MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Y Ban. Ảnh: NVCC

Nhà văn Y Ban: Tôi đi giữa lằn ranh hiện đại và truyền thống

Anh Thư (thực hiện) LDO | 07/03/2021 07:56
Nhắc tới nhà văn Y Ban là nhắc tới những truyện ngắn, tiểu thuyết khai thác mạnh mẽ vấn đề nữ quyền, khát vọng, cảm xúc và cả nhục cảm của người phụ nữ đứng ở ranh giới giữa hiện đại và truyền thống.

Xin chào nhà văn Y Ban. Gia đình và thân phận người phụ nữ có lẽ là đề tài xuyên suốt các truyện ngắn và tiểu thuyết của chị?

- Vâng đó là một đề tài trở đi trở lại trong các tác phẩm của tôi, và ở mỗi giai đoạn thì lại có những thay đổi về góc tiếp cận khai thác. Đặc biệt, những năm gần đây, xã hội có nhiều biến đổi bất trắc đã tác động rất lớn đến các gia đình Việt. Qua trang viết, tôi muốn tìm hiểu mô hình gia đình truyền thống và mô hình gia đình hiện đại có sự khác biệt ra sao về bản chất, vai trò của người phụ nữ được thể hiện thế nào.

Theo một thống kê chưa đầy đủ gần đây thì 25 % các vụ trọng án đều xảy ra trong gia đình. Bạo lực và rất nhiều thứ khác đang tồn tại. Tôi muốn làm một phép thử, xem gia đình có còn là nơi an toàn nhất cho chúng ta hay không.

Chị đặt mình vào các nhân vật nữ ra sao?

- Tôi cũng là người phụ nữ trong một gia đình nhỏ nằm trong một gia đình lớn là hai bên nội ngoại. Ngày tôi còn bé, bố mẹ đều đi thoát ly, công tác ở bệnh viện. Nhưng tôi lại được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, vùng Liễu Đề - Nam Định. Ở đó, văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng đan xen, dạy tôi đến được một người đàn bà như hôm nay.

Do đó, tôi luôn luôn đi giữa lằn ranh, một bên là cuộc sống hiện đại phá cách, một bên là những giáo lý truyền thống. Tôi ủng hộ những cách suy nghĩ ứng xử hiện đại nhưng tôi cũng không thoát ra được và cũng không tìm mọi cách để rũ bỏ phép tắc xưa. Dung hòa luôn là sự lựa chọn của tôi.

Người phụ nữ trong tác phẩm của nhà văn Y Ban 30 năm trước, 20 năm trước, 10 năm trước và bây giờ có gì thay đổi không, thưa chị?

- Cảm ơn câu hỏi khá thú vị để tôi có thể nhìn lại quãng đường sáng tác của mình. Tháng 10 năm 1989, tôi từ bỏ vị trí một giảng viên đại học, nhập học khóa 4 trường Viết văn Nguyễn Du. Hai truyện ngắn gây đình đám thời ấy là truyện “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” và “Người đàn bà có ma lực”. Nhân vật chính trong hai tác phẩm đều là phụ nữ. Nhiều người đọc “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” hẳn còn nhớ cô gái có tiếng kêu thống thiết: “Mẹ Âu Cơ sinh được 50 người con trai 50 người con gái. Đất nước anh hùng thiên tai ngoại xâm liên miên, nên những người con trai của mẹ thành anh hùng thi sĩ. Còn 50 người con gái trở thành những người mẹ. Mẹ chỉ chú ý đến anh hùng thi sĩ mà không chú ý đến những người đàn bà. Thế thì bây giờ, con kêu mẹ, mẹ hãy chú ý đến những người đàn bà, vì những người đàn bà sẽ làm mẹ”.

Rõ ràng, từ các sáng tác đầu tay tôi đã hướng đến gia đình. Gia đình của người Việt Nam vô cùng quan trọng. Đến bây giờ, sau hơn ba mươi năm, tôi vẫn cứ trân trọng những giá trị đó. Những người đàn bà mà tôi luôn vừa thương xót vừa bao bọc. Nhưng bây giờ sáng tác của tôi hình như đau đớn hơn. Không hiếm lần nhân vật của tôi đã bị đẩy vào con đường không lối thoát, một mình đối diễn với những bi kịch chồng chất.

Sinh năm 1961 tại Nam Định, thành danh với nghề viết kể từ hai truyện ngắn "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ" và "Người đàn bà có ma lực" được nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 - 1990, đến nay, nhà văn Y Ban đã có một chặng đường dài gắn bó với văn chương, sở hữu nhiều giải thưởng, tặng thưởng.

Đẩy nỗi đau đớn của nhân vật đến tận cùng, và không hề che giấu - mục đích đó của nhà văn Y Ban để làm gì?

- Tôi biết, rất nhiều gia đình đọc cũng thấy câu chuyện của họ trong tác phẩm của tôi. Nhưng bề ngoài họ cố đậy điệm, đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Ví dụ, kết thúc truyện ngắn “Có thể có có thể không”, tôi đặt câu hỏi: “Tình yêu và niềm tin, liệu có còn tồn tại không, trong một trầm tích dối trá, trường kỳ, lưu cữu, lộng lẫy, huy hoàng như thế này”.

Nói tóm lại, với một người đàn bà cũng 60 tuổi rồi, trải nghiệm rồi, gia đình ba mươi năm rồi, và đã thấm thía những câu chuyện của rất nhiều gia đình khác, thì câu chữ không còn nương nhẹ nữa. Ngòi bút của tôi chấp nhận sự thật, nhìn vào những biến đổi của gia đình Việt trong hiện tại để đưa ra những cảnh báo, dù đau xót, về đạo đức, về niềm tin, về tình thân ái giữa con người với con người đang sụt lở.

Chị từng nói rằng thành công của người viết mà người đó lại là phụ nữ thì bao giờ cũng phải trải qua những đau đớn, khó khăn, vất vả, mỗi cuốn sách ra đời đều là sự trả nghiệp. Chị có thể chia sẻ sâu hơn về điều này được không?

- Văn chương, văn hóa đọc của nước ta đang “down”. Sách của chúng tôi bán ra không đủ để sống. Sau giờ làm ở cơ quan, tôi vẫn phải chăm sóc con cái, lo toan cho gia đình, phải nấu nướng dọn dẹp. Chồng tôi và các con rất thích tôi nấu ăn, và tôi nấu ăn khá ngon. Nhưng khi nấu ăn, tôi lại mải theo đuổi một bài báo, một truyện ngắn, đôi khi tôi chặt cả vào tay mình, và không ít lần làm cháy cả thức ăn. Bởi lúc nào tôi cũng phải nghĩ. Con cái là gót chân A-sin.

Những nhà văn chúng tôi hay bị đánh vào gót chân A-sin của mình. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ. Khi con trai tôi khoảng 2 tuổi, ở nhà có bố và người giúp việc. Ngày mai tôi phải hoàn thành một phóng sự điều tra. Tôi xuống tầng dưới để làm việc. Bỗng nghe tiếng con khóc ré lên. Vội vã chạy lên thì thấy mặt con đầm đìa máu. Bố và người giúp việc mải xem ti vi, con đi vào nhà vệ sinh, trượt chân, ngã đập cằm xuống, toác ra, phải khâu mấy mũi.

Đó, nhiều ví dụ lắm, nó đánh đúng vào nơi mềm yếu nhất, đau khổ nhất của người đàn bà. Đôi khi còn có những điều tiếng ác độc, hả hê. Người ta bảo, đấy, trèo cao lắm vào, thích nổi tiếng à. Người trong nhà nhiều khi cũng không thông cảm. Mọi người đâu có hiểu khi tôi đặt bút viết truyện ngắn này, tiểu thuyết này, tôi chỉ nghĩ là tôi cần phải viết, tôi mang sứ mệnh viết. Không bao giờ mong đợi rằng mình viết thế này sẽ nổi tiếng đây, được tung hô đây.

Những ngày COVID-19 này, chị có nghĩ đến một tác phẩm nào cần hoàn thiện không?

- Năm 2016, tôi đã viết một tác phẩm có tên “Công viên cứu hộ loài người”, nhân vật chính là cậu bé tên Minh 12 tuổi phải vượt một chặng đường rất dài để cứu em ruột bị bắt cóc. Trên đường đi cậu gặp một con khỉ mồ côi, một con chó mất mõm, một con gấu mất tay và một con trâu bị mất sừng. Họ đã trở thành những người bạn, cùng nhau vượt rừng cứu em, nói được tiếng của nhau.

Sau này, Minh trở thành kiến trúc sư, muốn xây dựng một công viên để cứu hộ tất cả những loài vật bị nạn. Họ đã bàn bạc, họ thấy rằng không phải những con vật mà chính là loài người đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Vì thế công viên đã được xây dựng lên. Và theo dự báo là đến năm 2065, con người sẽ đứng trước nạn đại hồng thủy, công viên cứu hộ được xây dựng xong trước một năm và đã cứu được 1/3 dân số loài người. Đấy là câu chuyện trong tác phẩm của tôi.

Có lẽ tôi phải viết thêm vài chương nữa. Bởi vì dịch COVID-19 này khiến niềm tin của tôi đang bị lung lay. Tôi không hiểu rằng con người có được cứu hộ hay không. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, loài người cũng nhiều lần đứng trước nguy cơ diệt vong rồi và bao giờ mẹ thiên nhiên cũng cảnh báo trước. Đại dịch COVID-19 cũng là một sự cảnh báo, để chúng ta cần phải sống khác đi, nếu loài người muốn tồn tại.

Xin cảm ơn nhà văn Y Ban về cuộc trò chuyện này!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn