MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để phân biệt đá nhân tạo hay tự nhiên thì người mua có kinh nghiệm sẽ dùng đèn hoặc kính lúp để kiểm tra chất lượng, độ trong suốt của đá. Ảnh: Minh Hoà

Nhộn nhịp chợ đá quý

MINH HOÀ LDO | 18/07/2022 07:24
Từ sáng sớm ngày chủ nhật, hàng chục tiểu thương từ khắp các vùng miền trên cả nước đã nhanh chóng gom góp những viên đá quý từ các bãi khai thác, đổ về khu chợ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) mua bán, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến trao đổi, tham quan.

Chỉ họp chợ vào ngày chủ nhật 

Phiên chợ đá quý độc đáo nằm khuất trong khuôn viên rộng khoảng 400m2 ở ngõ 456 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Những sạp hàng tại đây thường bày bán các loại đá đã qua mài giũa hoặc vẫn còn ở dạng thô tự nhiên. Phần lớn, các loại đá quý này đều được khai thác ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An)... được các tiểu thương thu gom về đây, bày bán trong các khay nhựa để người mua dễ dàng kiểm tra, lựa chọn.

Ông Trần Văn Xuân (SN 1965, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, không chỉ có những sạp hàng của tiểu thương Việt Nam mà tại phiên chợ này còn có những sạp hàng của người nước ngoài. Khách hàng đến đây thường được thoải mái chọn lựa, tự thẩm định đá quý bằng nhiều cách thức khác nhau hoặc có thể kiểm tra chất lượng tại trung tâm đá quý ngay trong khuôn viên này, rất thuận tiện.

"Giá của đá quý ở chợ rất vô cùng vì nó còn tùy thuộc vào chất liệu, kích cỡ lớn nhỏ, chất lượng, màu sắc... Trong đó, ruby vẫn là một trong những loại đá quý có giá thành cao nhất. Ở chợ cũng có những viên ruby có kích thước nhỏ, khối lượng thường dưới 10 cara và có giá dao động vài triệu đồng" - ông Trần Văn Xuân (SN 1965, tỉnh Yên Bái) giới thiệu. 

Chủ nhật tuần nào cũng đi chợ tìm mua, sưu tầm các viên đá quý, anh Hoàng Văn Trường (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho rằng, ngoài các loại đá quý hiếm, đắt đỏ, các loại đá thông thường khác như thạch anh, hổ phách, thiên thạch... cũng được bày bán rất nhiều tại đây với mức giá rẻ, chỉ cần vài trăm nghìn cũng có thể mua được. Thậm chí với những loại đá thô, đá vụn, nhiều người còn bỏ tiền ra để mua nguyên cả lô với giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Theo anh Trường, hiện nay trên thị trường cũng có khá nhiều loại đá nhân tạo, cách đơn giản nhất để phân biệt đá nhân tạo hay tự nhiên thì người mua có kinh nghiệm sẽ dùng đèn cực tím, hoặc kính lúp để kiểm tra. Nếu là đá quý trong tự nhiên như ruby, sapphire... thì viên đá sẽ phát ra những viền hào quang, sáng lấp lánh. Một viên đá được cho là đẹp khi nó có độ trong suốt tự nhiên, hiệu ứng ánh sáng đặc biệt và không có khe nứt nào.

Ruby là một trong những loại đá quý có giá thành cao nhất tại chợ. Ảnh: Minh Hoà

Nhộn nhịp hội chợ mua bán, trao đổi

Được biết, sau khi lựa chọn, nhiều khách hàng thường mang những viên đá thô ưng ý đến gian hàng chế tác đá quý uy tín của ông Nguyễn Duy Bảo. Theo đó, để chế tác một viên đá quý đẹp thì phải mất rất nhiều thời gian, viên đá càng giá trị thì thời gian hoàn thành càng lâu hơn. Thậm chí có những viên đá ông Nguyễn Duy Bảo phải mất tới nhiều ngày, gọt giũa cẩn thận từng chút một thì mới có thể hoàn thiện được.

Nhiều tiểu thương tại đây chia sẻ, dù có diện tích nhỏ nhưng hàng hoá giao dịch tại chợ rất đa dạng, gồm nhiều loại đá như thạch anh, sapphire, tuamaline, ngọc lục bảo, topaz, aquamarine, amazonite, granat... Với những du khách lần đầu tham quan khu chợ sẽ rất dễ bị “hoa mắt”, choáng ngợp bởi hàng trăm loại đá với những màu sắc khác nhau. Đa số người mua họ thường thích các sản phẩm đá quý dạng thô, vừa được khai thác từ các mỏ để tự về chế tác, mài dũa theo mong muốn.

Tiểu thương Hoàng Thị Thiết (chợ đá quý Hoàng Hoa Thám) nói: "Chợ đá quý họp phiên vào chủ nhật hàng tuần. Đây là địa điểm để những người yêu đá quý ở Thủ đô, cũng như mọi miền đất nước, du khách nước ngoài đến giao lưu, mua bán. Ngoài những vị khách quen đã nhẵn mặt nhau, chợ đá quý cũng có nhiều khách vãng lai, khách nước ngoài đến mua đá. 

Thường các loại đá đã gia công ở chợ sẽ được gọt giũa theo kiểu cabochon (mài nhẵn) hoặc facetted (mài cạnh) theo các hình khối thích hợp để làm các vật dụng như trang sức, mặt nhẫn, hoa tai... Tuy là chợ đá quý, buôn bán các mặt hàng xa xỉ nhưng việc trao đổi, giao dịch tại đây rất nhẹ nhàng, khá nhanh chóng, đơn giản như việc mua mớ rau, con cá. Những viên đá quý được chúng tôi bày biện gọn gàng, công khai ngay trên mặt bàn mà không cần phải dè chừng, bảo vệ gì".

Anh Lê Anh Tuấn (CLB Đá quý Hà Nội) cũng thông tin, tại những nước như Myanmar, Ấn Độ hay Thái Lan..., đều có những phiên chợ đá quý hoạt động như thế này. Ở các nước phát triển, ngành đá quý được coi như một nét văn hóa, một niềm tự hào. Việt Nam cũng có nhiều loại đá quý tốt nhưng chưa được người Việt biết đến và đón nhận. Thậm chí còn có hiện tượng "chảy máu" đá quý, người Việt phải ra nước ngoài đặt mua những viên đá quý với giá thành rất đắt trong khi ở nước mình cũng có mà giá rẻ hơn nhiều.

Tại đây, các hội viên của CLB Đá quý Hà Nội đều phải tuân thủ nguyên tắc phải đảm bảo, chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng sẽ kiên quyết xử lý, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để giữ vững thương hiệu đá quý Việt Nam. Việc tổ chức và duy trì phiên chợ đá quý tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên, tiểu thương vẫn cố gắng duy trì phiên chợ đều đặn trong những năm qua.

Nói về y tưởng xây dựng phiên chợ đá quý, theo anh Lê Anh Tuấn, đây là một hình thức để phổ cập kiến thức, văn hóa, giá trị, vẻ đẹp của đá quý đến với người dân trong và ngoài nước một cách gần gũi nhất và nhanh nhất. Một trong những nét độc đáo của chợ phiên này đó là những người tham dự, mặc dù chưa có kinh nghiệm về đá quý cũng dễ dàng lựa chọn cho mình một số mặt hàng lưu niệm làm từ đá thiên nhiên như vòng đeo tay, vòng cổ,...dưới sự tư vấn của người bán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn