MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà lãnh đạo uy tín bậc nhất Châu Âu trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

HUYỀN ANH (Tổng hợp) LDO | 17/12/2016 14:30
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, người từng được coi là một trong những lãnh đạo uy tín nhất Châu Âu, vừa trở thành tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thay cho ông Ban Ki Moon từ ngày 1.1.2017.
Cam kết cải tổ Liên Hợp Quốc

Hôm 12.12, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha - Antonio Guterres tuyên thệ nhậm chức Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Lễ nhậm chức được tổ chức trọng thể và tân tổng thư ký Liên Hợp Quốc trình bày với đại diện 193 nước thành viên các dự án quan trọng đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như kế hoạch cải cách Liên Hợp Quốc.

"Tổ chức này là nền tảng của chủ nghĩa hợp tác đa quốc gia và đã đóng góp cho nền hòa bình nhiều thập kỷ qua nhưng những thách thức hiện nay đang vượt ra khỏi khả năng phản ứng của chúng ta. Liên Hợp Quốc cần sẵn sàng thay đổi" - ông Guterres tuyên bố.


Ông Guterres, 67 tuổi, sẽ là tổng thư ký Liên Hợp Quốc thứ 9, chính thức thay thế ông Ban Ki Moon vào ngày 1.1.2017. Ông Guterres cho biết, Liên Hợp Quốc phải "nhận ra những thiếu sót của mình và cải cách đường lối hoạt động" cũng như chỉ ra những thất bại để ngăn chặn cuộc khủng hoảng của sự yếu kém.

Ông Guterres tuyên bố sẽ "tự mình tham gia" vào các giải pháp giải quyết xung đột, thể hiện một cách tiếp cận chủ động hơn trên cương vị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hơn thời của ông Ban Ki Moon. Ông cũng đề ra 3 ưu tiên cho sự thay đổi trong nhiệm kỳ 5 năm của ông tại Liên Hợp Quốc là làm việc vì nền hòa bình, hỗ trợ phát triển bền vững và cải thiện việc quản lý nội bộ. Ông còn tuyên bố sẽ thúc đẩy bình đẳng giới tại Liên Hợp Quốc, nên sẽ ưu tiên bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí cao tại tổ chức này.

Việc lựa chọn cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, nguyên lãnh đạo Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc, làm Tổng Thư ký tạo ra nhiều hy vọng giúp định chế này vượt qua các bất đồng để giải quyết các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là cuộc chiến tại Syria. Mặt khác, công việc của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ không đơn giản với việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Không ít người lo ngại tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không đếm xỉa đến vai trò của Liên Hợp Quốc.

Theo giới ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, việc đề xuất các cải cách Liên Hợp Quốc, cũng như đưa ra các sáng kiến ngoại giao mới sẽ không dễ dàng đối với ông Guterres, chừng nào Donald Trump chưa lập xong chính phủ và cho biết rõ ý định, hướng đi của Hoa Kỳ.

Thắng lợi của ông Trump đã gây lo ngại về số phận của thỏa thuận về biến đổi khí hậu COP 21. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ rút ra khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Guterres cam kết sẽ cho chính quyền mới của Mỹ thấy "tinh thần sẵn sàng hợp tác trong mối quan hệ với những thách thức lớn mà chúng tôi sẽ phải đối mặt cùng nhau".

Một trong những nhà lãnh đạo uy tín nhất Châu Âu

Ông António Manuel de Oliveira Guterres sinh năm 1949 ở Lisbon, từng là một cử nhân vật lý, có bằng kỹ sư và theo nghề giảng dạy. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông Guterres nói lưu loát tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Ông Guterres tham gia chính trường Bồ Đào Nha năm 1976 sau khi chế độ độc tài kéo dài 5 thập niên sụp đổ. Năm 1992, Antonio Guterres nhanh chóng thăng tiến và trở thành lãnh đạo đảng Xã hội. Bằng tài năng của mình, năm 1995 ông Guterres được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và nắm giữ chức vụ này cho tới năm 2002. Guterres quan niệm đối thoại và thảo luận là chìa khóa của sự đồng thuận đối với mọi thành phần và tầng lớp xã hội. Nhờ đó, ông Guterres đã đưa Bồ Đào Nha đi lên nhanh chóng, tăng trưởng về kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, tăng chi tiêu phúc lợi trong thời kỳ chuyển mình của đất nước. Ông được coi là một trong những lãnh đạo uy tín nhất Châu Âu thời bấy giờ.

Từ tháng 1 đến tháng 7.2000, ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Từ năm 2005 đến năm 2015, Guterres trở thành người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, dẫn dắt cơ quan này qua nhiều cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới như cuộc khủng hoảng Syria, Afghanistan, Iraq.

Ông Guterres là quan chức đứng đầu chính phủ một quốc gia đầu tiên trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - chức vụ vốn chủ yếu được dành cho cựu ngoại trưởng các nước. "Một điều may mắn là ông Guterres đã tạo được tiếng vang và làm việc hiệu quả trên cương vị người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Vì thế, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo cực kỳ hiệu quả", Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn