MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà giáo Ưu tú, nhà văn, dịch giả Lê Đức Mẫn: Dịch thuật là thứ vũ khí “mềm”

diễm anh LDO | 01/04/2018 07:03
Giải thưởng trong lĩnh vực dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 đã được trao cho Nhà giáo Ưu tú, nhà văn, dịch giả Lê Đức Mẫn với tác phẩm “Khổ vì trí tuệ” của Aleksandr Griboedov (người Nga, 1795 - 1829). Trên thực tế, cái tên Lê Đức Mẫn đã được cả một thế hệ bạn đọc những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước biết đến và ngưỡng mộ thông qua tác phẩm “Những người thích đùa” (của tác giả người Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin - dịch chung với dịch giả Thái Hà qua bản tiếng Nga). Cũng chính vì thế, câu chuyện giữa tôi với ông chủ yếu xoay quanh lĩnh vực thú vị này...

Theo ông, điều gì đặc biệt trong “Khổ vì trí tuệ” để nó mang lại giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 cho ông?

- Đây là kịch thơ của một tác giả có số phận khá đặc biệt: Aleksandr Griboedov - cùng thời với Puskin. Nó là tác phẩm đầu tiên và duy nhất của A.Griboedov. Tuy nhiên, “Khổ vì trí tuệ” không được xuất bản mà chỉ được lưu truyền trong giới trí thức thời bấy giờ bởi nội dung phản kháng chế độ nông nô ở Nga. (Hơn chục năm sau khi ông mất, người ta mới gom lại và dựng thành kịch để biểu diễn - đặt nền móng cho nền sân khấu nước Nga). Tác phẩm bao gồm 5.000 câu thơ với rất nhiều ngữ cảnh và cảm xúc tâm lý khác nhau. Những ai đã từng làm công tác dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học, hẳn sẽ hiểu những khó khăn trong việc chuyển ngữ những bài thơ hoặc trường ca... Có lẽ, vì thế chăng mà tôi đã được Hội Nhà văn “ưu ái” trao giải, sau khi được Quỹ hỗ trợ Quảng bá Văn học Việt Nam, Văn học Nga cho xuất bản một cách trang trọng.

Với tư cách là Phó Giám đốc, ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về Quỹ này?

- Quỹ hỗ trợ Quảng bá Văn học Việt Nam, Văn học Nga (gọi tắt là Quỹ) do Tổng thống Nga lúc đó (2012) Dmitry Medvedev ký quyết định thành lập với nhiệm vụ tập trung huy động vốn trong cả nước để phát triển, quảng bá văn hóa Nga ra khắp thế giới thông qua việc dịch các tác phẩm văn học Nga. Hằng năm, bên Nga đưa ra một danh sách các tác phẩm (vừa cổ điển, vừa hiện đại) để phía Việt Nam lựa chọn và tùy thuộc vào thực lực đội ngũ dịch giả trong nước mà tổ chức dịch. Gọi là Quỹ, nhưng Quỹ không có tiền, mà chỉ đơn giản là chúng tôi tổ chức dịch, các NXB trong nước biên tập rồi gửi bản thảo sang Nga in (phía Nga cũng chịu trách nhiệm trả chi phí cho các khâu dịch và biên tập), mỗi tác phẩm được in 1.000 bản. Trung tâm Văn hóa Khoa học Nga ở Hà Nội giữ 200 bản để tặng cho tác giả và những đối tác khác, 800 bản còn lại sẽ chuyển đến tất cả các thư viện lớn trong cả nước. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ đã dịch được khoảng 20 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt.

20 tác phẩm trong 5 năm. Con số đó có ít ỏi không, thưa ông?

- Theo tôi, với đội ngũ dịch giả (tiếng Nga) như hiện nay, con số đó không hề nhỏ. Thế hệ của chúng tôi và lớn hơn - còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người trẻ hơn thì vẫn có nhiều người giỏi tiếng Nga đấy, nhưng có lẽ trong cuộc sống sôi động đến mức tất bật như hiện nay, khó có người chịu ngồi một chỗ để cân nhắc từng câu, từng chữ cho bản dịch của mình...

Hơn nữa, không cứ giỏi ngoại ngữ là dịch được các tác phẩm văn học, phải vậy không, thưa ông?

- Đúng vậy, theo tôi, để dịch được một tác phẩm thì người dịch phải có đủ 4 yếu tố: Trình độ ngoại ngữ; Sự am hiểu tiếng mẹ đẻ; Nền tảng văn hóa và Kỹ năng nghề (dịch). Thiếu 1 trong 4 yếu tố đó thì khó có một tác phẩm chuyển ngữ thành công. Hay nói cách khác, công tác dịch thuật là kết quả của một quá trình tích lũy kiến thức (mọi mặt) chứ không đơn giản là dịch ngữ nghĩa đơn thuần như trong giao tiếp, sinh hoạt...

Là một người cả đời gắn bó với tiếng Nga, ông có buồn không khi giờ đây, tiếng Nga nói chung và văn học Nga nói riêng, không được nhiều bạn trẻ quan tâm?

- Tôi nghĩ, mỗi giai đoạn phát triển đất nước, công việc dịch thuật có sứ mệnh riêng và nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Theo quan sát của tôi, có thể chia công việc của giới dịch thuật ở Việt Nam thành 4 giai đoạn: Lớn nhất, trải dài gần 2.000 năm là giai đoạn chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Tiếp đó là giai đoạn dịch Pháp - Việt (1905 - 1954 và đầu những năm 1960); giai đoạn dịch Nga - Việt (1961 - 1990) và giai đoạn dịch Anh - Việt (1990 - đến nay). Có thể nói, nhờ có công việc dịch thuật này mà chúng ta đã tiếp thu được toàn bộ những tinh hoa của các nền văn hóa phương Đông, Tây Âu, Đông Âu, Liên Xô trước đây đồng thời góp phần đưa tiếng Việt ra thế giới và ngược lại. Cũng phải nói thêm rằng, chưa bao giờ đội ngũ dịch thuật lại đông như hiện nay, số lượng đầu sách được dịch không thể kiểm soát nổi. Tuy nhiên, tôi có cảm giác nội dung các cuốn sách được dịch hơi bị xô bồ, không rõ thể loại. Bởi thế, cũng khó tìm được những tên tuổi dịch giả nổi tiếng như ở các giai đoạn trước.

Thế có nghĩa là công việc dịch thuật có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, thưa ông?

- Đúng vậy, tất cả các cải cách xã hội đều chịu ảnh hưởng của dịch thuật. Cụ thể hơn thì dịch thuật là một thứ vũ khí “mềm” tác động không nhỏ đến sự phát triển của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới, rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại. Tôi có thể dẫn chứng cho bạn thấy rõ điều này: Trong quá khứ, thời Trung cổ, thế giới đã trải qua một “giấc ngủ” dài tới gần 15 thế kỷ. Trong suốt thời kỳ đó, con người chỉ tồn tại theo tôn giáo, không có một công trình xây dựng hay phát minh khoa học nào. Thế nhưng, trước đó, thời Cổ đại, thế giới đã từng có một nền văn minh vô cùng rực rỡ với các kim tự tháp Ai Cập, đấu trường La Mã, thành phố dưới lòng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ... Vậy, tại sao nó lại bị quên lãng, lụi tàn? Đó là bởi nó cứ nằm im một chỗ, không có sự giao lưu. Hay nói cách khác là không có sự truyền bá thông qua ngôn ngữ (dịch thuật)... Đến giữa thế kỷ 15, Luther - một mục sư người Đức được giao nhiệm vụ dịch kinh thánh từ tiếng Arab sang tiếng Đức. Từ đó, cả Châu Âu như bừng tỉnh bởi người ta tìm hiểu nội dung, giáo lý của Kinh thánh và nhìn thế giới một cách khoa học chứ không mê muội nữa... Hay như, cho đến đầu thế kỷ 19, Nhật Bản và Việt Nam đều ở trong tình hình kinh tế, xã hội như nhau. Giữa thế kỷ 19, sau một chuyến sang Châu Âu, Nhật Hoàng (Minh Trị) ra quyết sách: Dịch toàn bộ sách giáo khoa của Mỹ để dạy trẻ em trong nhà trường. Chỉ 50 năm sau, Nhật trở thành một cường quốc... Còn ở Việt Nam ta, chí sĩ Nguyễn Trường Tộ (cùng thời với vua Minh Trị) - người đã từng được sang Châu Âu và từ khi về đến lúc qua đời (khoảng 10 năm) đã có vài ba chục tờ sớ dâng lên triều đình Huế (vua Tự Đức) tâu về việc cấp bách cải cách kinh tế, xã hội và đặc biệt là giáo dục - đều bị bác hoặc không xem đến, và giờ thì giáo dục của chúng ta đang “ở đâu”? Bên cạnh đó, như tôi đã nói ở trên, nhờ công tác dịch thuật mà chúng ta mới tiếp thu được những tinh hoa văn hóa, khoa học kỹ thuật trên toàn thế giới. Và cuối cùng, giờ, ai cũng nói chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng - thế giới mà chỉ có công tác dịch thuật mới giúp chúng ta có được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

- Nhà giáo ưu tú, nhà văn, dịch giả Lê Đức Mẫn sinh năm 1941. Từ nhỏ ông được học tiếng Pháp và đã có thể đọc thi ca, văn học Pháp bằng nguyên bản.

- Đến nay, đã có hơn 40 tác phẩm văn học Nga được ông dịch sang tiếng Việt, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng: Trường ca “Ác quỷ” (Mikhail Lermantov); “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (Boris Vasilyev); “Những người thích đùa” (Azit Nexin, bản tiếng Nga)... cùng hàng trăm bài thơ của Puskin và các tác giả khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn