MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sách "Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc". Ảnh: Ban tổ chức

Nhẩn nha một đám mây trôi

An Vũ LDO | 30/06/2024 07:43

Đến tháng Tám này là tròn 2 năm ngày mất họa sĩ Trịnh Tú, một triển lãm tranh kèm ra mắt sách "Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc" tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn được tổ chức vào sáng 28.6.2024.

Cuốn sách hơn 200 trang cùng gần 30 bức tranh trưng bày như một giọng nói nhẹ đáp lại sự từ tốn, ân cần Trịnh Tú dành cho đời sống.

Sách gồm 3 phần, trong đó phần 1 và 2 là các bài viết của họa sĩ từ năm 1997 đến 2018 (chủ yếu đăng trên Lao Động, Lao Động Cuối tuần), phần 3 là một số tranh do ông ký họa và sáng tác.

40 bài được tuyển chọn, câu chuyện chính xoay quanh đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước: Từ các cuộc trưng bày, triển lãm, biểu diễn âm nhạc, đến giới thiệu sách. Nhân vật trong bài là các văn nghệ sĩ, trí thức - những người quan trọng làm nên diện mạo văn hóa nước nhà, trong đó những cái tên như: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Hoàng Hồng Cẩm, Thái Bá Vân... không còn xa lạ trong giới hội họa được Trịnh Tú nhắc đến với tất cả trìu mến.

Trịnh Tú viết bằng quan sát và thấu hiểu, nhẩn nha như người ta uống một chén trà. Tuyệt nhiên không tìm thấy điều gì ngoa ngôn, gai góc, dữ dội, cử chỉ Trịnh Tú dành cho chữ nghĩa đồng nhất với con người ông: Từ tốn, nhỏ nhẹ, thiện lành.

Điểm qua những tiêu đề "Gởi lòng cho men", "Ghi chú cho thời gian", "Ngọn đèn dầu vẫn sáng", "Người “nhà quê” tao nhã", "Một đời người cho một cuộc tiếp xúc", "Cuối thu, đến độ, ngoảnh nhìn"... người đọc có thể đọc ra những tâm tình của người viết. Những tính từ đi kèm đủ gợi bâng khuâng mà không định danh bó hẹp.

Trong "Chốn yên lành" của Bùi Xuân Phái, ông viết: "Khoảng gần 10 năm 1956 - 1965 là những năm tháng nhiều biến động, nhiều khó khăn thử thách với cuộc đời danh họa Bùi Xuân Phái... Khoảng thời gian ấy, ông thường lui tới vùng Sài Sơn, cách Hà Nội 30km để vẽ, để nghỉ ngơi và cũng để trốn chạy những bức xúc thường nhật.

Một số tác phẩm tranh của họa sĩ Trịnh Tú. Ảnh: Ban tổ chức

Sài Sơn vốn là một vùng đất đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ. Nơi sông Đáy, sông Nhuệ, sông Hồng đều ghé qua; nơi đột ngột có những ngọn núi đá vôi - nhỏ thôi - giữa ruộng lúa; nơi những nếp nhà, con đường làng, khóm tre, cầu ao như đều ẩn chứa những câu chuyện...".

Hoặc ở Nguyễn Sáng một cõi đi về là những dòng: "Trong những ngày tháng buồn bã đó, với những bước chân chậm rãi đó, ông đã hoàn thành một kiệt tác cuối cùng của đời mình, bức “Vũ trụ” chất liệu sơn mài. Phải chăng đó cũng là khát khao của ông muốn cất mình sang một thế giới khác".

Bài "Ngọn đèn dầu vẫn sáng" Trịnh Tú kết: "Gần đây thôi, anh gọi tôi đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nơi anh có một phòng riêng - không phải để nghe anh kể bệnh, mà để xem những bức tranh phấn màu anh vẽ trên giấy dó tại đây. Những bức thật đẹp, thật yêu đời... Hoàng Hồng Cẩm là thế, anh ồn ào chốn đông đúc để mọi người biết quý sự bình yên. Và như thế, anh như ngọn đèn dầu vẫn sáng, sáng mãi không thôi".

Những câu chữ "Nơi đột ngột có những ngọn núi đá vôi - nhỏ thôi - giữa ruộng lúa" viết về không gian Bùi Xuân Phái lui về hay cũng chính là liên tưởng về hình ảnh con người tài hoa của danh họa? Câu "...bức “Vũ trụ” chất liệu sơn mài. Phải chăng đó cũng là khát khao của ông muốn cất mình sang một thế giới khác" nhắc đến kiệt tác cuối cùng của Nguyễn Sáng hay đó cũng là nỗi khát khao cuối cùng để đến thế giới rộng lớn của ông?

"Anh ồn ào chốn đông đúc để mọi người biết quý sự bình yên" dường như khắc họa sự đối lập con người đời thường và tâm hồn nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm mà người phải tiếp xúc nhiều với họa sĩ mới thấu cảm nhìn ra. Giọng văn không có gì dội lên để người đọc phải bừng tỉnh tức thì, nhưng những lời Trịnh Tú viết giống như hơi ẩm nhẹ ngấm vào người tự lúc nào không hay. Đọc văn mà tự nhắc mình.

Người ta có câu "Văn là người", mà họa cũng là người. Văn của Trịnh Tú lắng dịu, tranh của ông cũng nhẹ nhàng như một sự nghỉ ngơi của cảm xúc và tâm trí. Tuy từng vẽ minh họa cho sách phẫu thuật gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng, vẽ minh họa và biếm họa cho báo, nhưng hội họa của Trịnh Tú không theo hướng tả thực. Bảng màu của ông không có sự chói gắt, u uẩn, thường là tông màu phấn, xốp, êm, lơ lửng như một đám mây trôi.

Hai triển lãm cá nhân "Trịnh Tú Emotion" (2014) và "Trịnh Tú Emotion II" (2017) cũng như các bức tranh sau này đều lấy sự bình yên làm nguồn cảm xúc chính. Điều này ít nhiều có dấu ấn của người cha là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm nên thương hiệu thiết kế nội thất Mémo một thời, sau trở thành một thiền họa sống và vẽ ở Hồ Tây).

Khoảng thời gian chuyên chú cho sáng tác hội họa của Trịnh Tú không quá dài, nhưng nếu có thêm thời gian nữa, thì hẳn các bức tranh ông vẽ không vì thế mà thêm những dữ dội, xáo trộn, gồ ghề. Như có lần ông từng nói: "Tất cả mọi điều chỉ để làm đẹp thêm cuộc đời này. Tôi thích mang cái phần yên tĩnh, phần bình yên và đẹp đẽ đến cho mọi người".

Ở Trịnh Tú, có lẽ đủ để ta hình dung về hình ảnh của những người Hà Nội xưa nề nếp, nền nã một thời, dường như đang lùi dần vào quá vãng trong đời sống hiện đại gấp gáp này.

Sách "Họa sĩ Trịnh Tú với chuyện hình sắc" được tổ chức bởi họa sĩ Lê Thiết Cương. Buổi ra mắt sách và khai mạc triển lãm tranh diễn ra vào 10h ngày 28.6, kéo dài đến hết ngày 5.7.2024.
Địa điểm: Phòng nghệ thuật, tầng 3, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn