MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyện tình của Ngọc Trinh và tỉ phú Hoàng Kiều là đề tài được không ít người quan tâm những ngày qua.

Những chuẩn mực mới

Hà Quang Minh LDO | 31/12/2016 16:05

Khi chúng ta đang nói về lũ lụt miền Trung, đang âu lo chuyện bà con năm nay sẽ phải đón cái Tết buồn thế nào, đang sợ hãi về chuẩn mực đạo đức trong truyền thông thì “bùm một cái”, Đàm Vĩnh Hưng “livestream” rơi nước mắt về 30 năm còng lưng gánh nợ cho mẹ. Rồi “bùm một cái nữa”, Ngọc Trinh công khai tình yêu với tỉ phú Hoàng Kiều. Cộng hưởng với cú “bùm” trước đó của việc Sơn Tùng M-TP chia tay ông bầu Quang Huy, chúng ta quên sạch sành sanh đồng bào hay những nguy cơ của đạo đức suy đồi chỉ để bàn luận chuyện “Đàm Vĩnh Hưng tố mẹ có bị coi là bất hiếu không?” hay chuyện “Ngọc Trinh sẽ được mấy trăm triệu USD từ tài sản của ông Hoàng Kiều?” và “Sơn Tùng M-TP thách cả giới truyền thông về cái gọi là quyền lực khi ra mắt MV lúc nửa đêm, ai thích xem thì xem, ai không thích xem thì thôi”.

Những câu chuyện ấy, thực sự chẳng ngạc nhiên gì, bởi nó đúng như những nghiên cứu và thực hành của giới điều khiển mạng xã hội thời hiện đại này. Họ có thuật toán, để biết cái gì là xu hướng, để tạo xu hướng, và dẫn dụ người dùng cuốn vào xu hướng ấy. Thế nên mới có người nói, bây giờ hãng nào mà gặp khủng hoảng truyền thông, thay vì đi cự cãi mất tiền, cứ bỏ tiền ra, nhiều vào, tạo scandal showbiz thôi, kiểu gì cái xu hướng mới ấy cũng làm người ta quên bẵng đi những gì đang xảy ra với mình.

Song, trong các bàn luận trên mạng xã hội hiện nay xoay quanh mấy chuyện showbiz trời ơi đất hỡi kia, cũng có những điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm lắm. Ví dụ đơn cử như chuyện Đàm Vĩnh Hưng thôi, có người thì nói rằng “con không chê cha mẹ khó” và Đàm Vĩnh Hưng không nên như vậy nhưng không ít người, đặc biệt là giới trẻ, lại nhận xét bênh vực Đàm Vĩnh Hưng, cho rằng khi người mẹ đã đẩy con mình vào tình cảnh như thế, kéo theo nhiều người là nạn nhân, việc lên tiếng để ngăn chặn lại là cần thiết. Ở câu chuyện này thôi, chúng ta có thể thấy rằng, rõ ràng giới trẻ đã có một chuẩn mực đạo đức khác, tách rời khá xa với những chuẩn mực của thế hệ đi trước, và chúng được xây dựng trên một nền tảng có lý riêng của chúng chứ không phải hoàn toàn phi lý và bất kính như chúng ta định kiến. Hay như ở chuyện Ngọc Trinh và ông Hoàng Kiều 72 tuổi thôi, chúng ta cũng có thể thấy có những điểm khác mà giới trẻ đang nói tới. Chúng ca ngợi chuyện Ngọc Trinh chỉ yêu người giàu, để có tiền lo cho mẹ, là chuyện “có hiếu”. Nếu chúng lấy hình tượng Kiều ra để làm ví dụ, có lẽ người lớn sẽ rất khó tranh luận lại với chúng. Đơn giản, chúng ta mang Kiều ra dạy chúng, coi Kiều như hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ hiếu đạo, thì chúng hoàn toàn có quyền coi Ngọc Trinh như một dạng Kiều thời @.

Điều đó dẫn chúng ta đến một thực tế bất ngờ hơn, đáng ngạc nhiên hơn nhưng hiển nhiên hơn. Đó chính là chúng ta, thế hệ đi trước, là những người đã tạo ra nền tảng luân lý của những chuẩn mực đạo đức mới mà giới trẻ xây dựng lên hôm nay.

Quay trở lại với câu chuyện rất nhiều người lớn tuổi “mắng mỏ” bọn trẻ thế hệ này suốt mấy năm qua, là câu chuyện bọn trẻ thần tượng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc tới mức khóc rưng rức, hôn ghế thần tượng… Chúng ta mắng bọn trẻ sính ngoại, từ bỏ cội nguồn. Vậy chúng ta đang làm gì, đã làm gì, để bọn trẻ phải ứng xử như vậy?

Xin thưa, ở một buổi triển lãm đấu giá nghệ thuật cao cấp gần đây tại Sài Gòn, tiết mục mở màn chào khách là một màn trình tấu piano của một nghệ sĩ Hàn Quốc. Khi nghe giới thiệu, khán giả cũng khá tò mò và kỳ vọng đó là một nghệ sĩ chất lượng. Nhưng thực tế, cô ta chơi không hay hơn những pianist Việt Nam hôm nay, những người tài năng nhưng vô danh chỉ vì chính chúng ta, ngày thường, không quan tâm tới lao động của họ. Và câu hỏi bật ra là, ngay cả người lớn, giới làm nghệ thuật cao cấp mà còn “sợ Hàn Quốc” đến thế thì trách gì con, cháu chúng ta? Đặc biệt, ở thời điểm của buổi đấu giá ấy diễn ra, thần đồng piano 5 tuổi người Việt - Evan Le đang cùng gia đình về thăm quê hương, và ở tại Sài Gòn. Nếu thay vì mời cô nghệ sĩ Hàn Quốc vô danh kia, người ta mời Evan Le thì có đạt được sức hút của truyền thông hay không? Xin thưa: Hơn nhiều.

Vâng, đã có một chuẩn mực khác, của thế hệ trẻ, tồn tại một cách mạnh mẽ trong xã hội này. Có thể nó ích kỷ, có thể nó còn nhiều cái chướng tai gai mắt so với các chuẩn mực cũ của cha anh, nhưng nó có quyền được tồn tại. Dễ hiểu, chính cha anh đã góp phần cho chúng tạo dựng ra các chuẩn mực ấy, thì cha anh phải chịu trách nhiệm chủ yếu, chứ không phải chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn