MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân nhân dân then Mỗ Thị Kịt (100 tuổi). Ảnh: Phan Huy

Những người nắm giữ di sản

ThS Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) LDO | 28/08/2022 10:46
Nghệ nhân giữ vai trò chủ chốt trong việc kế thừa, thực hành, truyền dạy và tái sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể. Từ trong lịch sử tới hiện tại, nghệ nhân chính là người hằng ngày tham gia vào công cuộc lưu giữ và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân: họ là ai?

Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2003) của tác giả Hoàng Phê giải thích: Nghệ nhân là người chuyên biểu diễn một bộ môn nghệ thuật hoặc chuyên làm một nghề thủ công mỹ nghệ, có tài nghệ cao.

Theo TS Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hóa: Nghệ nhân là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể. Trong truyền thống nghệ nhân còn là người được cộng đồng thừa nhận, còn trong môi trường có trình độ cao thì nghệ nhân là người có trình độ rất cao về kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ và còn cả về đạo đức tốt trong lối sống, thực hành di sản.

Về đặc điểm của nghệ nhân, TS Phạm Cao Quý cho rằng nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể là người được sinh ra, lớn lên trong môi trường các di sản văn hóa phi vật thể, được thực hành qua nhiều thế hệ. Họ được tiếp cận với di sản từ nhỏ, được học và thực hành hàng ngày nên họ luôn tâm niệm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ những gì thuộc về mình, của cộng đồng họ.

Từ lưu giữ...

Với đặc điểm được sinh ra trong cái nôi di sản, nên đa phần các nghệ nhân đều được tiếp cận với di sản văn hóa phi vật thể từ khi còn nhỏ. Trường hợp di sản Then của người Tày, Nùng, Thái, các nghệ nhân đều được tắm mình trong những câu then điệu tính từ khi còn nằm trên nôi. Nghệ nhân Chu Văn Minh - thầy Then ở thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi là người Nùng, trong gia đình tôi thì có bà ngoại làm thầy then, vậy nên tôi đã được nghe và xem bà ngoại làm từ lúc còn rất nhỏ, cứ như vậy then ngấm vào tâm hồn của tôi. Từ khi lên 5, 6 tuổi tôi đã bập bẹ hát then theo bà, này tôi lại được bà ngoại truyền nghề làm then, nên với tôi then là niềm đam mê cũng là trách nhiệm với tổ nghề.

Nghệ nhân là người nắm giữ di sản, hàng ngày họ thực hành di sản với mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa cha ông để lại. Nghệ nhân nhân dân Mỗ Thị Kịt sinh năm 1921, quê ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là người đã có hơn 80 năm làm nghề then, trong suốt hành trình hơn ¾ thế kỷ đó, then Kịt đã có công lưu giữ lời then tiếng tính của người Tày, Nùng vượt qua bao biến thiên của lịch sử. Đến nay mặc dù đã bước qua tuổi 100 nhưng nghệ nhân Mỗ Thị Kịt vẫn thực hành then trong những dịp đại lễ.

Quá trình lưu giữ then của nghệ nhân Mỗ Thị Kịt còn thể hiện thông qua việc truyền nghề cho các đệ tử, hiện nay bà có hơn 10 đệ tử, các đệ tử của bà nhiều người đã thành danh và tiếp tục đồng hành cùng then Kịt trong hành trình lưu giữ di sản then. Với những cố gắng của then Kịt và các đệ tử, dòng then của bà đã trở nên nổi tiếng, được bà con trong và ngoài địa phương tín nhiệm.

Về vai trò lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể của các nghệ nhân, TS Phạm Cao Quý khẳng định: “Nghệ nhân với ý nghĩa là cá nhân hoặc cộng đồng thực hành, nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong việc duy trì di sản văn hóa phi vật thể. Việc duy trì này không chỉ hiểu đơn thuần là giữ gìn những gì vốn có của di sản văn hóa phi vật thể như giữ các di sản văn hóa phi vật thể vật thể mà đó phải là vừa giữ gìn, thực hành, sáng tạo, làm giàu vốn di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và văn hóa nói chung”.

... đến nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể

Các nghệ nhân khi được truyền lại di sản văn hóa phi vật thể sẽ sử dụng tư duy, kiến thức và sự sáng tạo để thực hành và làm giàu hơn vốn di sản truyền thống. Đặc điểm của văn hóa phi vật thể là truyền miệng, mỗi người trình diễn theo một phong cách riêng nên tính cá nhân được thể hiện rất rõ nét.

Nghệ nhân then Nguyễn Văn Thọ - huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nổi danh là một thầy then giỏi nghề, mỗi lần thực hành anh đều có những ứng tác cho phù hợp với bối cảnh nghi lễ. Bởi vậy nên những buổi thực hành then do then Thọ diễn xường thường thu hút được sự quan tâm và yêu thích của đồng bào, không chỉ người già mà cả các thế hệ trẻ.

Đánh giá về khả năng nâng tầm và sáng tạo di sản, TS Phạm Cao Quý nhận định: “Thường thì những nghệ nhân uyên thâm nghề sẽ mềm dẻo, linh hoạt hơn trong việc thực hành các kỹ năng, kỹ thuật so với những người nắm giữ ít vốn văn hóa, tri thức đó. Họ là người có nhiều “ngón nghề” trong thực hành di sản. Hay nói cách khác, họ làm chủ thực hành di sản tốt hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có tính đột biến, đột xuất thì người nắm giữ ít hơn vẫn có thể mềm dẻo, linh hoạt, trình độ cao trong ứng tác hơn. Trường hợp này không quá phổ biến”.

Ngoài việc sáng tạo trong quá trình thực hành di sản, các nghệ nhân còn là người tham gia nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2021, một công trình Từ điển văn hóa then (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2021) của người Tày, Nùng được xuất bản, theo các tác giả Hoàng Việt Bình và Lý Viết Trường thì để hoàn thành được công trình đó họ đã nhận được sự trợ giúp đắc lực của rất nhiều nghệ nhân then.

Mạng xã hội phát triển với các loại hình không gian tương tác như Facebook, Zalo đã là nơi để các nghệ nhân quảng bá di sản. Nghệ nhân then Hằng - huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn trong các buổi thực hành lễ thường phát trực tiếp (live stream) trên Facebook. Trong quá trình hành lễ nghệ nhân kết hợp giao lưu với khán giả, giải thích những thắc mắc liên quan đến hệ thống lễ nghi, lễ vật... giúp cho người xem hiểu thêm về loại hình di sản này.

Nâng tầm di sản từ loại hình văn hóa truyền thống trở thành một môn nghệ thuật cũng được các nghệ nhân quan tâm, nhiều bài hát được đặt lời, cải biên từ kho tàng di sản. Nhiều trích đoạn hay của di sản được các nghệ nhân chọn lọc, chỉnh sửa để đưa lên sân khấu biểu diễn.

Nghệ nhân then Hoàng - thành phố Lạng Sơn là người đã có công đưa nhiều trích đoạn then hay từ di sản then lên sân khẩu, trong đó tác phẩm “Cho sluông” (gọi phu đò) đã dành được giải cao trong các cuộc liên hoan hát then toàn quốc. Trên nền tảng Youtube, video clip “Cho sluông” do then Hoàng biểu diễn cũng nhận được sự quan tâm của hàng trăm nghìn lượt xem. Tác phẩm “Pủ sang pủ lường” (Bù kho lương) cũng là một trích đoạn trong di sản then, khi nghệ nhân then Thọ cải biên đưa lên sân khấu và Youtube cũng đã thu hút được hàng triệu lượt xem.

Như vậy nghệ nhân là những bảo tàng sống, họ đang từng ngày lưu giữ, thực hành và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể. Những hoạt động của nghệ nhân không chỉ bảo vệ di sản, mà còn giúp cho di sản sống trong đời sống đương đại. Vậy nên tôn vinh nghệ nhân, giúp cho nghệ nhân có điều kiện thực hành di sản là cách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thiết thực và hiệu quả nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn