên cộng sản, một số người trước khi vào tù đã giữ những chức vụ quan trọng trong các cấp bộ Đảng.

Vẫn còn đến ngày nay những câu thơ của những người tù của Nhà đày Buôn Ma Thuột, như: “Đi lắm chồn chân phải tạm ngồi/ Ngồi xem sân khấu diễn tuồng chơi/ Quân thù đắc chí phồng mang thét/ Tướng chó ra oai cắn xé mồi/ Thịt nát mặc thây, đâu xá kể/ Xương tan ta vẫn quyết không lùi/ Hạ màn sẽ biết bên nào thắng/ Chánh nghĩa xưa nay vẫn sáng ngời!” (Quyết không lùi, Phan Thái Ất, năm 1933). Thực dân Pháp dùng chế độ nhà tù tàn khốc để giết dần giết mòn những người tù cộng sản về thể xác và tinh thần. Nhưng với tinh thần bất khuất, các chiến sĩ cộng sản đã thắng, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về hoạt động và sự trưởng thành của các chiến sĩ cách mạng bị lao đày trong lời khai mạc lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng năm 1960: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại, nó trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”.
Thông tin về quản ngục Moshine và quang cảnh Nhà đày được vẽ thành tranh, treo trên tường Nhà đày hiện nay.
“Tổng số tù bị đày đến đây, qua các phong trào: 1929, 1930, 1936, 1939, 1940 - 1945 có 3.855 đồng chí, gồm đại bộ phận là đảng viên cộng sản, trong đó có cả những ủy viên trung ương, xứ ủy, huyện ủy và chi ủy”.
“Từ sau cách mạng tháng tám đến nay, số đồng chí từng bị giam giữ ở Buôn Ma Thuột đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và quân đội. Trong đó có 05 đồng chí trong Bộ Chính trị, 04 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 01 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 43 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, 33 Bí thư Xứ ủy, Khu ủy và Tỉnh ủy, 44 tướng lĩnh trong đó có 02 đại tướng, 02 thượng tướng và 50 đại tá”
(Báo Nhân Dân ngày 13.4.1990)

Quản ngục Mahomed Moshine
“Ngày nào không đánh, đá được lính tráng, không đánh đập, giết chết được phạm nhân thì tối về ăn không ngon cơm” đó là câu nói hàng ngày của Moshine, một trong những tên quản ngục khét tiếng nhất tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Quản ngục Mahomed Moshine là một “giống lai” quốc tế, một điển hình về mất tính người, tập trung tính hung ác, thú vật của “giống” thực dân khát máu và tàn bạo đến cực điểm. Chính cái “thú tính” đã được thực dân Pháp “thuần hóa” mà Moshine nhiều lần được trọng dụng làm sếp lao tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. 
Để đàn áp các cuộc đấu tranh của tù nhân, Moshine dùng mọi thủ đoạn hành hạ, tra tấn từ cùm chân, trói tay, dùng gậy có đóng đinh và vồ đập lên đầu đến dội nước phân, nước tiểu lên người tù. Độc ác hơn, hắn dùng lưỡi lê đâm vào chân, vào bụng của người tù rồi liếm máu trên lưỡi lê. Nửa đêm hắn nhảy vào phòng giam ôm ghì đầu người tù cắn tai, cắn mũi, liếm máu nhe nanh, nhăn trái, cười khì khì rồi nói một câu rùng rợn: “Tao khát máu chúng mày, tao phải uống máu chúng mày”. 
Trong cuộc đời làm quản ngục ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, Moshine đã gặp không ít các cuộc đấu tranh, biểu tình đòi tống cổ ra khỏi Nhà đày. Từ năm 1930 đến 1943, Moshine bị đưa đi chuyển về ba lần. Lần đầu vào năm 1934, lần thứ hai vào năm 1937, lần cuối cùng vào năm 1943. Phẫn nộ trước hành động giết người dã man của hắn, tập thể tù nhân đã tổ chức đấu tranh quyết liệt buộc chính quyền thực dân Pháp tại Đắc Lắc phải cách chức và chuyển hắn đi, chấm dứt thời gian cai quản của Moshine tại Nhà đày Buôn Ma Thuột”.
(Trích: Vượt ngục Đăk Mil của Nguyễn Tạo)

Chỉ vì đề đạt một nguyện vọng mà ba tù nhân bị tăng án
“Mới đây, ở Nhà tù Buôn Ma Thuột ba tù chính trị là Nguyễn Hữu Tuân, Nguyễn Duy Trinh và Hồ Thiết, mỗi người bị tăng thêm 5 năm tù giam chỉ vì cái tội đã yêu cầu được bãi bỏ hình phạt nhốt xà lim và ăn cơm khô hàng tháng. Vì đã nhiều lần các tù nhân đề đạt các thỉnh cầu đối với các hình phạt mà vẫn không được nhà cầm quyền cấp cao động lòng thương hại, nên họ đã phải tuyệt thực để được nhà cầm quyền lưu tâm hơn. Kết quả đó, mỗi một tù nhân nói trên đã bị tăng thêm 5 năm tù giam.
Tiếp theo vụ đó, một tù nhân khác tên là Thái Đồng đã yêu cầu nới rộng chỗ cùm chân. Kết quả là tù nhân này được tăng thêm 5 năm rưỡi tù giam, còn lỗ cùm chân thì vẫn không được nới rộng chút nào”.
(Báo Ánh Sáng, ngày 8.4.1935, dịch lại từ bản tiếng Pháp, tài liệu lưu trữ tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Đắc Lắc).


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn