MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Phương Đông và các đồng nghiệp hướng dẫn khách lặn biển tại đảo Phú Quý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những người làm hướng dẫn viên du lịch dưới đáy biển

Diệu Mi LDO | 14/04/2024 10:00

Yêu biển, thích khám phá đại dương, nhiều người trẻ đã chọn trở thành hướng dẫn viên lặn biển để thỏa mãn đam mê. Đây cũng là công việc tiềm năng khi xu hướng lặn biển ngày càng phổ biến và được giới trẻ yêu thích.

Anh Đỗ Trường Lập (30 tuổi), sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Đà Nẵng. Thời gian trước anh làm trong ngành du lịch, thường đặt tour, phòng khách sạn cho khách. Song từ năm ngoái, khi thấy các hoạt động thể thao dưới nước, nhất là bộ môn lặn biển ngày càng sôi động, phổ biến tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP Đà Nẵng... anh Lập quyết định xin nghỉ việc để học làm hướng dẫn viên lặn biển.

Để làm công việc này, có kỹ năng bơi lội thuần thục là chưa đủ, anh Lập học thêm các khóa lặn được đào tạo bày bản tại Hiệp hội lặn biển quốc tế (SSI) để biết cách xử lý những tình huống, giữ an toàn khi lặn dưới nước. Vào mùa cao điểm lặn biển từ tháng 5 đến tháng 9, trung bình mỗi ngày anh nhận 2 tour lặn biển, mỗi tour thường kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Đồng hành cùng anh còn có nhóm bạn khoảng 3 người để hướng dẫn khách sử dụng kính lặn có ống thở, làm quen với chân vịt, cách đạp chân, bơi và đứng nước, nạp oxy và thở phục hồi... Đồng thời, anh cũng theo sát khách lúc lặn và quay lại video về chuyến đi, hình ảnh khách bơi lội dưới đáy biển.

Tại Đà Nẵng, địa điểm được giới lặn biển yêu thích là bãi biển Mân Thái hoặc khu vực Hòn Sụp, những nơi có các rạn san hô đẹp và nước trong ở độ sâu từ 2 - 4 mét so mặt nước biển, thích hợp cho loại hình free diving (lặn tự do).

Khi đưa khách đi “du lịch” dưới đáy biển, anh thường dặn họ tránh chạm vào những sinh vật như san hô, các loài hải sinh. Nếu tò mò, bẻ hoặc chạm vào san hô thì có thể sẽ bị cứa đứt tay, chân, đồng thời gây ảnh hưởng xấu cho môi trường biển. Bên cạnh đó, khách du lịch được khuyến cáo không sử dụng kem chống nắng có thành phần oxybenzone và octinoxate vì những chất hóa học này có mức độ gây hại cho rạn san hô rất cao.

Do công việc đặc thù liên quan đến thời tiết trên biển nên những tháng từ 11 đến tháng 2, biển Đà Nẵng xấu hơn, anh Lập sẽ chuyển sang những công việc khác để đảm bảo thu nhập.

“Để khách có thể quay lại đặt dịch vụ lặn biển nhiều lần, mình thường đi khám phá những địa điểm mới, các nơi có biển đẹp để mang đến trải nghiệm mới, hay ho hơn cho khách hàng”, anh Lập chia sẻ.

Bùi Phương Đông (28 tuổi), đang làm dịch vụ du lịch tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), cũng bén duyên với công việc hướng dẫn viên lặn biển tự do từ năm ngoái.

Theo Đông, để trở thành một hướng dẫn viên lặn biển, ngoài kỹ năng bơi lội thuần thục và các chứng chỉ lặn quốc tế, anh còn học thêm chứng chỉ cứu hộ cứu nạn trên biển.

“Tố chất cần có của một hướng dẫn viên lặn biển là có sức khỏe, kỹ năng lặn tốt, và có kỹ năng quan sát, đánh giá tình huống chính xác. Bởi khi dẫn tour, mình phải lặn nhiều và nâng đỡ khách, đảm bảo an toàn về con người khi dưới nước”, Đông cho hay.

Ngoài hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho khách, các hướng dẫn viên sẽ chụp ảnh, quay lại những thước phim đẹp dưới đáy đại dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong quá trình dẫn tour, Đông gặp nhiều trường hợp khách bị chuột rút. “Đó cũng là khó khăn của mình khi làm nghề này. Do vậy, tour sẽ theo hình thức một kèm một để dễ quan sát, theo dõi khách. Nếu họ gặp tình huống nguy hiểm nào đó, mình sẽ kịp thời xử lý hay tức khắc”, chàng trai cho biết.

Mùa cao điểm lặn biển của đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) rơi vào tháng 3 - 10. Trung bình mỗi ngày nhóm của Đông chỉ nhận tối đa 5 khách lặn biển/ ngày để đảm bảo chất lượng và an toàn. Tùy theo hướng gió mà du khách sẽ được trải nghiệm lặn biển tại Bãi Lăng hoặc Bãi Cạn, nơi có những rạn san hô và vẻ đẹp riêng biệt. Giá mỗi tour lặn tự do là 1,5 triệu đồng/ người. Ngoài thời gian trên, khi vào mùa mưa bão, Đông cũng sẽ chủ động làm công việc khác để có nguồn thu chăm lo cho gia đình.

Với góc nhìn của Đông, hướng dẫn viên du lịch dưới nước, ngoài đòi hỏi sức khỏe và kỹ năng tốt, khả năng chụp ảnh, quay video cũng rất cần thiết để tạo nên những thước phim đẹp cho khách.

Anh Đỗ Trường Lập, ngụ tại TP Đà Nẵng bén duyên với công việc hướng dẫn viên lặn biển được 1 năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những hướng dẫn viên lặn biển như anh Trường Lập và Phương Đông cho rằng, hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ thích khám phá những thú vui mới, lặn biển mang lại cho họ cảm giác tự do hơn, thỏa thích thư giãn và rèn luyện sức khỏe trong làn nước trong xanh sau những ngày làm việc căng thẳng.

Ngoài ra, thiên nhiên dưới đáy đại dương vẫn còn là một ẩn số với nhiều người, họ thích tò mò, nhìn ngắm các rạn san hô nhiều màu sắc, những đàn cá bơi lượn tung tăng mà trước giờ chỉ nhìn thấy trên màn ảnh. Chưa kể, khi đi lặn biển, du khách cũng được chụp hình, quay video ghi lại khoảnh khắc rất đẹp trong làn nước trong xanh, được nhiều bạn bè trên mạng xã hội bấm like.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn