MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi đò ven sông ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) càng trở nên nhộn nhịp về đêm.

Nhộn nhịp xóm chài ven sông

Bài và ảnh minh hòa LDO | 11/09/2022 19:30
Cuộc sống của người dân xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành. Khi thành phố rực sáng ánh đèn trong đêm cũng là lúc người dân tại đây tất bật chuẩn bị ghe thuyền, bắt đầu một ngày làm việc mới.

Nghề mưu sinh 

Trời chạng vạng tối, bãi đò ven sông ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) càng trở nên nhộn nhịp. Gần chục chiếc thuyền neo đậu ven bờ, lập lòe ánh điện chính là kế sinh nhai của phần lớn những hộ dân nơi đây. Dòng sông hào phóng không chỉ mang lại nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho nông nghiệp mà nó còn mang lại nguồn sống cho những người chỉ cần bỏ công sức lao động.

Chị Trần Thị Hoa (làng chài Vạn Thắng Lợi) tâm sự, nghề đánh bắt cá tự nhiên ven sông Hồng đã có từ nhiều năm nay. Khi thành phố lên đèn sáng rực cả một góc trời cũng là lúc đoàn thuyền, ghe đánh bắt cá của ngư dân trong xóm bắt đầu một ngày làm việc mới. Thời điểm này, ở làng chài ai nấy đều hối hả, người thì ăn vội bữa cơm chiều lót dạ rồi lại lục đục chuẩn bị lưới, thuyền, đèn pin lên đường đi đánh bắt sản vật tự nhiên trên sông.

Mưu sinh trên sông Hồng từ năm 12 tuổi, anh Trần Văn Túc (SN 1987, xã Trung Châu) chia sẻ: “Nghề này bấp bênh lắm, nhưng chẳng ai giàu, chỉ đủ ăn qua ngày. Hôm nào may mắn thì bắt được con cá to nặng hơn chục kg là có đủ tiền nuôi gia đình cả tháng, bữa nào trống lưới thì cũng phải chịu. Công việc đánh bắt cá của chúng tôi khá vất vả vì thường xuyên diễn ra vào ban đêm, lúc rạng sáng vì khi đó nước sông bắt đầu lên đục, ngư dân mới bắt đầu giăng lưới đánh cá”. 

Theo anh Túc, phần lớn ngư dân ở đây đều phải “bám sông, bám nước” mà sống. Nghề săn cá phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Phần lớn ngư dân đều tranh thủ giăng lưới vào ban đêm, khi nước sông lên đục thì dễ đánh được cá to, cá hiếm, hôm nào may mắn thì đánh bắt được cá  nặng tới 10 - 30 kg, giá bán phải tính tiền triệu. Đối với dòng cá ngon, cá hiếm thì giá cả có khi lên tới 250.000 - 500.000 đồng/kg. Còn những loại cá cơ bản như cá trắm, chép, rô phi sông... giá trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/kg cũng đủ để gia đình anh sinh sống qua ngày.

“Trước đây, việc đánh bắt thủy sản trên sông dễ dàng hơn, còn thu vén cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Khi trời yên biển lặng thì còn đỡ, chứ lúc sóng to gió lớn thì chúng tôi cũng lo lắm, có khi đứng ngồi không yên. Mỗi chuyến đi đánh bắt đêm nếu trừ hết tất cả chi phí thì còn dư vài ba trăm đủ tiền sinh hoạt trong ngày. Ở đây, hầu như mọi người đều không sợ bão có số mà chỉ sợ giông lốc bất ngờ ập đến, ngư dân sẽ xoay sở không kịp” - chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1987, xã Hồng Hà) cho hay.

Cuộc sống thường nhật nơi xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội).

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư 

Gọi là xóm chài vì phần lớn những những hộ dân ở đây đều sinh sống chủ yếu vào nghề đánh bắt cá, tôm tự nhiên. Mặc dù những con thuyền đã được các hộ dân cố gắng  giằng xéo đủ các loại cọc, mỏ neo thế nhưng cũng không ngăn nổi những đợt sóng dập dềnh, vá víu bằng đủ loại chất liệu thế nhưng cũng không thể nào bịt nổi cái nắng gay gắt, những trận mưa xối xả trên sông.

Bà Doãn Thị Nhi (SN 1960, xã Hồng Hà) nói: “Ở đây hiếm nước sạch nên nhà tôi ngày nào cũng múc nước dưới sông, lọc qua phèn rồi sử dụng như nước sinh hoạt hằng ngày. Vào mùa mưa bão, nước sông dâng lên đột ngột, nhiều cột sóng dâng cao, liên tục đánh táp vào bờ làm cho thuyền dân trong xóm bị đắm nước, tốc mái, lật ngửa là chuyện bình thường. Đợt nào bão mạnh quá, chúng tôi phải mặc áo mưa rồi lên đê ngồi, chờ cơn bão qua rồi mới dám xuống thuyền”.

Theo bà Nhi, phần lớn những hộ dân ở đây đều có nghề “cha truyền con nối”, nhiều đời lênh đênh trên sông Hồng để đánh bắt cá tự nhiên. Nghề sông nước tuy vất vả và có nhiều may rủi nhưng thu nhập cũng khá, đủ để những hộ dân duy trì cuộc sống, lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hôm nào may mắn thì đánh được con cá gần chục kg, hôm thì chỉ được mớ cá mương, cá nục, cá bống, bán cho thương lái được 200.000 - 300.000  nghìn đồng sống qua ngày.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Việt Hoa (SN 1980, trưởng thôn Vạn Thắng Lợi) cho biết, phần lớn dân cư trong vùng đều làm nghề đánh bắt cá tự nhiên trên sông Hồng. Trong thôn có 97 hộ với 456 nhân khẩu, thì khoảng có 8 đến 10 hộ sinh sống và làm nghề cá dưới sông. Theo ông Hoa, nghề đánh bắt cá trên sông ở địa phương đã có từ rất lâu, gắn liền với lễ Cầu Ngư truyền thống được tổ chức hằng năm tại địa phương. Những người ở làng vạn chài ai đánh được con cá nào to nhất thì sẽ được trao giải thưởng, con nhỏ hơn được phép bán.

Theo đó, con cá to nhất, còn sống, sẽ được chọn dâng lên đình, những con nhỏ hơn không được giải thì sẽ đưa vào chế biến phục vụ tiệc của làng với mong ước một năm thuận buồm xuôi gió, bắt được nhiều tôm cá hơn.Phần thưởng dành cho người thắng cuộc là chiếc cờ lưu niệm thêu chữ vàng và một chiếc đèn pin để đeo trên đầu, soi sáng cho ngư dân những buổi tối quăng chài, thả lưới trên sông.

Với người dân làng chài, gia đình nào được giải của làng thì năm ấy sẽ có mùa cá tôm bội thu, đó là niềm vinh dự rất lớn. Lễ Cầu Ngư không chỉ là một nghi lễ thờ thủy thần độc đáo của làng chài mà còn là bữa tiệc đặc biệt gắn kết cộng đồng của người dân ở Vạn Thắng Lợi. Hiện nay, nhiều hộ vạn chài đã chuyển sang đi tàu sông, có người thoát ly làm cán bộ, công chức, công nhân, xây dựng nhà cửa trên bờ..., song dù làm nghề gì, ở bất cứ nơi đâu thì đến lễ hội Cầu Ngư hằng năm, nhất định họ sẽ về đình dự lễ hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn