MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lục Xuân Thành dân tộc Nùng, người có uy tín trong cộng đồng tại thôn Bó Lách (xã Quyết Tiến, Quản Bạ) vận động người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch.

"Những cánh tay nối dài" nơi miền cực Bắc Tổ quốc

Bài và ảnh văn tùng LDO | 31/07/2022 22:31
Tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hay khu vực biên giới, người có uy tín vẫn được ví như "những cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Với uy tín, tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng, họ vẫn đang góp phần quan trọng giúp đồng bào hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Nhà nước và bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Mặc dù đã "nhận chức" người có uy tín được hơn 16 năm nhưng có lẽ ông Lục Xuân Thành ở thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) vẫn chưa có cơ hội được "về hưu" bởi dân bản vẫn tin tưởng và yêu mến ông lắm. Là người dân tộc Nùng nhưng ông Thành lại có thể nói thành thạo được nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác như Mông, Bố Y, Dao, Tày, Hán. Cũng nhờ đó mà ông được xem như "trọng tài" hay người hoà giải của người dân trong thôn dù là chuyện lớn hay nhỏ.

Đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào cuối năm 2021, khi ấy cả xã Quyết Tiến bị phong toả, trai tráng trong thôn không đi làm được nên lại tụ tập uống rượu. Nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng tăng lên, cán bộ đến vận động, tuyên truyền nhiều người không nghe. Lúc đó, những người có uy tín như là cánh tay phải của cán bộ y tế, chính quyền địa phương.

Ông Thành nhớ lại: "Có những nhà trong bản cán bộ nói họ chưa nghe ngay đâu, nhưng mình nhẹ nhàng khuyên bảo để họ thấy được nguy hiểm của dịch bệnh, không tụ tập nữa. Mình sống quen với dân bản, gần gũi họ, công to việc lớn, ma chay cưới hỏi đều có mặt nên nói họ nghe ngay. Cứ thế, nhà này đến nhà kia rồi cả bản không tập trung đông người nữa". 

Rồi những xô xát trong cuộc sống của dân bản, cũng chính ông Thành là người đứng ra giải quyết thấu đáo. Ông kể: "Tôi nhớ có lần chỉ vì con chó của nhà này cắn con gà của nhà kia mà 2 nhà tí nữa thì động chân tay. May mình vừa đi làm về, hoà giải kịp thời chứ không chắc to chuyện".

Người có uy tín thể hiện vai trò quan trọng cùng lực lượng biên phòng bảo vệ an ninh biên giới.

Giống như ông Thành, bà Lộc Thị Liên dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương (xã Quyết Tiến) được dân ban tin tưởng bầu làm người có uy tín đã gần 6 năm nay. Mặc dù đã hơn 60 tuổi nhưng người phụ nữ này vẫn hăng say với những công việc vốn được xem như "người vác tù và hàng tổng". Bất kể thời gian nào, khi dân bản có việc cần ý kiến tư vấn hay giúp đỡ từ những chuyện nhỏ nhặt đến công to việc lớn bà Liên đều không quản ngại.

Bà Liên tâm niệm: "Muốn nói cho bà con nghe và tin thì trước hết mình phải làm được đã bởi dân bản mình đâu cần biết đến những điều to tát mà chỉ cần nhìn vào thực tế. Nói ngay  như việc tuyên truyền vận động người dân trong bản phát triển kinh tế bằng cách cải tạo vườn tạp, đồi hoang để trồng các loại cây ăn quả, cây rau phù hợp với khi hậu thổ nhưỡng cho kinh tế cao thì mình cũng phải làm trước đã. Có kết quả, dân thấy thì mới làm theo".

Bằng việc đi trước, gương mẫu để thấy được đường lối, chủ trương của chính quyền là đúng bà Liên cùng gia đình cải tạo khu vườn nhà để trồng cây mận tam hoa, khồng không hạt. Cùng với đó là xen canh các loại rau ưa khí hậu lạnh, mỗi vụ ban cũng được cả chục triệu đồng. Nhìn thấy hiệu quả dân thôn Nậm Lương rủ nhau đến học hỏi làm theo, nhờ đó mà đời sống cũng cải thiện nhiều.

Theo ông Nguyễn Việt Tiến - Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, cả xã có tất cả 13 thôn thì cũng chừng ấy thôn có người uy tín được đồng bào yêu mến. Cuộc sống nơi vùng cao biên giới vốn khó khăn nhưng đồng bào luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhờ những người có uy tín. Trong đồng bào DTTS chính là đại diện, nòng cốt tạo lên sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân".

Tỉnh Hà Giang là địa phương miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại với đường biên dài trên 277km, tổng số 442 cột mốc tiếp giáp Trung Quốc. Cũng tại khu vực biên giới đang có trên 122 nghìn nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc phân bố tại 34 xã, thị trấn giáp biên. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng chính là góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Anh Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn và cũng là người có uy tín tại thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, Đồng Văn), với đặc thù là thôn bản biên giới lại nằm ngay trên vị trí cực Bắc của Tổ quốc, đồng bào nơi đây luôn ý thức được trách nhiệm của mình cùng với các lực lượng biên phòng, công an giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Suốt nhiều năm qua anh Gai đã thực sự trở thành những cánh tay nối dài của chính quyền trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt pháp luật về biên giới và xây dựng đời sống văn hoá.

Anh Gai cho biết, cả thôn hiện có 96 hộ dân với với 453 nhân khẩu trong đó chủ yếu là người dân tộc Lô Lô. Đặc thù là thôn giáp biên, trước kia khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn thì vẫn còn tình trạng người dân sang phía bên kia biên giới làm ăn tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh trật tự. Nhưng nay khi thôn Lô Lô Chải đã phát triển du lịch cùng với cảnh sắc tự nhiên vốn có du khách đã biết đến nhiều hơn, nhờ đó cuộc sống người dân cũng dần khấm khá.

Không chỉ cùng lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biên giới, nhiều năm qua anh Gai là người tích cực vận động bà con gìn giữ và phát triển những nét văn hoá đặc sắc, riêng biệt của người Lô Lô như trang phục quần áo, hay những chiếc trống đồng cổ đến những điệu nhảy huyền bí của dân tộc mình. Chính nhờ điều này mà bản Lô Lô Chải đã trở thành một điểm đến hấp dân với du khách khi đến Hà Giang.

Đa phần người có uy tín là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có tiếng nói và sức ảnh hưởng tới cộng đồng.

Anh Sìn Gỉ Gai tâm sự: "Người Lô Lô vốn hiền hoà, yêu nước nhưng cuộc sống nơi biên giới khó khăn, mình là trưởng thôn thì phải làm sao giúp bà con xây dựng đời sống mới, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Cũng từ đó mà người dân không phải vượt biên đi làm, không vi phạm pháp luật cùng biên phòng bảo vệ đường biên cột mốc".

Ðại tá Lưu Đức Hùng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, người có uy tín tại các xã biên giới đã tích cực vận động nhân dân và tham gia tuần tra biên giới cùng với lực lượng biên phòng. Đội ngũ này còn cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, đấu tranh với những việc làm sai trái, phát hiện các vụ việc mua bán phụ nữ, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép... để thông báo cho các cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn. 

Hơn 5 năm qua, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt gần 2.000 người có uy tín thuộc 16 dân tộc trong tỉnh. Họ là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn được bầu chọn, suy tôn từ cộng đồng nên vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Địa phương này cũng đã dành nguồn kinh phí hơn 40 tỉ đồng để thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín Qua đó tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của người có uy tín, là "cầu nối" giữa chính quyền với người dân, xoá đói giảm nghèo vùng DTTS và bảo vệ vững chắc an ninh biên giới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn