MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả Thiệp Nguyễn (ngồi xe lăn) và con gái là nhà thiết kế Xuân Thu (bên trái).

Nhà khoa học U90 ngồi xe lăn, vẫn ra sách thơ đầu tay

Bài và ảnh: Sao Khuê LDO | 25/06/2023 21:48

Tác giả Thiệp Nguyễn (sinh năm 1940) vừa gây ngạc nhiên trong bút giới khi ông đàng hoàng ra mắt cuốn sách thơ đầu tay “Tiếng xa” (NXB Thế giới tháng 6.2023) tại khách sạn 5 sao Melia (Hà Nội). Một buổi giới thiệu “đứa con tinh thần” đầy trang trọng, mà không phải tác giả kỳ cựu nào cũng có thể thực hiện được!

Tất cả những khách mời đến dự buổi ra mắt sách thơ “Tiếng xa” của tác giả Thiệp Nguyễn đều xúc động và cảm phục khi nhìn thấy tác giả đã vào tuổi U90, ngồi xe lăn, gương mặt đẹp có phần xanh xao gày gò nhưng thật điềm tĩnh với trang phục áo dài truyền thống màu xanh lá tre già, xuất hiện trên sân khấu khách sạn sang trọng ở trung tâm thủ đô.

Với một đứa con tinh thần mà mình gửi gắm nhiều tâm huyết, ai cũng muốn khoảnh khắc chào đời của “con” được diễn ra thật huy hoàng, nhưng có mấy ai thực hiện được như cách mà Thiệp Nguyễn vừa làm.

Thật cảm động hơn nữa, khi biết người hỗ trợ ông thực hiện lễ ra mắt sách độc đáo này, là nhà thiết kế (NTK) Xuân Thu nổi tiếng trong làng thời trang Việt Nam suốt 3 thập niên qua. Chị muốn làm chương trình này một cách sâu sắc và độc lạ để tri ân cha mình.

Lễ ra mắt sách không chỉ có tiết mục giới thiệu tác giả, nội dung chính tập thơ, đọc và bình thơ, mà còn có tiết mục vô cùng mới mẻ, lạ lẫm, ấy là việc trình diễn 2 bộ sưu tập mốt của con gái và cháu gái ruột tác giả - nhà thiết kế (NTK) Xuân Thu (bộ sưu tập Tiếng xa) và NTK Nguyên Khanh (bộ sưu tập Begin - Khởi đầu). Cả hai bộ sưu tập tuyệt đẹp đều được lấy nguồn cảm hứng từ tập thơ “Tiếng xa” của tác giả Thiệp Nguyễn. Lần đầu tiên ở Việt Nam, thơ đã là nguồn cảm hứng để bộ sưu tập thời trang ra mắt trên sàn catwalk.

NTK Xuân Thu chia sẻ: “Cha tôi chính là người đã định hướng và truyền cảm hứng để tôi trở thành nhà thiết kế thời trang. Những bài thơ của ông, và đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống, giá trị riêng của gia đình mà ông trao truyền, đã chắp cánh từ cô bé ước mơ “năm 2000 em sẽ sống như thế nào” trở thành NTK Xuân Thu, một NTK thời trang luôn tôn vinh các giá trị văn hóa mặc của người Việt.

Tôi muốn những bài thơ gieo mầm ước mơ của cha tôi sẽ được lưu giữ và trao truyền thêm mãi, nên năm 2021 tôi bàn với cha, sẽ tập hợp các bài thơ của cha lại thành tập thơ và xuất bản.

Chúng tôi đã trải qua nhiều bước, từ soạn thơ, minh họa, làm mĩ thuật kỹ lưỡng. Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Kan Trường đã dành 3 tháng âm thầm minh họa những bài thơ. Những giá trị từ thơ cha sẽ được trao truyền qua nhiều hình thức nghệ thuật, và lan tỏa mãi”.

Sách thơ “Tiếng xa“.

Động cơ để NTK Xuân Thu thực hiện một lễ ra mắt sách đặc biệt cho cha mình, đó là từ sự cố năm 2022 ông bị bệnh nặng, và trở nên rất yếu, phải ngồi xe lăn.

Chị biết rằng cha sẽ không ở với mình mãi mãi, nên đã thực hiện một lễ ra mắt sách như trong mơ, với mong muốn rằng, cha sẽ hạnh phúc khi thấy đứa con tinh thần của mình được ra đời và chào đón một cách trân trọng nhất.

Tham dự buổi ra mắt sách, không chỉ có những người thân trong gia đình tác giả, mà còn cả bạn hữu quan trọng, những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, các nhà làm phim, nhiều người trong giới nghệ thuật như: nhà thơ Vũ Quần Phương, đạo diễn - NSND Lê Chức, đạo diễn Lê Đức Tiến, nhà biên kịch - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà báo - nhà biên kịch Chu Thu Hằng, nhà văn Kiều Bích Hậu, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân - nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền...

Sự hội tụ của các văn nghệ sĩ, báo giới trong lễ ra mắt sách cho thấy sự trân trọng những giá trị tinh thần, trân trọng vẻ đẹp thơ mà tác giả Thiệp Nguyễn đã trao lại cho bạn đọc, cho con cháu và cho cuộc đời.

Tác giả Thiệp Nguyễn tên thật là Nguyễn An Ninh - một nhà khoa học, một kỹ sư chế tạo máy. Ông sinh năm 1940, tại Ân Thi, Hưng Yên trong gia đình có truyền thống văn chương, cụ là Chánh thôn Nhân Lý, ông nội là ông giáo Tung, bố là ông giáo San.

Mặc dù làm kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng ông đã có những bài thơ được đăng trên Tạp chí của Đảng, cùng nhiều báo văn nghệ trung ương và địa phương. Thơ ông không cố làm màu mè chữ nghĩa, mà hồn thơ lay động trái tim người đọc từ tình cảm chân thực với quê hương đất nước, con người, từ chất thơ bản năng tuôn trào tự nhiên nhất.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét về tập thơ “Tiếng xa” rằng: “Đọc thơ Thiệp Nguyễn, ta thấy ông thực sự yêu thơ và dùng thơ để viết lại cuộc đời mình. Làm thơ chính là cách sống chậm, sống kỹ hơn. Là cách làm kỷ niệm sống lại, làm ký ức mạnh hơn. Kí ức chính là giá trị tinh thần lớn lao của con người. Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Về nhà” của tác giả Thiệp Nguyễn. Nó là cảm giác của ông, nhưng cũng là tình cảm chung của đa phần lớp người tuổi 80 chúng tôi.

Khi về lại ngôi nhà cũ ở quê hương, nhưng ngôi nhà đó không còn là nhà mình nữa rồi mà đã về tay người khác. Về nông thôn bây giờ vừa mừng vừa buồn. Nhà cửa kiên cố, đời sống khấm khá. Nhưng cái buồn là ta đã cơ bản thành thị hóa nông thôn một cách lộn xộn, xóa đi vết dấu xưa tự nhiên, hồn hậu của nhà gỗ nhà gạch nhà tranh mái rạ. Tác giả bâng khuâng trước những mất mát của ký ức, mất mát giá trị tinh thần...”.

“Lại nhớ ngày nào hay trèo cây
Cây nhãn nhà thờ quả chín đầy
Bây giờ cây nhãn còn đâu nữa
Có kẻ làm nhà ở nơi đây...”

(Bài thơ “Nhà xưa” - tác giả Thiệp Nguyễn)

Đạo diễn Lê Chức cho rằng, thơ Thiệp Nguyễn mộc mạc, dễ thấu, dễ cảm và nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. Tác giả trở về, mong muốn truy lĩnh lại cảm xúc về ngôi nhà xưa, về làng xưa yêu dấu của mình, nhưng những hình ảnh thi vị của nhà mình, làng mình xưa đã trôi xa lắm lắm rồi, đã mất hẳn rồi.

Làng dường như đã biến thành “cục xi măng” (theo lời nhà thơ Thợ Rèn). Đó là phí tổn mà dân tộc ta, đất nước ta, và từng con người chúng ta phải trả để tiến lên. Tập thơ “Tiếng xa” tuy không dùng chữ hào hoa nhưng chất thơ, chất tình lại sâu nặng. Chất thơ nhất chính là tình nghĩa sâu nặng nhất!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn