MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Đỗ Bích Thuý và 4 tác phẩm được thiết kế đẹp, trong đó có hai tác phẩm mới là tiểu thuyết “Người yêu ơi” và tản văn “Thương nhau như người thân”. Ảnh: NVCC

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: Cả đời viết về tình yêu cũng không hết chuyện!

Cao Hải Giang (thực hiện) LDO | 18/04/2021 09:00
20 năm sống ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thuý mang đến cho bạn đọc 21 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Như thể cách xa miền núi, Đỗ Bích Thuý càng đau đáu những cuộc trở về, nhất là trở về trên trang viết. Tiểu thuyết mới nhất mang tên “Người yêu ơi” của chị vừa ra mắt bạn đọc là một ví dụ.

Ở đó, không gian miền núi, tâm tư con người miền núi một lần nữa trở lại để cất tiếng về tình yêu - cái chiều sâu mênh mông trong trái tim mỗi người...

Dưới đây là chia sẻ của nhà văn Đỗ Bích Thuý với Lao Động Cuối tuần.

Bắt đầu từ cái tên vậy, thưa nhà văn: “Người yêu ơi”, đích thị là một tiếng gọi. Tiếng gọi ấy cất lên từ khi nào như một nguồn cơn cho ra đời cuốn tiểu thuyết này?

- “Người yêu ơi” ban đầu là một truyện ngắn. Rồi sau đó tôi phát triển thành kịch bản phim truyện điện ảnh. Sau nữa, là tiểu thuyết mà bạn vừa nhắc đến. Có điều, tuy là cùng tên, 3 thể loại, cùng một hệ thống nhân vật, nhưng ở mỗi tác phẩm thì số phận của mỗi nhân vật cũng như diễn biến câu chuyện lại có những khác biệt. Cái này không phải chủ đích của tôi (cười), mà là mỗi khi triển khai, ở vào những giai đoạn khác nhau, lối tư duy về thể loại khác nhau, thì câu chuyện “tự nó” dịch chuyển theo các hướng khác nhau. Bàn kĩ thì mất thời gian lắm, tôi chỉ có thể nói sơ sơ vậy.

“Người yêu ơi” vẫn tiếp tục lấy bối cảnh không gian, con người miền núi để nói câu chuyện tình yêu muôn thuở của con người. Tròn 20 năm sống ở Hà Nội, tâm thế khi trở về với miền núi trên những trang viết của chị có khác gì so với trước đây?

- Tôi cảm thấy càng xa miền núi lâu hơn thì cái ham muốn “trở về” càng dữ dội hơn. Càng sống lâu ở Hà Nội thì tôi càng muốn viết về miền núi. Dường như đó là cái lẽ thường trong tâm lý con người ta thì phải. Kí ức càng lùi xa càng lung linh đẹp đẽ, mảnh đất thân thuộc càng xa lâu càng nhớ nhung đến quay quắt, vùng văn hoá mình say mê càng đi sâu càng thấy nó mênh mông vô tận và cực kì hấp dẫn... Sự khác biệt sau 20 năm, có lẽ là như vậy.

Câu chuyện tình yêu của các nhân vật trong tác phẩm để lại dư vị thật là buồn. Nhưng nỗi buồn làm những câu hỏi trong lòng mỗi người cất cánh, để mà mỗi ngày đều sống với đời sống với sự thấu hiểu và gắn bó hơn. Chị có nghĩ như vậy?

- Tôi chẳng nghĩ được gì ở góc độ bạn đọc cả, sự thật là vậy. Tôi không có cách nào đọc tác phẩm của mình ở tâm thế của một bạn đọc, thế mới lạ. Cứ viết xong, nhất là tiểu thuyết, tôi phải “quăng” nó đi ít nhất một tuần, không thì phải một tháng mới có thể ngồi đọc lại được. Cuốn này, hay những cuốn trước cũng đều rơi vào tình trạng như vậy. Cảm xúc nó biến đi đâu mất sạch sau khi mình đã chấm dấu chấm câu cuối cùng. Nhưng cho dù có đọc lại sau đó bao lâu, thì tôi vẫn không thể có tâm thế của một người đọc thuần tuý, tức là quên biến tác phẩm đó là của mình đi. Vì vậy, trả lời ý này rất khó.

Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu như cảm xúc của tác giả là 10, thì cơ hội “lây lan” cái cảm xúc ấy đến người đọc được 6-7 đã là nhiều rồi, thành công rồi. Ví dụ như anh buồn 10, thì người đọc buồn 6-7 chẳng hạn. Vậy nên, có một điều chắc chắn là khi bạn cảm thấy buồn, thì tôi đã rơi vào trạng thái “rất buồn” trước đó - khi ngồi trước máy tính và gõ ra những thân phận.

Tôi thích các câu chuyện tình yêu. Cuốn sách nào của tôi cũng có chuyện tình yêu hết, trừ truyện thiếu nhi. Tình yêu có lẽ là điều chung nhất của nhân loại. Là thứ sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của loài người. Và nó lại muôn hình vạn trạng, nó phong phú một cách bất tận. Cho nên tôi, hay bất cứ nhà văn nào, có thể cả đời viết về tình yêu cũng không hết chuyện.

Có một điều thú vị là đi cùng cả một câu chuyện tình buồn man mác như vậy lại vẫn thấp thoáng những nụ cười, đôi khi bật ra cả tiếng cười từ đối thoại, suy tư của các nhân vật trong đời sống của họ. Hẳn là phải yêu cuộc sống lắm mới nhìn ra những khoảnh khắc ấy?

- Tôi thì chắc chắn là rất yêu cuộc sống. Tôi từng nói là tôi “thích sống”.

Tôi thích sự sinh động của cuộc sống, thậm chí bao gồm cả tính phức tạp của nó. Với cả, tôi vẫn quan niệm thế này, dù là trong đời sống hay trong văn chương, người ta luôn thèm được cười. Cuộc sống đầy áp lực, đầy những gánh nặng trách nhiệm, nụ cười luôn là một lựa chọn để người ta băng qua những trở ngại. Đó là lý do tôi thích thỉnh thoảng đưa tiếng cười vào trong các cuốn sách. Nó sẽ khiến độc giả đỡ mệt hơn khi mà cứ phải đọc hết trang nọ sang trang kia toàn những chuyện buồn bã.

Tiểu thuyết này ra mắt cùng với những tác phẩm tái bản là “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi”, và cuốn tản văn mới “Thương nhau như người thân”, trở thành một bộ sách thiết kế đồng nhất. Nhìn lại những tác phẩm và chặng đường cầm bút của mình, điều gì khiến chị xúc động nhất?

- Mỗi lần ra sách mới lại là lúc tôi đặc biệt xúc động, dù là cuốn đầu tiên hay cuốn gần đây nhất. Cái sự xúc động không giống bất kì sự việc nào diễn ra trong cuộc đời, chính là khi cầm trên tay cuốn sách vừa từ nhà in về, thơm tho mùi giấy mùi mực, từng trang một chưa hề có nếp gấp và từ từ xem bìa 1, bìa 4, gấp mép, trang đầu tiên đến trang cuối cùng...

Nói thêm một chút về bộ 4 cuốn này. Từ sau cuốn “Tôi đã trở về trên núi cao” thì tôi bất chợt nhận ra là 19 cuốn sách mình đã in, không có cuốn nào cùng khổ với cuốn nào. Cứ lổn nhổn cao thấp, dày mỏng, trông thực sự rất không đẹp mắt, cũng như khó mà bày biện trên giá sách vào cùng một chỗ. Thế nên tôi đã quyết định, tất cả những cuốn về sau sẽ chỉ in một khổ sách. Như thế, dù là chính tôi hay bạn đọc nào muốn giữ sách của tôi, sẽ có một bộ bằng bặn, đẹp mắt.

Tôi nghĩ, đã thực sự đến lúc bạn đọc muốn có trong tay những cuốn sách không chỉ hấp dẫn về nội dung mà còn phải đẹp về hình thức. Và tôi đang, sẽ cố gắng để có những cuốn sách đẹp nhất có thể theo mong muốn của mình.

Chân thành cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thuý!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn