MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đức Trung (ngoài cùng, phải) cùng đội ngũ nhân viên đặc biệt tự hào thông báo nhà hàng đã kín lịch đến hết năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà hàng hạnh phúc của những nhân viên đặc biệt

Ninh Linh LDO | 17/12/2023 07:30

Bước vào nhà hàng nhỏ nằm trên phố Mai Anh Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội, thực khách dễ dàng cảm nhận được bầu không khí ấm cúng, gần gũi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những nhân viên đặc biệt có thể đưa thực khách đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Được mệnh danh là nhà hàng hạnh phúc, đây là quán ăn đầu tiên ở Việt Nam đào tạo những nhân viên là người tự kỷ. Đối với người bình thường, việc lao động và kiếm tiền chẳng có gì khó nhưng đối với người tự kỷ, đó là cả một quá trình dài và không hề dễ dàng...

Những nhân viên đặc biệt

Anh Nguyễn Đức Trung, người sáng lập Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam (VAPs), chia sẻ: “Tôi chọn pizza là món ăn có tính công thức theo quy chuẩn tương đối vì sử dụng nguyên liệu chung như đế bánh, cà chua, ớt chuông, phô mai và chỉ thay nguyên liệu chính như hải sản, nấm, thịt bò, xúc xích...”.

Thực đơn của quán khá đơn giản, chủ yếu bao gồm các món pizza như pizza chay, bò, xúc xích... với các lựa chọn đồ uống như trà, cà phê, nước uống có ga... Hơn nữa, món ăn chủ đạo này giúp đa dạng khách hàng, thay vì lấy khó khăn để tìm sự thương cảm từ những người hiểu tự kỷ hay người không hiểu tự kỷ.

Những chiếc bánh nóng hổi sẵn sàng phục vụ thực khách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Một phần lý do nữa là vì tính linh hoạt của người tự kỷ không cao, lượng phô mai bốc nhiều hay ít các bạn khó hình dung được. Trải qua quá trình luyện tập và lao động, các bạn nhân viên sẽ cảm nhận tinh tế hơn” - anh Trung nói.

Sau khi nhận thực đơn, các chàng trai tản ra thực hiện nhiệm vụ của mình. Minh (22 tuổi) là người tiếp đón thực khách, hướng dẫn chọn món và chuyển thực đơn tới cho nhà bếp. Minh gặp khó khăn trong việc giao tiếp, cậu khó nói chuyện “tròn vành rõ chữ” với người đối diện nhưng trải qua quá trình luyện tập nhiều lần, cậu hiện tại đã có thể thành thục công việc của mình. Trên môi cậu luôn giữ nụ cười tươi với các thực khách bước vào nhà hàng.

Thực khách và nhân viên nhà hàng tương tác vui vẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếp theo, Hưng (21 tuổi) sẽ chế biến pizza theo yêu cầu của thực khách và sau đó tự mình bê món ăn ra bàn cũng như sắp xếp dĩa, thìa, dao cắt phục vụ cho khách. Mọi thao tác đều thuần thục, cẩn thận và nhanh chóng. Mỗi món ăn đưa tới khách hàng luôn gói gọn tất cả sự chỉn chu và nỗ lực của cậu.

Bước cuối cùng do Tùng (29 tuổi) đảm nhận thanh toán. Cậu là người giao tiếp tốt hơn so với các bạn tại nhà hàng và cũng giỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó, cậu còn có thể đào tạo cho những người sau.

“Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hướng dẫn bạn bếp trưởng xay cà chua đâu vì công đoạn này khó. Thông thường, bếp trưởng ở các nhà hàng sẽ làm một việc, chủ yếu chỉ đạo và có các bếp phó hỗ trợ.

Còn với năng lượng phục vụ của người tự kỷ còn kém, tôi tăng các hoạt động nhỏ lên theo quy trình dập khuôn. Nhà hàng của chúng tôi cũng không phục vụ sinh tố vì thức uống này đòi hỏi sự linh hoạt. Tôi cố gắng đơn giản hóa mọi công đoạn vì tôi hiểu bản chất của các bạn tự kỷ”, anh Đức Trung bày tỏ.

Hành trình “from zero to hero”

Xuất phát từ “dân” kinh tế, có 2 năm nghiên cứu về lĩnh vực người tự kỷ trên toàn cầu, từng sống và trải nghiệm cuộc sống cùng nhiều gia đình có con mắc chứng bệnh này ở Việt Nam, anh Đức Trung thật lòng mong muốn dự án này của mình được nhiều người biết đến và quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương này.

Đóng vai trò người đứng đầu dự án, anh tiết lộ nỗi lo của một người làm kinh doanh là năng lực của các nhân viên có phục vụ được khách hàng không, có chịu được áp lực công việc không, có chịu được tiếng ồn khi đông khách không, có bị tổn thương khi tiếp xúc với nhiều tệp khách hàng không... Bởi vậy, trách nhiệm của anh là giúp giảm tổn thương cho các nhân viên trong công việc.

Còn về phía khách hàng, anh lo lắng về chất lượng món ăn. Vì thế, ở lần khởi nghiệp này, anh Trung đã hiểu và cố gắng không bán tràn lan để tránh rủi ro đáng tiếc. Để vận hành trơn tru như hiện tại, nhà hàng phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Anh thẳng thắn cho biết: “Thành lập một hệ thống nhà hàng, siêu thị, nhà sách với các bạn nhân viên là người tự kỷ không hề dễ. Bản thân tôi tất nhiên đã trải qua những lần thất bại và bị hiểu lầm”.

Các thực khách và nhân viên nhà hàng vui vẻ trò chuyện cùng nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Số lượng nhân viên anh Trung từng đào tạo khoảng 17 người, bây giờ trụ lại còn 7 người. Với mong muốn mô hình này thành công, anh chấp nhận phải dạy từng nhân sự với thời gian khoảng từ 9 tháng đến một năm, vì kiến thức nền của các bạn còn yếu.

Có những thời gian, anh chở các nhân viên tập sự đến các doanh nghiệp để họ thử cà phê các bạn pha và đánh giá chất lượng. "Để vận hành nhà hàng như bây giờ, tệp khách hàng đầu tiên chính là tôi vì tôi hiểu các bạn, tôi sẽ cảm nhận mình nên thay đổi gì ở hệ thống".

“Tệp khách hàng thứ hai là bậc phụ huynh của các bạn nhân viên vì món ăn dù xấu hay đẹp, dù ngon hay dở, bố mẹ vẫn có cái nhìn bao dung. Tệp khách hàng thứ ba liên quan đến những người quan tâm đến người tự kỷ và sau đó mở rộng tới các tệp khách hàng khác nữa”.

Trong tâm niệm của anh Trung, với người làm kinh doanh, mô hình kinh tế này có thể nhỏ nhưng với những người gắn bó với lĩnh vực tự kỷ ở Việt Nam, đây là một giấc mơ lớn. Những năm qua, ngoài tài chính, bản thân anh đã phải đánh đổi cả sức khoẻ của chính mình. Anh mong muốn trong tương lai, mô hình này còn lan rộng ở Đà Nẵng, TP.HCM và mở thêm một số dịch vụ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn