MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông: Thành trì cuối cùng đã “thất thủ”

hoàng văn minh (Thực hiện) LDO | 08/04/2018 11:00
Là thành phố cuối cùng còn lưu lại hình ảnh hoàng hôn của các triều đại phong kiến, nên lâu nay, người ta vẫn xem Huế là thành phố điển hình về việc còn lưu giữ được những giá trị của quá khứ. 

Về mặt văn minh đô thị, Huế cũng là thành phố nảy sinh mâu thuẫn và xung đột sâu sắc nhất giữa tiếp thu cái mới và bài trừ cái cũ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bằng nhận xét:

Đúng Huế là điển hình về việc lưu giữ, là thành trì cuối cùng của một “nền” văn minh đô thị truyền thống đầy tự hào, tuy nhiên tôi và những người thuộc thế hệ như tôi rất đau lòng vì chỉ trong vòng hai thập niên trở lại đây, thành trì này cũng đã “thất thủ”, nên Huế đã và đang cùng chung số phận như những thành phố khác.

Thưa ông, văn minh đô thị truyền thống đầy tự hào của Huế được thể hiện cụ thể ra sao?

- Đó là lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, trang phục; là cách con người với con người ngoài xã hội, với “chủ” và “khách”; là hàng xóm láng giềng, cha mẹ, anh chị em trong gia đình ứng xử với nhau; là gia phong, nếp nhà. Là ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi công dân...

Vì Huế là kinh đô cuối cùng của một nền quân chủ lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ yếu nên tính cách con người Huế, văn minh đô thị Huế cũng được hình thành trên ý thức hệ của Nho giáo, mà cụ thể làm “tam cương” và “ngũ thường” (5 khuôn vàng thước ngọc để nhận định đúng sai trong hành xử của một con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí tín). Đương nhiên cả đất nước chúng ta đều bị ràng buộc và quy định bởi ý thức hệ đó chứ không riêng gì Huế. Tuy nhiên, Huế là thành phố bị ràng buộc đậm nét nhất và hiện còn dấu ấn nhiều nhất.

Tất nhiên những gì làm nên giá trị truyền thống Huế có nhiều cái hay, nhưng cũng không ít cái dở vì quá khắt khe, nếu không muốn nói là đã ngăn chặn những yếu tố tích cực của cái mới. Lấy ví dụ, bây giờ phụ nữ Huế lấy chồng Tây là chuyện bình thường. Nhưng ngày xưa một cô gái Huế ra đường, chỉ cần nói chuyện chơi với một người nước ngoài mấy câu không thôi thì đã... khó lấy được một tấm chồng tử tế vì người ta cho rằng, như thế không phải là “con nhà” (ý nói người không đường hoàng, không được gia đình giáo dục tốt).

Cụ thể thì sự “thất thủ” như ông nói đang diễn ra như thế nào?

- Trong dòng chảy hội nhập, người Huế ngày càng vội vã hơn trong chuyện cơm áo và tìm kiếm tương lai, cũng như để chứng tỏ mình đã bắt kịp với những tín hiệu của đồng loại. Bây giờ người ta đánh giá tiêu chuẩn văn minh, hiện đại của người thành phố qua ăn mặc, trang sức, xe cộ, và biết những thứ từ “bãi rác” mà phương Tây đã đào thải từ rất lâu rồi...

Chính điều này dẫn đến khuôn mặt đô thị chỉ có vẻ hào nhoáng mà không có chiều sâu. Về mặt gia đình là tình trạng lơ là trong việc giáo dục con cái. Những lời đối thoại với con cái trong những bữa cơm gia đình dần được thay cho những lời mắng nhiếc vì bố mẹ chịu quá nhiều áp lực của cuộc sống.

Và có vẻ như sự “thất thủ” là một hệ quả tất yếu và không có cách ngăn lại?

- Đúng vậy, đó là điều tất yếu, không thể nào khác được trong bối cảnh xã hội chưa hình thành nên một nền đạo đức mới, trong khi những chuẩn mực đạo đức cũ đã bị xói mòn. Trong xu thế hội nhập để tìm cho mình một hướng đi, một con đường sống mới, người Huế cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước, không còn cách nào khác, họ buộc nhận một mớ hỗn độn những cái mới vừa tốt vừa xấu, mà đôi khi là xấu nhiều hơn tốt.

Theo tôi, điều này sẽ được điều chỉnh khi nào con người ta có điều kiện để tự vấn. Tôi lấy ví dụ: Một người Việt Nam qua Mỹ, muốn tồn tại thì điều trước tiên, anh ta phải tìm cách để trở thành một anh “Mỹ con”. Và đến khi cuộc sống của anh ta no đủ, anh ta không có nhu cầu tìm kiếm danh, lợi nữa, anh ta bắt đầu tự vấn rằng ta là ai? ta từ đâu đến? vì sao ta lại trở thành như thế này?... Rồi có lúc, chúng ta sẽ có những cuộc tự vấn về những gì đang xảy ra, nhưng đó là khi điều kiện kinh tế khá hơn, con người ta không còn bận tâm với chuyện cơm áo gạo tiền như bây giờ.

Nhưng thưa ông, sự “thất thủ” như ông nói có thể mở ra một viễn cảnh mới tốt đẹp hơn cho những người trẻ so với thế hệ của cha, anh mình?

Đúng như vậy, tuy nhiên đáng nói là nó đang ngày một lấn át, dẫn đến xuất hiện tình trạng rẻ rúng những giá trị truyền thống do bối cảnh để nuôi dưỡng nó ngày một hao mòn.

Thưa ông, đương nhiên thay đổi và đổ vỡ là một điều tất yếu trong tiến trình phát triển, nhưng đến mức “những giá trị truyền thống bị rẻ rúng” như ông nói thì phải có lỗi của ai đó chứ?

- Thực tế là người ta đang lên án giới trẻ rằng họ không biết nâng niu và để đánh mất cội nguồn. Theo tôi, đó là một sự kết án vội vã. Thanh niên bây giờ không hiểu, không yêu những giá trị truyền thống là do không ai dạy cho họ hiểu. Mà khi họ đã không hiểu thì làm sao bắt họ yêu, quý được? Muốn giới trẻ phải xem và yêu tuồng, chèo..., nhưng lại không ai từ nhà trường, gia đình... cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản về tuồng, chèo (từ ý nghĩa trang phục cho tới sắc mặt, đi đứng...), thì làm sao họ hiểu được mà yêu với quý?

Tương tự, chúng ta cứ than phiền là người dân bây giờ ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường rất kém. Sự kém đó không thể đổ lỗi cho ý thức mà do luật chúng ta không nghiêm. Xã hội pháp trị truyền thống nào cũng bắt đầu từ việc xử phạt. Nếu chúng ta đụng đâu phạt đó (từ vi phạm luật giao thông cho tới xả rác) thì tôi cam đoan rằng chỉ một thời gian, trật tự sẽ được thiết lập lại, và dần dần sẽ đi vào ý thức của từng người dân.

Bây giờ chúng ta phải làm gì, trong khi chờ đến ngày để mỗi người có điều kiện mà “tự vấn”?

- Thật ra thì vấn đề cũng chưa đến mức quá nghiêm trọng. Bởi như trên tôi đã nói, Huế là thành trì cuối cùng nên sự “đổ vỡ” cũng xảy ra muộn hơn so với nhiều thành phố khác. Vấn đề bây giờ là cái gì nên giữ lại và cái gì nên để lịch sử “nghiền nát”?

Theo tôi, gia phong, nếp nhà của người Huế là nên giữ vì đây là một nét son, và rất có hiệu quả trong việc giáo dục con cái. Nếu là “con nhà”, người ta sẽ luôn biết kiềm chế, không làm điều sai quấy khi nghĩ tới danh dự của bản thân và gia đình. Điều này gắn liền với việc xây dựng những mẫu hình ảnh chuẩn để làm gương (cha làm gương cho con, anh làm gương cho em...) và việc dành thời gian để đối thoại, tâm sự với con cái trong những bữa cơm gia đình, thay vì chỉ biết trách mắng.

Với người trẻ, tầng lớp đại diện cho cái mới, một số chấp nhận hoặc chịu sự áp đặt của người lớn. Nhưng một số lại phản ứng với câu hỏi: Vì sao anh luôn phủ nhận tôi, nhưng lại bắt tôi công nhận anh? Thậm chí càng bị công kích, họ càng làm ngược lại, càng phá cho bõ ghét! Để giải quyết xung đột này, tại sao những người có trách nhiệm, các phương tiện thông tin đại chúng không tổ chức những cuộc đối thoại thế hệ giữa một người già và một người trẻ, giữa cái cũ và cái mới để tìm một tiếng nói chung? Xa hơn, tại sao chúng ta không có một giáo trình về văn hóa Huế để giảng dạy “phổ thông” trong các trường đại học Huế, nhằm giúp giới trẻ hiểu biết sâu hơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp?

Vấn đề nữa là theo tôi, nói gì thì nói, văn minh đô thị hiện đại cũng phải nằm trong khuôn khổ của một xã hội pháp trị có truyền thống. Trong xã hội ấy, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân rất cao nên sẽ không có chuyện vi phạm luật giao thông và xả rác bừa bãi ra đường phố như hiện tại. Hiện tính chất pháp trị của chúng ta mới ở mức kêu gọi, tính cưỡng chế (xử phạt) chưa cao và còn rất tùy hứng.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn