MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những “thí sinh vàng” Olympic quốc tế du học và không quay lại?

Thanh Thanh LDO | 31/07/2017 15:32
2017 là một dấu mốc đặc biệt của đội tuyển Việt Nam khi tham dự Olympic quốc tế. Đội tuyển Toán, Lý, Hóa của Việt Nam năm nay đều đạt được kết quả cao nhất trong lịch sử tham dự Olympic Toán quốc tế. Trao đổi với báo chí về thành tích xuất sắc mà mình đã đạt được, nhiều thí sinh không ngại chia sẻ việc các em đã giành được học bổng và sẽ đi du học nước ngoài. Điều đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi: “Sau khi các em đi du học có trở lại Việt Nam và cống hiến cho tổ Quốc?”.
Có thể thấy, câu chuyện nhiều thí sinh tham dự Olympic quốc tế đoạt Huy chương Vàng hay những nhà vô địch cuộc thi Olympia, sau khi đi du học thường ở lại nước ngoài định cư là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Phải chăng chúng ta chưa có những chính sách thu hút nhân tài? Hay việc sử dụng nhân tài của Việt Nam đang có vấn đề? Làm sao để người tài quay về cống hiến cho đất nước?
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có buổi trò chuyện cùng GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Thưa GS.TS, trong những năm qua, đoàn Việt Nam tham dự Olympic quốc tế đều đạt rất nhiều HCV. Như năm nay, cả 3 đoàn Toán, Lý, Hóa của chúng ta đều đoạt thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic. Đó hẳn là những con số “biết nói” khiến nhiều nước trên thế giới phải nhiều phần kính nể chúng ta. Tuy nhiên, không ít người đặt ra câu hỏi, sau khi đi du học những nhân tài đoạt HCV này thường định cư ở nước ngoài chứ không quay lại cống hiến cho đất nước. GS.TS suy nghĩ gì về điều này?
- Mỗi lần nghe tin các thí sinh Việt Nam tham dự Olympic giành được kết quả cao, tôi rất vui mừng và hãnh diện. Điều đó chứng tỏ trí tuệ của người Việt trên đấu trường quốc tế. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều thí sinh giỏi như thế, có nhân tài thì sợ gì đất nước không phát triển?
Đương nhiên, ai cũng hy vọng những nhân tài sẽ trở thành cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Thế nhưng, thực tế ai cũng nhìn thấy là những người tài của chúng ta lần lượt “đầu quân” cho các công ty lớn, các trường ĐH lớn trên thế giới.
Vì sao vậy? Vì các nước phát triển trên thế giới họ hút đươc nhiều người t ài với những chính sách đãi ngộ cực lớn, đảm bảo việc nhân tài có cơ hội phát triển năng lực với mức lương xứng đáng.
Nếu Việt Nam cần nhân tài thực sự, tạo động lực để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế thì nên có những chính sách cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện cho nhân tài quay về.
Theo GS.TS tại sao nhiều nhân tài có xu hướng đi rồi sẽ không quay về?
- Câu chuyện thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, những nhân tài làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, họ rất cần máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm mà nhiều khi về nước không có.
Theo tôi được biết, có rất nhiều du học sinh muốn quay về nước để được gần gia đình, được cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, khi quay trở về họ không có điều kiện phát triển năng lực một cách tốt nhất.
Đó là chưa kể, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn sự nhìn nhận thiếu công bằng với những tri thức trẻ. Rồi hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong công tác, bổ nhiệm, tuyển chọn những người có năng lực thực sự đang trở thành rào cản với những tri thức trẻ. Điều đó đã khiến không ít người băn khoăn, lo lắng, liệu mình có thể chiến thắng trong cuộc đua “không công bằng” này không?
Tại nhiều cơ quan hiện nay, môi trường làm việc ở Việt Nam tồn tại nhiều tiêu cực, giỏi quá thì bị ghen ghét, đố kỵ, hãm hại nên nhiều tri thức thực sự thấy chán nản. Đó chính là hệ lụy của việc chúng ta không quản lý sát sao đội ngũ nhân sự của mình để bộ máy ì ạch vì những kẻ lười biếng mà vẫn hưởng thụ thành quả. Điều đó tạo sự bất công bằng.
Theo tôi, đến lúc chúng ta phải làm cuộc cách mạng thực sự để thu hút nhân tài. Kỷ luật lao động cần phải được nâng cao, hưởng thành quả theo năng suất lao động chứ không có chuyện “sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về” mà vẫn hưởng lương như những người làm chăm chỉ từ sáng đến tối được. Những người tri thức, nhất là người hoạt động trong lĩnh vực khoa học họ không chấp nhận việc trong bộ máy có những “cây tầm gửi” để cả bộ máy trở nên ì ạch, quan liêu.
Nhiều người cho rằng “ở lại nước ngoài định cư, không chịu cống hiến cho Tổ quốc là không yêu nước”. GS.TS suy nghĩ gì về điều này?
- Tôi không đồng ý với quan điểm ấy. Đâu cứ phải về nước làm việc mới khẳng định tình yêu nước. Dù những nhân tài của chúng ta định cư ở nước ngoài, tên tuổi họ gắn với những tập đoàn lớn danh tiếng thì họ vẫn là người Việt. Họ vẫn làm rạng danh và khẳng định trí tuệ Việt trên đấu trường quốc tế. Họ vẫn ngày đêm nghiên cứu để cống hiến cho nhân loại cơ mà.
Chúng ta đừng kỳ thị những nhân tài Việt định cư ở nước ngoài. Hơn ai hết tôi hiểu rằng, có nhiều người muốn về cống hiến cho Tổ quốc nhưng điều kiện của chúng ta chưa đủ để họ có thể phát triển và khẳng định bản lĩnh của mình!
Xin cảm ơn GS.TS về cuộc trò chuyện!
Chỉ cần trái tim, khối óc ở Việt Nam

Vui mừng trước việc Việt Nam bội thu huy chương Olympic quốc tế nhiều người chợt “chạnh lòng” bởi hầu hết các nhân tài ấy sau đó lại tiếp tục đi du học và ít người quay trở về nước để cống hiến. Câu chuyện đầy trăn trở và muôn thuở về chính sách đãi ngộ cho người tài, chuyện “chảy máu chất xám” luôn là những câu chuyện dài chưa có lời kết.
Phạm Văn Hạnh - chàng trai “vàng” của Tin học Việt Nam có lẽ là “của hiếm” trong số các tài năng giành huy chương Olympic quốc tế vẫn chăm chỉ học hành tại Việt Nam. Mặc dù sở hữu một hồ sơ với nhiều thành tích cao: Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế  2015 (IOI); Vô địch Olympic Tin học sinh viên Việt Nam 2 năm 2015, 2016; Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương 2015 (APIO); Giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm 2015, Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm lớp 11; Huy chương Vàng kỳ thi học sinh giỏi các tỉnh Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm lớp 10... nhưng Hạnh vẫn quan niệm những đất nước khác chỉ là nơi để mình khám phá, tận hưởng thôi, còn để gắn bó lâu dài vẫn là quê hương đất nước mình.
Với phương châm, đừng quan tâm xung quanh đang có bao nhiêu người cạnh tranh với bạn, chàng sinh viên năm 2, Ðại học Công nghệ, Ðại học Quốc gia Hà Nội luôn cố gắng nỗ lực trong việc học tập và trau dồi kiến thức dýới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, sự cổ vũ, động viên và sát cánh bên cạnh của gia đình. Chính từ nỗ lực đó, chýa kết thúc năm học thứ 2, Hạnh đã xuất sắc vượt qua các vòng thi cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh ở các quốc gia khác để được cả hai tập đoàn danh tiếng là Google và Facebook chọn lựa vào thực tập. Ðây là dịp để Hạnh bồi dưỡng thêm kỹ năng và cũng mở cho em nhiều cơ hội làm việc, du học. Thế nhưng, với Hạnh, việc học tập và làm việc ở Việt Nam vẫn là cái đích em muốn hướng tới: “Nếu sau này, tôi được nhận vào làm việc chính thức tại các tập đoàn danh tiếng như Google và Facebook thì đó sẽ là một sự rất tốt về cả môi trường làm việc và cả về quyền lợi, chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên. Tuy nhiên, sau khi học xong, ngoài việc đi làm kiếm tiền, tôi còn phải tính đến xây dựng gia đình. Lúc đấy ở trong nước sẽ là lựa chọn tốt hơn. Vì thế, nếu tôi được nhận làm chính thức thì tôi cũng không chắc chắn sẽ chấp nhận mặc dù đó là môi trường rất lớn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố để cân nhắc. Dù sao, tôi vẫn luôn quan niệm rằng, sống ở một môi trường văn hóa, xã hội như Việt Nam cũng rất tốt và những đất nước khác chỉ là nơi để mình khám phá, tận hưởng thôi, còn để gắn bó lâu dài vẫn là đất nước mình”, Hạnh cho biết.
Còn đối với Đinh Thị Hương Thảo - chủ nhân của 2 Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế 2 năm liên tiếp, người vừa được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá với mức hỗ trợ tài chính lên tới 6,3 tỉ đồng trong 4 năm học - lại quan niệm: Thanh niên Việt Nam có thể cống hiến cho đất nước từ khắp nơi trên thế giới chứ không nhất thiết phải sống trong nước mới là cống hiến. Thảo từng rất thẳng thắn chia sẻ: “Một số người nói đi thi học sinh giỏi quốc tế là mọt sách, chẳng có đóng góp gì cho đất nước. Cũng có người nói là du học sinh đi rồi là không trở về, đất nước mất nhân tài. Thế nhưng em nghĩ đi du học để tích lũy kiến thức và thử thách bản thân và chờ đến khi có đủ năng lực để thể hiện trong lĩnh vực mà mình theo đuổi”.
Cô gái gốc Nam Định tâm sự: “Việc du học sinh có trở về Việt Nam hay không, theo em không bó hẹp trong phạm vi là thân thể ở Việt Nam mà là trái tim, khối óc ở tại Việt Nam”.
Cũng trong tâm trạng tương tự, Nguyễn Thế Quỳnh (lớp 12 chuyên Lý trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) - chàng trai vừa giành cú đúp Huy chương Vàng (HCV) Olympic Vật lý quốc tế năm 2016, 2017 - đang tràn đầy hy vọng khi đăng ký học lớp tài năng ngành Vật lý học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và ấp ủ giấc mơ du học. Với Quỳnh: “Em chưa biết khi đi du học có trở về Việt Nam để làm việc nữa hay không nhưng ước mơ cống hiến cho đất nước thì vẫn luôn cháy bỏng”. TUỆ NHI

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn