MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa ăn đủ đầy của 173 học sinh người dân tộc H’Mông tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) ngày 21.12. Ảnh: Bảo Nguyên

Những bữa ăn níu chân trẻ em vùng cao khi tới trường

Long Nguyễn - Bảo Nguyên LDO | 24/12/2023 07:11

Tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc, có những thầy cô không ngại phải đi xin từng cân gạo, mớ rau rồi cùng nhau góp 10, 20 nghìn đồng mua đồ ăn để các em ấm bụng trên hành trình học con chữ.

28 năm trong nghề, 5 năm gắn bó với những đứa trẻ ở vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, cô giáo Trần Thị Lan, Trường mầm non Bình Minh Co Mạ vẫn không quên kỷ niệm những ngày đầu tiên tình nguyện ngược núi đến trường.

Đó là con đường dài hơn 40km với không biết bao khúc cua, cheo leo, hiểm trở; những hôm mưa gió, lầy lội, tay lái yếu khiến xe và người đổ, ngã; chưa kể giá rét cắt da, cắt thịt, có hôm lên tới trường mà bàn tay tê cóng không còn cảm giác...

Ấy thế mà, mọi thứ không còn là trở ngại khi cô nhìn thấy những đứa trẻ mặc không đủ ấm, ăn chưa đủ no, thiệt thòi, thiếu thốn mọi bề... đang ngóng đợi trên sân trường.
Hình ảnh các em khiến cô Lan thấy chính mình của 40 năm về trước.

Cô cùng nhiều thầy cô giáo khác không ngại phải đi xin từng cân gạo, mớ rau và cùng nhau góp 10, 20 nghìn đồng để mua đồ ăn cho các em mong cho các em học sinh ấm bụng hơn. Nhà trường có gần 600 học sinh tại 11 điểm trường, có điểm lẻ cách trung tâm xã tới 30 cây số; giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt, công tác còn hạn chế... Nhưng, khi được hỏi về những tâm tư, nguyện vọng của mình, các thầy, cô đều mong muốn con trẻ được đến trường đầy đủ.

Câu chuyện về con trẻ vùng cao thiếu thốn trăm bề được người quen của các thầy cô giáo chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội. Những đứa trẻ lấm lem, đầu trần với chân đất lủi thủi về nhà sau mỗi buổi học khiến nhiều người không khỏi xót xa. Hình ảnh chân thật về lũ trẻ vùng sâu, vùng xa đã lay động những tấm lòng thiện nguyện. Đã có mạnh thường quân đồng ý hỗ trợ cho các em trong thời gian dài.

“Động lực để tôi quyết tâm bám trường, bám bản là nhìn thấy trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường. Nhờ đó tôi có động lực và tự hứa sẽ góp một phần sức lực nhỏ bé với người dân vùng cao. Tôi sẽ ở lại mảnh đất này cống hiến cho đến khi tôi nghỉ hưu”, cô Trần Thị Lan chia sẻ.

Ở điểm trường xa xôi của tỉnh Yên Bái, cô Phạm Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên luôn miệt mài trong công tác vận động các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân và nhân dân địa phương trong công tác xã hội hóa ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất khu vui chơi, ăn uống cho học sinh. Mới đây, chị huy động từ cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ủng hộ 9 bình nóng lạnh, 200 áo ấm mùa đông cho trẻ.

Theo chia sẻ của nữ hiệu trưởng, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi và nhận thức còn hạn chế, nhiều gia đình vùng sâu vùng xa không cho con đi học đầy đủ, thậm chí sẵn sàng để con nghỉ học.

Cùng với chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo cho học sinh bán trú của Chính phủ, trong nhiều năm qua, nhờ sự chung tay đóng góp qua các hoạt động ý nghĩa của những tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân mà bữa ăn của học sinh nơi rẻo cao ngày càng được cải thiện.

"Tôi rất mong muốn các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được duy trì, để 100% trẻ mầm non có cơ hội được đến lớp, để các con được tiếp bước lên các bậc học cao hơn, có tương lai tốt đẹp hơn..." - cô Tuyết bày tỏ.

Ngồi giữa bếp ăn của điểm trường Mầm non xã Phong Dụ Hạ trong bữa trưa, Mấm (6 tuổi) một tay giữ tô, tay còn lại dùng thìa xúc gọn cơm đưa vào miệng nhai ngon lành. Do cha mẹ đi rẫy từ sáng sớm đến tối muộn mới về nhà nên không có điều kiện chăm sóc Mấm. Nhờ chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của các thầy cô, bữa ăn của em hàng ngày hôm có thịt, khi thì cá... Được ăn ngon nên em không còn muốn nghỉ học.

Còn tại vùng cao Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương của tỉnh Lào Cai, các cháu ngày học 2 buổi, trong khi nhà khó khăn, bố mẹ thường xuyên lên rẫy nên không có người nấu cơm trưa. Trước đây, nhiều em học buổi sáng, trưa về nhà nhưng chiều lại không đến lớp nữa, thầy cô giáo phải lặn lội xuống từng nhà động viên các em đi học.

Việc tổ chức nấu ăn cho các em những ngày đầu rất vất vả, khi chưa được phụ huynh học sinh phụ giúp, các thầy cô giáo phải tự đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp... Tuy nhiên, xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn “gieo tròn con chữ” đến học trò mà các thầy cô giáo của trường rất quyết tâm triển khai, duy trì hoạt động này.

“Từ lúc tổ chức nấu ăn, học sinh của nhà trường không còn nghỉ học như trước đây nữa. Điều này chính là động lực cho thầy cô giáo tiếp tục triển khai công việc đầy nhân văn và ý nghĩa này”, lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Liên quan đến bữa ăn bán trú bị nghi vấn bớt xén, không đảm bảo chất lượng tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hiện học sinh của trường được cải thiện bữa ăn theo đúng khẩu phần ghi trên bảng tin.

Theo Nghị định 81 của Chính phủ, nhà nước hỗ trợ tiền bán trú hàng tháng với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ bằng 40% lương cơ sở, tương đương 720.000 đồng. Ngoài tiền ăn, học sinh còn được hỗ trợ tiền nhà ở và 15kg gạo một tháng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương và nhà trường thực hiện công khai tài chính, công khai bữa ăn hàng ngày của học sinh nội trú, bán trú theo quy định. Chú trọng quản lý, tổ chức bữa ăn hàng ngày cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú.

Khuyến khích nhân dân, phụ huynh tham gia hỗ trợ nhân viên cùng nấu ăn, đồng thời, giám sát chất lượng bữa ăn hàng ngày của học sinh nội trú, bán trú tại trường. Không sử dụng kinh phí chi trực tiếp hỗ trợ cho học sinh (tiền ăn, tiền nhà ở, học bổng, hỗ trợ gạo, hỗ trợ chi phí học tập...) vào mục đích khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn