MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng ngày tiễn 3 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh về khu cách ly với họ là niềm vui lớn nhất trong những ngày chiến đấu với COVID-19. Ảnh: Thùy Trang

Những con người quả cảm ở tuyến đầu

Thuỳ Trang LDO | 05/04/2020 16:07

Ngày làm các thủ tục cuối cùng cho 3 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng chuyển qua các đơn vị cách ly sau khi được điều trị khỏi bệnh, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng - vừa bước ra từ ca trực đêm với vẻ mệt nhoài.

Thế nhưng “Cuộc chiến này còn dài, phải tiếp tục chiến đấu. Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân được ra viện” - ông nói ngắn gọn nhưng đầy quyết tâm.

Nhiệm vụ không ai làm thay

Đó là câu nói của bác sĩ Đào Thị Tuý Duyên (sinh năm 1995, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) - một trong năm nhân viên y tế đang túc trực tại một Khung tiếp nhận công dân về nước cách ly ở Đà Nẵng. Vừa ra trường năm 2019, về làm việc tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu được 8 tháng, chị Duyên nhận nhiệm vụ đi chống dịch ở khu cách ly tập trung. Với nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, sức khoẻ cho những công dân về nước thực hiện cách ly 14 ngày, bác sĩ Duyên cũng đã gần 20 ngày chưa về nhà. Cứ sáng chiều hai bận, các nhân viên y tế tại thay bộ đồ bảo hộ kín mít bước vào khu cách ly, kiểm tra thân nhiệt cho từng người, hỏi han xem họ có vấn đề gì về sức khoẻ hay không để kịp thời xử lý.

“Thấy con gái lâu ngày chưa về nhà, lại đi chống dịch nên mỗi lần gọi, mẹ tôi lại rưng rưng nước mắt nhưng lại không dám khóc vì sợ con gái lo lắng. Tôi cũng lo lắm chứ, vì chưa biết bệnh dịch sẽ ra sao” - chia sẻ thật lòng là vậy nhưng chính bác sĩ Duyên lại là một trong những người xung phong đi trước trong đợt chống dịch của thành phố. Bởi, “Chúng tôi còn trẻ, chưa có gia đình lại đang ở trọ nên việc đi trước thay phần cho các đồng nghiệp còn vướng bận con cái, gia đình là điều cần làm” - bác sĩ Duyên nói

Cũng trong tinh thần đó, mặc dù không phải ở khu cách ly hoàn toàn nhưng anh Hoàng Tâm - nhân viên y tế quận Liên Chiểu, người tham gia phòng dịch tại chốt chặn ở cửa ngõ thành phố - cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho chính mình và gia đình về việc có thể bị cách ly bất kì lúc nào vì tiếp xúc với người mắc COVID-19. “Tôi cũng từng tự cách ly 14 ngày do trong quá trình công tác có tiếp xúc với các trường hợp F2, F3 rồi mình thành F3, F4. Nhận nhiệm vụ lần này, tôi nói với mấy mẹ con ở nhà, ba đi thế này là tạm thời tự cách ly, hạn chế về” - anh Tâm tâm sự.

“Không ai có thể thay thế lực lượng y tế lúc này” là lời tâm sự của nhiều y bác sĩ trong suốt thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua. Cũng trên tinh thần đó, từ nhiều tháng nay, các nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cũng đã thực hiện 3 không là không phép, không tắt điện thoại và không ra khỏi thành phố để luôn luôn sẵn sàng nhân lực, kịp thời có mặt khi có lệnh. 

Bác sĩ Trần Công Thông - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi cũng động viên anh em liên tục, bởi không ai có thể làm thay cho ngành y tế lúc này. Và chúng tôi tin mình không đơn độc”.

Các nhân viên y tế tại khu cách ly tập trung Đà Nẵng vẫy tay chào với sự lạc quan dù ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thùy Trang.

Cuộc chiến còn dài

Với những nỗ lực của ngành Y tế Đà Nẵng nói riêng và tất cả lực lượng chống dịch của thành phố nói chung, trưa 27.3, 3 bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh sau 3 tuần điều trị. Mà đề làm được điều đó, bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, bên cạnh việc điều trị các triệu chứng ho, sốt của bệnh nhân, các y bác sĩ còn giúp họ tăng sức đề kháng thông qua việc ăn uống, tạo tâm lý thoải mái.

Việc phải cách ly trong không gian khép kín, trong nhiều ngày đối với bất kì ai cũng sẽ không thoải mái. Vì vậy, hàng ngày các nhân viên y tế đều trò chuyện, động viên họ. Riêng với hai bệnh nhân người nước ngoài, bệnh viện cắt cử một nhân viên có trình độ ngoại ngữ tốt để trao đổi thông tin, vừa giúp bệnh nhân hiểu, tuân thủ các quy định bệnh viện, vừa có thể biết được những tâm tư, nguyện vọng của họ. Không chỉ vậy, Bệnh viện Đà Nẵng còn cử cán bộ Khoa Dinh dưỡng lên trao đổi với các bệnh nhân để hỏi xem họ muốn ăn uống ra sao, liều lượng và các món thế nào để cân nhắc, điều chỉnh việc phục vụ các bữa ăn.

Việc 3 bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng được công bố hết bệnh là tin vui của toàn ngành Y tế. Thế nhưng, với các y bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi vẫn đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc COVID-19 khác, công việc đang còn rất nhiều. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng - cho hay, ban đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ tại khoa cũng rất lo lắng. “Nhưng chúng tôi không lo sợ bởi cuộc chiến còn rất dài. Và, phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân được xuất viện” - bác sĩ Hàm chia sẻ.

Được biết, kể từ ngày tiếp nhận ca bệnh mắc COVID-19 đầu tiên, các y bác sĩ tại khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cũng ăn ở tại bệnh viện bấy nhiêu ngày. Ngay trong sáng nay (27.3), dù cho 3 bệnh nhân xuất viện nhưng bác sĩ Hàm cũng vừa thực hiện xong ca trực đêm, theo dõi 3 bệnh nhân khác. Gương mặt đã thấm mệt, bác sĩ Hàm cho hay: “Gần 3 tuần tôi chưa về nhà. Chúng tôi làm việc và ăn ở tại bệnh viện. Chúng tôi coi đây một mặt trận, một cuộc chiến và sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”. 

Vẫn là những lời chia sẻ ngắn gọn với sự cẩn trọng, bác sĩ Hàm bước vội về khoa cùng những đồng nghiệp, đồng đội của mình tiếp tục cuộc chiến còn rất dài phía trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn