MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nirmal Purja trên đỉnh Everest năm 2019. Ảnh: Nirmal Purja

"Những ngọn núi dạy chúng ta sự khiêm tốn"

Phương Linh LDO | 16/01/2022 15:44
“Tôi là Nirmal Purja, sinh ra ở Nepal. Tôi gia nhập Gurkha khi còn rất trẻ. Tôi là chiến binh Gurkha đầu tiên vượt qua kỳ tuyển chọn vào Lực lượng Đặc nhiệm Vương quốc Anh (UKSF). Tôi đã làm việc trong UKSF trong 10 năm. Năm 2019, tôi quyết định từ bỏ mọi thứ và chinh phục tất cả những đỉnh núi cao trên 8.000m trong 7 tháng'' - nhà leo núi người Nepal chia sẻ. 

Chinh phục 14 "tử địa" trong 189 ngày

Chính thức rời quân ngũ để theo đuổi đam mê, nhà leo núi người Nepal bắt đầu nỗ lực lập kỷ lục từ tháng 4.2019 bằng việc leo lên đỉnh Annapurna I. Tháng 5 năm đó, người đàn ông này tiếp tục chinh phục những ngọn núi khác của Nepal là Dhaulagiri I, Kangchenjunga, Everest, Lhotse và Makalu. Tháng 7, Nirmal đặt chân lên đỉnh các ngọn núi Nanga Parbat, Gasherbrum I, Gasherbrum II, K2 và Broad Peak của Pakistan. Tiếp đó, tới tháng 9, nhóm của anh leo lên ngọn Cho Oyu và Manaslu ở Nepal. Cuối cùng, tháng 10.2019, trên đỉnh núi Shishapangma ở Tây Tạng, nhà leo núi đã hoàn thành hành trình chinh phục thử thách 14 ngọn núi cao trên 8.000m của thế giới trong 189 ngày.

Việc leo lên tất cả 14 ngọn núi cao 8.000m của thế giới là kỳ tích từng được nhà leo núi huyền thoại Reinhold Messner đạt được lần đầu tiên vào năm 1986, sau 7 năm leo núi. Trong khi đó, Nirmal Purja hoàn thành chỉ trong 6 tháng 6 ngày. Để chinh phục từ 1 đến 2 ngọn núi ở độ cao này mỗi năm, các nhà leo núi thường cần có giai đoạn thích nghi và phục hồi kéo dài nhiều tuần, tuy nhiên, nhà leo núi xuất thân từ một trong những lực lượng thiện chiến nhất thế giới đã bỏ qua giai đoạn này. 

“Độ cao trên 8.000m được gọi là vùng tử địa. Bởi vì từ độ cao đó, lượng ôxy quá ít khiến cơ thể con người chết đi theo đúng nghĩa đen. Nhưng đó là sân chơi của tôi và là nơi tôi hoạt động’’ - Nirmal Purja chia sẻ. Anh cho rằng, môn thể thao cực kỳ mạo hiểm như leo núi giúp anh được là chính mình, chân thật và hạnh phúc. 

Xuất thân trong gia đình nghèo khó ở làng Dana hẻo lánh miền trung Nepal, nơi cần tới 4 ngày để đi bộ đến con đường gần nhất. Năm Nirmal Purja lên 5 tuổi, gia đình chuyển đến Chitwan, miền nam Nepal, xa rời những ngọn núi cao. Cha và 2 anh trai đều là binh sĩ lực lượng thiện chiến người Nepal Gurkha, Nirmal Purja trưởng thành cũng tiếp bước gia đình gia nhập lực lượng và đến vương quốc Anh năm 20 tuổi.

Sau một thời gian dài tôi luyện trong quân ngũ, chiến binh Gurkha người Nepal tiếp tục vượt qua quá trình tuyển chọn khốc liệt khác để gia nhập đơn vị tinh nhuệ UKSF của Hải quân Anh. “Tôi đã phá vỡ rào cản để trở thành Gurkha đầu tiên tham gia UKSF" - anh nói. 

Mải miết làm nhiệm vụ của một chiến binh, tới năm 29 tuổi, Nirmal Purja mới thực sự bắt đầu bén duyên với bộ môn leo núi trong dịp nghỉ phép 2 tuần. Dùng khoản vay ngân hàng 20.000 USD làm lộ phí, chiến binh người Nepal tiếp tục lên đường trải nghiệm lần đầu tiên ở đỉnh Everest. Anh đến trại căn cứ vào cuối mùa leo núi nên có ít thời gian để thích nghi. Khi đến Trại II của Everest, anh quyết định đẩy mục tiêu lên cao thêm 150m chỉ để kiểm tra phản ứng của cơ thể với độ cao và bị phù phổi do độ cao. Sau này, nhà leo núi người Nepal thừa nhận đã đánh giá quá cao bản thân trong lần đầu leo lên đỉnh Everest. Kể từ chuyến đi đầu tiên đó, Purja nắm bắt cơ hội leo núi bất cứ khi nào có thể. Càng leo lên cao, anh càng nhận ra sở trường và đam mê chinh phục độ cao của mình.

Nirmal Purja trên đỉnh Gasherbrum II. Ảnh: Nirmal Purja

Từ bỏ làm James Bond đời thực

Năm 2019, sau khi nảy ra ý tưởng thành lập "Project Possible" để chinh phục 14 ngọn núi cao 8.000m của thế giới, Purja chính thức từ bỏ công việc "như một James Bond thực thụ", với "phút trước lao ra khỏi máy bay, phút sau lặn ngụp dưới nước và phút thứ 3 là bước vào trận chiến". Bởi quyết định xuất ngũ quá đột ngột của Nirmal Purja, anh trai của chiến binh người Nepal tức giận tới mức không nói chuyện với em trai suốt 3 tháng.

"Đó là công việc mơ ước của tôi, nhưng tôi đã từ bỏ một công việc mơ ước của mình để thực hiện một công việc mơ ước khác và để thay đổi thế giới theo một cách khác” - Nirmal Purja chia sẻ về quyết định táo bạo của mình.

Nhà leo núi người Nepal luôn tin rằng, không có điều gì là không thể. Anh bảo: “Tôi không thể là Albert Einstein hay Usain Bolt nhưng họ cũng không thể là tôi. Trong lĩnh vực mà mình mạnh nhất, tôi muốn phá hoàn toàn mọi kỷ lục và chứng minh những gì có thể cho nhân loại”. 

Trong suốt khoảng thời gian chinh phục 14 đỉnh núi cao trên 8.000m, Nirmal Purja và đồng đội phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy rình rập: Những đoạn đường băng rơi, tuyết dưới chân sạt lở, say độ cao, tê cóng, xuất huyết võng mạc, bão tuyết và gió đủ mạnh để cuốn bay người. Nhà leo núi Purja từng bị chứng phù phổi đe dọa tính mạng, một lần trượt chân xuống sườn núi Nanga Parbat suýt chết và hai lần bị vùi lấp trong tuyết lở ở Annapurna và Shishapangma.

Những người leo núi lên tới độ cao 8.000m phải có niềm tin rất lớn vào bản thân để nỗ lực hết sức, nhưng phải cực kỳ khiêm nhường để tồn tại. “Điều ý nghĩa nhất mà những ngọn núi dạy cho chúng ta là sự khiêm tốn. Bạn không bao giờ có thể lớn hơn một ngọn núi. Những ngọn núi cao luôn đứng hiên ngang, bất chấp thời tiết hay bão tố. Nó rất trung lập. Chúng ta là con người, chúng ta có cảm xúc, chúng ta có tất cả mọi thứ. Chúng tôi có rất nhiều điều để học hỏi từ những ngọn núi’’ - Nirmal Purja cho hay.

Nỗ lực đạt đến những điều dường như là không thể. Ảnh: Nirmal Purja

Trong quá trình chinh phục, nhà leo núi người Nepal luôn nắm vững được hai thái cực tinh thần: Hoàn toàn tin tưởng vào bản thân và khả năng ra quyết định của mình, và khả năng phán đoán về những ngọn núi. “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khám phá cơ thể, những giới hạn của bản thân, những gì có thể làm và những gì không thể làm” - anh nói.

Với thành tựu đạt được, giảm kỷ lục leo 14 ngọn núi trên 8.000m từ 2.900 ngày xuống chỉ còn 189 ngày, Nirmal Purja làm thay đổi lĩnh vực leo núi, làm được điều mà mọi người đều nói là không thể. "Đây là những gì tôi đã làm. Tôi ở đây để phá vỡ ranh giới: Đó là sứ mệnh của tôi. Khả năng và nỗ lực của con người: Đó là sứ mệnh của tôi” - Purja khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn