MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại với “Nén tâm hương trong ngày sinh nhật Bác”

Anh Thư (thực hiện) LDO | 17/05/2020 19:21
“Chỉ bởi “miền Nam trong trái tim tôi”/ mà Bác Hồ trồng cây vú sữa/ dù có đốt cháy Trường Sơn cũng phải thắng quân thù/ cái chiến thắng mà bây giờ các anh gọi là lầm lỡ/ Nhưng ô hay/ máu của các anh nào có đổ/ Người chết đã chết rồi/ các anh cứ tha hồ mà văng vào lịch sử”... Bài thơ “Nén tâm hương trong ngày sinh nhật Bác” được nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết từ nhiều năm trước vẫn là câu chuyện thời sự của hôm nay.

Thưa nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại,“Nén tâm hương trong ngày sinh nhật Bác” là một bài thơ chứa chất nhiều yêu thương và cả những bức xúc, chất vấn. Ông viết bài thơ đó trong bối cảnh cảm xúc như thế nào?

- Sau chiến thắng năm 1975, đất nước chúng ta có thời gian rất phấn khởi trước thắng lợi to lớn, mà thực sự đấy là một chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị cấm vận, bị bó buộc với thế giới và trong những định kiến nhất định cộng với thù trong giặc ngoài, đặc biệt là những khó khăn ở bên trong thuộc về tư tưởng của chúng ta - những điều ấy làm cho đất nước càng thêm kiệt quệ. Một tâm lý chung vô cùng chán nản và tôi cảm nhận là có nhiều nơi nhiều lúc, lý tưởng của Bác Hồ không còn được thực hiện. Nhà tôi ở gần lăng Bác. Có những buổi tối đi làm về hoặc là đêm hôm khuya khoắt, tôi đi dạo một mình ở khi vực lăng Bác và thường tâm sự một mình với Bác, báo cáo về tình hình đất nước, rằng ở nơi này nơi kia đang nghèo khổ, ở nơi này nơi kia cán bộ đang tha hóa. Thời điểm ấy báo chí và dư luận cũng chưa nói thẳng, chưa nói hết sự thật. Và tất cả chúng ta, trong đó có tôi, bao giờ cũng muốn bảo vệ lý tưởng của Bác, bảo vệ con đường của Bác. Bài thơ “Nén tâm hương trong ngày sinh nhật Bác” để bày tỏ tình cảm đối với Bác, báo cáo sự thật đất nước với Bác, đồng thời cũng là một lời hứa với Bác rằng chúng con vẫn bên Người, chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp nhất.

Thời điểm ấy, chắc nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vẫn tràn đầy lý tưởng?

- Khi viết bài thơ này, tôi mới hơn 30 tuổi, đang làm việc ở báo Nhân Dân. Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ một tấm lòng chiến sĩ và một lý tưởng mà mình đã được giác ngộ từ những ngày còn nhỏ - một lý tưởng đẹp đẽ và rất đúng đắn. Trong lịch sử, tôi thấy có nhiều tấm gương anh dũng nghĩa liệt, nhưng tấm gương của những người cộng sản như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ... ra pháp trường vẫn ung dung và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng - đó là những tấm gương ngời sáng và rất gần gũi về thời gian nên tôi cảm nhận được. Đặc biệt là tấm gương của Bác Hồ. Tháng nào tôi cũng đọc một cái gì đó về Bác Hồ, nghiền ngẫm một điều gì đó người ta viết về Bác và càng nhận thấy di sản tinh thần của Bác Hồ vô cùng to lớn, không dễ hiểu hết được.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại.

Đến thời điểm này, khi đã đi qua những khó khăn của cuộc sống cá nhân, chứng kiến nhiều thay đổi của đất nước, có thời gian tìm hiểu suy ngẫm về tư tưởng và lẽ sống của Bác, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại tự nhận thấy mình hiểu được bao nhiêu về Bác rồi?

- Nếu nói rằng tôi rất hiểu về Bác thì cũng đúng, mà tôi chưa hiểu được Bác nhiều thì cũng đúng. Bởi vì nếu tôi không hiểu về Bác, tôi không thể phấn đấu trở thành người cộng sản và đi theo lý tưởng của Bác được. Tôi ở cùng quê với Bác, được nhiều lần về Kim Liên và cũng được đọc rất nhiều sách về Bác Hồ, đặc biệt là những tác phẩm của Bác viết. Mỗi tác phẩm của Bác cho tôi thấy tầm nhìn và tầm tư tưởng lớn. Tuy nhiên, nếu tất cả chúng ta nói rằng đã hiểu hết về Bác rồi thì có lẽ là chưa đâu. Có những điều sâu xa hơn mà chúng ta phải suy nghĩ. Ví dụ, Bác hướng đến sự yêu thương con người, tinh thần đại đồng thật sự, không phân biệt tôn giáo, sang hèn, phương Đông hay phương Tây. Bác nói độc lập dân tộc là điều rất cần thiết, nhưng độc lập mà dân không có cơm ăn áo mặc thì độc lập ấy trở nên vô nghĩa. Độc lập nhưng không có tự do càng vô nghĩa. Bác nói rất giản dị và để hiểu được điều giản dị của Bác thì phải có một sự từng trải lớn, đặc biệt là phải có tấm lòng rất lớn đối với nhân dân. Ai không có tấm lòng đối với nhân dân, người đó sẽ không thể hiểu Bác, dù có đọc thiên kinh vạn quyển.

Khi nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một chân dung đầy đủ, thì ở góc độ công dân, điều gì khiến nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại luôn cảm thấy day dứt băn khoăn?

- Tôi sinh ra trong một gia đình nhiều đời là chiến sĩ theo cách mạng. Bản thân tôi từng là một người lính. Đã có lúc, tôi có suy nghĩ rằng lý tưởng của mình đã bị lợi dụng, hoặc thậm chí bị phản bội bởi một số người, một số hành vi rất đau xót. Và tôi cũng cảm thấy đấy là lý tưởng của Bác Hồ bị phản bội. Con đường mà Bác đã chọn, người ta tuy vẫn nhắc tên Bác, nhắc đến lý tưởng, nhưng cách thực hiện và thái độ đối với nhân dân lại khác. Vì thế, chúng ta mới có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Đấy là một sự sửa sai. Bản thân các cuộc vận động đó dù cần thiết, nhưng tôi cho rằng chưa đủ. Nếu chúng ta đi theo con đường của Bác, trân quý Bác, thì mỗi người chúng ta, và đặc biệt là trong các cấp lãnh đạo phải tìm thấy những nguyên nhân nào làm cho cuộc sống, làm cho các giá trị nhân văn được xây dựng trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ như vậy nay đã bị phai nhạt đi. Điều ấy quan trọng hơn việc dựng tượng Bác. Bác Hồ không muốn dựng tượng mình. Bác Hồ cũng không muốn xây lăng. Và quan trọng là Bác Hồ luôn sống trong lòng nhân dân. Cá nhân tôi, sau những phút hoài nghi, sau những phút buồn lòng, cảm thấy lý tưởng bị phản bội như tôi đã nói thì tôi luôn luôn tin, trước hết là tin ở nhân dân, tin ở bản thân mình, tin ở những giá trị tinh thần mà Bác Hồ đã thu nhận từ tinh hoa của dân tộc và lại trả về cho dân tộc ở một tầm mức cao hơn. 

Ở góc độ con người cá nhân Bác, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại có những chia sẻ nào?

- Bác Hồ cũng là người khi sinh ra đã mang thân phận mất nước, nén chịu bao vất vả tủi cực. Cuộc đời riêng của Bác cũng khổ từ bé. Mẹ mất khi Bác 11 tuổi, em trai nhỏ mất trên tay khi một mình Bác giữa kinh thành Huế, cha đi chấm thi chưa về. Rồi sau đó, cha con, anh chị em lại xa nhau dằng dặc. Cuối cùng, trong cả cuộc đời, Người vẫn sống một mình giữa các đồng chí. Nhưng là người Việt Nam, được sống giữa những người thân trong gia đình - đấy mới là điều hạnh phúc, và Bác cũng cảm nhận thế. Chúng ta biết là Bác thường để chiếc radio ở đầu giường nghe đài, nhiều khi người cần vụ muốn tắt đi cho Bác ngủ, Bác nói để đó cho Bác nghe, Bác đỡ cô đơn trống trải, Bác đỡ buồn. Những câu chuyện như thế vô cùng xúc động. Hay trước khi mất, Bác muốn nghe một bài hát về quê hương. Nỗi thiếu quê hương, thiếu gia đình ở bên trong Bác lớn hơn tất cả người Việt Nam, theo tôi biết. Nếu chúng ta nghĩ về Bác ở một khía cạnh ấy nữa, chúng ta càng thương Bác nhiều hơn. Mặt khác, mình cũng thấy xa xót, cũng cảm thấy như có lỗi, nếu những lý tưởng mà cả đời Bác phấn đấu không được thực hiện. Bác đã dám hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Từ chi tiết ấy, chúng ta suy luận bài học về toàn tâm toàn ý, đừng đem việc công tư lẫn lộn. Bác Hồ cũng thường nhắc là “dĩ công vi thượng”, tức là đặt quyền lợi chung lên trên hết. Những người cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu không bao giờ để cho vợ con chi phối công việc mình, lợi dụng cái danh vị của mình mà cầu lợi. Điều này từng xảy ra rất đau xót trong mấy chục năm qua trên đất nước ta, ở cả những cương vị cao nhất.

Một ý rất sâu sắc và cũng rất mạnh mẽ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn