MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những con đò ngày xưa trên phá Tam Giang.

Những con đò ở phá Tam Giang

ĐOÀN HÀO VŨ LDO | 19/11/2016 14:09
Cách thành phố Huế trên dưới ba chục cây số về phía biển, các trường học bên bờ đông phá Tam Giang được xem như vùng “hải đảo” (nhưng không có chế độ), biệt danh “miền lưu đày” do giáo viên tự đặt. 

Theo nghề dạy học bên kia phá Tam Giang thời 1975 - 1990, khi chưa có cầu qua phá, thầy cô phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, sức khỏe mà có thể cả tính mạng của chính mình trong mùa bão lụt. Đời giáo bên bờ đông phá Tam Giang dần như quen thuộc với những chuyến đò ngang, đò dọc. Hồi ấy về trường dạy ở khu Ba Phú Lộc, Ngũ Điền (Phong Điền), vùng Vinh (Phú Vang)… phương tiện chủ yếu là đường thủy. Đi đò dọc từ bến Đông Ba ngay dưới chân cầu Gia Hội, rời bến mười hai giờ trưa, chạy miết không ngừng nghỉ, cập bến cuối ở Phong Hải hay Vinh Hiền lúc trời xế bóng, nhá nhem tối.

Chuyến đò dọc, đò ngang nào cũng nhét khách và hàng hóa lặc lè mới tách bến. Phá Tam Giang mênh mông không thấy bờ, lại hay có giông tố. Nhiều bữa đò hỏng máy, ngày đó máy Kubota hết “đát” hỏng dài dài, đò phải đi (không đèn) trong đêm. Hãi nhất đò đụng vào nò sáo hay cồn cát mắc cạn, gãy chân vịt. Không có phương tiện liên lạc để gọi cứu nạn.

Những ngày 20.11 đầu tiên (sau 1982), hoa tươi không bao giờ có. Đất sản xuất HTX chủ yếu để trồng lúa, khoai sắn rồi đến trồng rau màu. Thế là học trò đến thăm thầy cô (ở nhà tập thể tranh tre nứa lá), tay ôm bó hoa hoang dã còn đẫm sương.

Học trò vùng đầm phá rất đông. Ngày ấy ngư thường đông con, nhưng rất ít đứa được học lên cấp ba. Số tám, chín mươi phần trăm khó khăn chỉ học “biết đọc, biết viết”. Rồi đi học nghề, làm ruộng, trẻ gái thì lấy chồng sớm. Đa số em ra biển đánh cá (nghề truyền thống), theo cha anh đi xa, xa hơn… nửa vòng trái đất.

Các em được lên Huế học cao đẳng, đại học, muôn vàn cơ cực, nhiều bữa đói quá, lại ra đứng tần ngần trên bến Đông Ba, chờ gặp người quen mượn tiền, mua chịu thực phẩm. Vậy mà các em giờ đã là giáo viên THPT, bác sĩ, kiến trúc sư, nhà báo…Số đi xa hơn nửa vòng trái đất trở thành “Việt kiều”. Nhưng dù đi đâu cũng đều nhớ về quê hương, về trường xưa. Ngôi trường THCS An Bằng khang trang đã được xây dựng hoàn toàn bằng tiền của những người Việt làm Nail bên Mỹ.

Mỗi lần cô thầy được chuyển về thành phố, chúng tôi “mở tiệc” chia tay: “Tam Giang đi dễ khó về/ Khi đi trai trẻ, khi về bủng beo”. Buổi đầu ra trường, ai cũng trẻ trung, khỏe mạnh, mới ngoài hai mươi. Đến lúc chuyển về gần nhà, ít nhất đã một tá hay mười mấy năm công tác. Tóc muối tiêu, ốm đau, dặt dẹo. Thế rồi những chuyến đò lại vắng bóng người cũ, đón người mới…

Đầu năm 1990, chiếc cầu đầu tiên bắc qua phá Tam Giang sau đó còn mấy cây cầu nữa. Đường quốc phòng ven biển nối Hải Lăng (Quảng Trị) với Thảo Long (Phú Vang).

Bây giờ dễ dàng vượt phá Tam Giang. Về thăm trường cũ, có lẽ không chỉ riêng tôi bần thần trước bến đò không còn nữa, bỗng dưng mơ hồ nghe như có tiếng gọi: Đò ơi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn