MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Trần Nhuận Minh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu tủ sách kỷ niệm của ông và em trai Trần Đăng Khoa tại quê nhà Điền Trì (Hải Dương).

Nhịn đói mua sách, vay tiền du thơ

Bài và ảnh Kiều Bích Hậu LDO | 07/01/2024 07:15

Có tác giả từng nói rằng, "Nếu nhà thơ chết vì thơ thì thơ sống, nếu nhà thơ sống được bằng thơ thì thơ chết". Quả vậy, trong văn chương nói chung, và thơ nói riêng, thì người viết - tác giả - chính là nghệ sĩ sáng tạo, cần dấn thân, quên mình cho thơ sống.

Nhà thơ sáng tác suốt đời, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi đơn giản, sự sống của anh ta là thơ. Nhưng trước hết, anh ta là một người học suốt đời, một siêu độc giả. Anh ta học và tự đào tạo bản thân.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh là một ví dụ. Từ nhỏ, ông đã ham đọc sách. Thói quen ấy được ông duy trì liên tục. Ông đọc sách và sáng tác suốt đời, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi đơn giản, sự sống của ông là Đọc và Viết. Dù ông đã có Bằng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng sự học với ông là suốt đời.

Ông từng nói, tôi chẳng bao giờ tốt nghiệp ở trường đời. Những năm học tại trường Trung học Sư phạm Hải Dương, thuộc Bộ Giáo dục, mỗi tháng được trợ cấp 22 đồng, trong đó 15 đồng trừ vào tiền ăn, còn 7 đồng, ông ký nhận để chi tiêu tất cả các việc còn lại.

Ông nhịn ăn tất cả các buổi sáng (mức ăn là 1 hào một thỏi xôi nén) để dành tiền mua sách. Riêng tất cả các ngày Chủ nhật thì nhịn thêm bữa trưa. Ông đã mua được bộ "Chiến tranh và hòa bình" 4 tập của L.Tôn-xtôi, từ số tiền chắt bóp này. Ông nói, đọc bộ sách khoảng hơn 2.000 trang nhiều lần và thấy hay đến từng chữ như "Truyện Kiều" vậy.

Bà Sáu, người bán sách ở cửa hàng Quốc doanh sách Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) rất thương ông, thường mang sách mới nhất về nhà để ông đến đọc cả ngày Chủ nhật. Đến trưa, ông lảng ra ngoài, nói rằng đi ăn trưa, thực ra là ông ngồi nghỉ dưới bóng cây xa nhà, rồi khoảng 30 phút sau lại vào nhà bà, nằm đọc sách tiếp.

Khi nhà bà ăn cơm muộn, mùi thức ăn thơm lừng, ông nằm úp mặt vào tường, đọc sách và luôn nuốt nước miếng. Dĩ nhiên điều đó chỉ một mình ông biết, để năm 2011, ông viết trong "Đối thoại văn chương". Khi ra dạy học, ông đặt mua sách ở tận nhà xuất bản, 5 - 6 tháng, lại nhờ xe tải qua làng thì chở về giùm, đổ sách bên quốc lộ 183 (con đường từ Hải Dương đi Sao Đỏ), rồi mẹ và em gái mang quang thúng ra gánh về.

Ông lập một thư viện có dấu đóng hẳn hoi là Thư viện Trần Bình Minh (bút danh ông trước năm 1973), tổng cộng có đến hơn 5.000 cuốn sách ghi số thứ tự theo từng hạng mục. Hiện một số cuốn sách tiêu biểu, ông đang trưng bày tại tủ kính kỷ niệm của gia đình ở làng Điền Trì, Nam Sách, Hải Dương.

Năm 1995, ông tặng lại 4 thư viện ở Quảng Ninh, Hải Dương và hiện chỉ còn giữ hơn 500 cuốn, mà ông coi là "bất ly thân". Những cuốn sách rất hay, ông thường mua đến 3 - 4 bản. Vì chỉ cần nhịn ăn một bát phở là có thể mua được 2 cuốn, có khi 3 cuốn kiệt tác, như "Quan Thanh tra" của Gogol hay "Ông già và biển cả" của Hemingway, mua được 5 cuốn "Số phận con người" của Sokolov.

Trong đó, một bản ông bọc giấy bóng kính cất đi, một bản để lên giá sách để đọc thường xuyên, còn một bản thứ ba có thể cho người khác mượn đọc, nếu người mượn không trả thì ông cũng không đòi. Mỗi lần thay sách, ông chọn những cuốn thải lại cho chú em là Trần Đăng Khoa, vì sách hay cho chú bé này, chú ấy sẽ vẽ mèo chó rất nhiều râu ria vào ngay.

Riêng loại sách "Cấm" - hầu hết là kiệt tác của văn học Việt Nam và thế giới, ông để một tủ riêng, ghi rõ: "Sách Đài Báo nói rất độc hại, cấm đọc" rồi giấu chìa khóa đi, Khoa theo dõi biết và mở ra đọc trộm vì ông ở Quảng Ninh liên tục nhiều tháng không về nhà. Điều này, chính Trần Đăng Khoa đã nhiều lần chia sẻ với bạn xem truyền hình và bạn đọc.

Tác giả đọc thơ ở Liên hoan thơ Mỹ lần thứ 10 tại New York (tháng 10.2023).

Còn bản thân tôi, khi bắt được mạch thơ, thì đã may mắn tìm ra một cửa sông, để hòa nhập với biển thơ mênh mông của thế giới. Sau khi xuất bản 7 tập thơ riêng, 2 tập thơ in chung ở nước ngoài bằng các ngôn ngữ như: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Romania, tôi bắt đầu hành trình du thơ lạ lẫm mà kỳ thú. Tôi phát hiện ra, hàng năm, nhiều nước trên thế giới thường tổ chức Liên hoan thơ.

Trong các sự kiện được coi là thánh đường của thơ ca như thế, thì các nhà thơ được thăng hoa trong cộng đồng của mình, thơ được tôn vinh, được lan tỏa và tác động đến đời sống của mọi người. Chỉ cần danh tiếng của bạn được biết đến tại đất nước bạn và hoạt động thơ của bạn được biết đến trong cộng đồng thơ thế giới, thì uy tín của bạn đã được khẳng định, chỉ cần một người uy tín khác giới thiệu, là bạn đã có thể được ban tổ chức các Liên hoan thơ trên thế giới mời chào tới tới sự kiện của họ.

Liên hoan thơ đầu tiên mà tôi được mời chính thức, đó là Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 11 (diễn ra tại Como, Ý năm 2020). Sau đó, tôi đã 3 lần tham dự sự kiện này. Tiếp theo là Liên hoan thơ Mùa xuân tại Romania tháng 5.2023, cũng trong tháng đó, tôi tiếp tục tham gia Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 13.

Tới tháng 10.2023, tôi là tác giả Việt Nam duy nhất được mời tham dự Liên hoan thơ Mỹ lần thứ 10, diễn ra tại thành phố New York. Tháng 12.2023, tôi tiếp tục tham gia Liên hoan thơ văn quốc tế Raipo, Malaysia. Tính ra trong năm 2023, tôi đã tham gia 4 Liên hoan thơ văn trực tiếp ở cả châu Âu, Mỹ, châu Á và 2 sự kiện với sách ở Đức, Bỉ. Ngoài ra, tôi cũng đã tham dự một số sự kiện thơ và tọa đàm về thơ trực tuyến do một số nước tổ chức.

Nhiều người thắc mắc, tại sao trong một năm mà tôi có thể tham gia nhiều sự kiện đến vậy, tiền đâu ra, thời gian nào để chuẩn bị cho sự kiện, và thời gian đâu để duy trì công việc đang làm hiện tại? Bên cạnh đó còn liên tục ra sách cả ở trong nước và nước ngoài? Vâng, quả là nhìn vào chuỗi hoạt động như vậy sẽ thấy ngộp thở.

Thứ nhất, tiền đâu ra? Vâng, không có cơ quan nào tài trợ vé máy bay đi dự các Liên hoan thơ ở nước ngoài, không có nhà tài trợ nào cả, tự tôi phải dùng tiền túi của mình để đi, và khi không còn tiền, tôi vay tiền để đi. Có những cuộc đi sát nhau, mà tôi phải vượt qua thách thức cả về thời gian, những khó khăn khi làm visa, và xin nghỉ việc để đi. Nơi tôi làm việc không chấp nhận nổi lịch đi dày đặc đó, nên sau chuyến đi Mỹ dự Liên hoan thơ tháng 10.2023, tôi đã phải chuyển công việc khác.

Trước khi đi dự Liên hoan thơ Mỹ, tôi đã vui biết bao nhiêu, và tôi sẵn sàng trả giá. Tôi lên đường với tâm thế, khi về nhà mình có thể mất việc. Quả vậy, trong lúc tôi đang ở Mỹ, thì chị phụ trách nhân sự nơi cơ quan tôi đang làm việc đã gọi điện cho tôi, báo tin dữ về việc thuyên chuyển công tác của tôi. "Bão" đến nhanh hơn tôi tưởng tượng. Một người anh của tôi, cùng cơ quan, đã lo lắng tìm cách trấn an tôi về tai họa chờ tôi ở nhà. Nhưng lạ thay, trong "tâm bão", mà lòng tôi thanh thản lạ lùng. Tôi đã xác định rõ rồi, mình sẵn sàng trả giá cho hạnh phúc quá lớn lao này, được tận hưởng thiên đường thơ ca và cảm giác tự do trân quý hơn tất cả.

Mỗi chuyến du thơ là gói được ba trong một: Thể hiện tâm hồn thơ và tác phẩm trong một thánh đường thơ, được gặp những bộ óc vĩ đại nhất - những người ta sẽ học được điều tinh túy nhất mà không trường đại học nào dạy, và được du lịch với những con người đồng điệu tâm hồn với ta. Thật không hạnh phúc nào sánh kịp!

Tại Liên hoan thơ ở Romania, tôi được đồng hành với bạn thơ người Hungary - anh Sandor Halmosi, một người bạn tri kỷ mà tôi luôn biết ơn bởi anh đã mở con đường thơ cho tôi. Tại Liên hoan thơ châu Âu ở nước Ý, tôi học được cách làm phim thơ khi 3 bài thơ của tôi được các nghệ sĩ Ý dựng thành phim ngắn chiếu trong Liên hoan. Tôi vô cùng biết ơn điều đó, bởi nó gợi cho tôi một ý tưởng tuyệt vời trong việc đưa thơ tiếp cận với giới trẻ, lứa con cái chúng tôi, khi chuyển hóa thơ thành ngôn ngữ điện ảnh.

Cũng tại Ý, trong sự kiện, tôi kết thân được với bạn thơ người Mỹ, người sau này đã giới thiệu tôi đến Liên hoan thơ Mỹ lần thứ 10. Tại đây, tôi không chỉ dự tọa đàm khoa học về quan điểm sử dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn học được cách người Mỹ sống và tổ chức sự kiện thơ hiệu quả, sáng tạo đến thế nào, cách đưa thơ đến với ứng dụng trong đời sống và giải quyết các vấn đề một cách giản dị, thông thái nhất.

Còn khi đến với Liên hoan thơ Raipo tại Malaysia 2023, tôi được biết đến tình anh em có ý nghĩa thế nào khi thơ ca trở thành chất kết dính, đưa con người kết nối mạnh mẽ, bền chặt hơn trong một thế giới biến động hỗn loạn và nguy hiểm.

Tôi cũng phát hiện ra một nghịch lý rằng, một mặt, nhà thơ luôn rất nghèo vì đa phần con người trên thế giới đang bị thu hút bởi nhiều yếu tố giải trí khác, trong đó có mạng xã hội, và hầu như chẳng ai bỏ tiền túi mua thơ, thì nhà thơ nghèo với túi thơ đầy ắp vẫn có thể tìm ra cách để mang túi thơ đi trao tặng khắp thế giới, họ càng ngày càng giàu có hơn các triệu phú đô la, họ đi xa hơn nhiều, bởi cách họ vượt thoát ngoạn mục khỏi ràng buộc cơm áo gạo tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn