MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những thông điệp đời thường

HÀ QUANG MINH LDO | 24/07/2016 07:33
Tôi hay có thói quen đi bộ quanh mấy phố gần văn phòng mỗi khi cảm thấy đầu óc căng thẳng, cần nạp lại năng lượng hay kiếm tìm những ý tưởng mới. Và đã thành thói quen, mấy tháng nay rồi, tôi luôn chọn con đường phía bên tay trái cửa văn phòng.

Đơn giản, tôi thích đi ngang qua một công trường đang xây dựng, được rào kín bằng những lớp tole, vệ sinh, sạch sẽ. Không phải tôi ấn tượng với một công trường xây dựng vệ sinh và sạch sẽ, mà thực chất, tôi bị cuốn hút bởi một thứ khác: Một tấm biển thông báo.

Ngay trước lối ra vào công trường đó, một tấm biển được dựng lên, với hình vẽ một người bảo vệ, mỉm cười. Đính kèm với hình vẽ ấy là một thông điệp ngắn gọn, nhưng ý nghĩa: “Chúng tôi vô cùng cáo lỗi về những phiền phức đã gây ra cho bạn trong quá trình thi công. Xin cảm ơn nhiều vì đã thông cảm”.

Tôi cảm giác đó là một tấm biển thông báo lạ lùng, hiếm hoi và có thể nói là duy nhất mà tôi đã từng gặp giữa những đô thị Việt Nam ngày một ồn ào, đông đúc hơn và bắt đầu có những công trình xây dựng với mật độ dày đặc hơn. Tôi tự đặt ra câu hỏi: “Thật ngạc nhiên khi mà người ta xây dựng trên phần đất người ta được cấp quyền sử dụng, nhưng người ta vẫn có một lời cáo lỗi lịch sự cho bất kỳ ai đi ngang qua công trình dở dang ấy”. Đó là một nếp nghĩ rất khác với những nếp nghĩ của người Việt hôm nay. Chúng ta vẫn thường cho rằng, cái gì trong phạm vi của mình, không trái pháp luật, không trái với luân thường đạo lý, ta cứ mặc nhiên có quyền thực hiện hành động mà mình mong muốn. Chúng ta quên mất rằng, mình vẫn tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với những người xung quanh và từ đó, chúng ta quên luôn thói quen quan tâm đến cảm xúc của người khác. Tấm bảng thông báo kia đã nhắc tôi nhớ ra rằng, mình cũng là một trong những kẻ hay quên như thế, và nó nhắc tôi rằng, dù bất kỳ lý do nào đi nữa, ở bất kỳ giới hạn riêng tư nhất nào đi nữa, hành vi của chúng ta dứt khoát vẫn có tác động đến một bộ phận khách quan nào đó. Và đó cũng là lúc ta cần nói một lời xin lỗi lịch sự, vừa đủ tạo thiện cảm đối với những khách quan xung quanh kia.

Cách đây mấy hôm, tôi dự một hội thảo ở Bali, và điều đập vào mắt tôi khi nhận phòng ở một khách sạn lớn là một tấm bìa nhỏ, đặt trên bàn. Nó có nội dung nôm na rằng: “Hãy gìn giữ đất mẹ. Mỗi ngày chúng ta sử dụng hàng triệu galons nước và luôn nghĩ rằng, nước lúc nào cũng có sẵn cho mình dùng. Hãy nhớ rằng, những tấm drap trải giường của bạn được thay mỗi ngày và nó cũng làm tiêu tốn rất nhiều nước để giặt sạch. Vậy hãy suy nghĩ kỹ nếu bạn muốn thay drap khi nó còn chưa bẩn. Bạn hoàn toàn có quyền quyết định. Chúc bạn vui vẻ ở Bali”. Thực tế, có thể sẽ có người giải thích rằng đó là một thông điệp để “nại cớ” cho việc “lười thay drap” song tôi không nghĩ vậy. Nếu bạn yêu cầu, nhân viên khách sạn có thể thay drap 2 lần mỗi ngày cho bạn với nụ cười luôn trên môi. Và khách sạn ấy cũng nhắn nhủ rằng, “bạn hoàn toàn có quyền quyết định”, có nghĩa là họ không nề hà chuyện thay drap cho ta mà thực ra, họ quan tâm đến môi trường, nhất là khi Bali là một nơi nghỉ dưỡng thiên nhiên. Nhưng mục đích của họ có là gì đi nữa thì ta không thể phủ nhận rằng, tấm bìa thông báo kia chuyển tải một thông điệp rất dễ gần. Nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, về cái cách chúng ta truyền tải thông tin cho nhau ngày hôm nay, nhất là ở những việc liên quan đến hành vi công cộng.

Chúng ta thấy nhiều bảng thông báo mang đầy mệnh lệnh ở các đô thị Việt Nam. “Cấm đổ rác”; “Cấm giẫm lên cỏ”; “Cấm sờ vào hiện vật”; “Tắt đèn khi ra khỏi phòng”…, những câu mệnh lệnh thức ấy hoàn toàn chỉ giải quyết được một vấn đề duy nhất: yêu cầu người ta thực hiện một hành vi hoặc ngăn cản người ta thực hiện một hành động nào đó. Và thực chất, con người là một chủ thể có cái tôi riêng, nên không ai muốn nghe lệnh cả. Họ muốn những thông điệp gần gũi, mềm mại, lịch sự và thậm chí là tương đối sâu sắc, khiến họ phải suy tư một chút khi đọc. Nhưng chính những thứ khiến họ suy tư ấy lại luôn được họ nhớ lâu, bởi nó tạo ra ấn tượng mạnh ban đầu. Mà một khi chúng ta muốn yêu cầu người ta làm gì đó, chúng ta luôn mong mỏi họ nhớ đến yêu cầu của mình. Thông điệp được nhớ tới, điều đó có nghĩa là yêu cầu của chúng ta đã thành công.

Nếu tấm bảng thông báo ở công trường kia là “Tránh xa nơi thi công” thay vì lời xin lỗi nhẹ nhàng, lịch lãm và tấm bìa trong khách sạn nọ lại là “Chỉ được giặt drap 1 lần mỗi hai ngày vì khan hiếm nước”, chắc chắn tôi sẽ không có ấn tượng nào cả. Nhưng khi những mệnh lệnh thức được chuyển tải trở thành những thông điệp, có ý niệm đầy đủ, tôi đã ghi sâu những thông tin đó, thậm chí là cảm thấy lý thú với nó. Và nếu bạn muốn kiểm chứng về tấm biển xin lỗi ở công trường kia, bạn có thể đi qua số nhà 22-26 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM. Bạn nên qua đó một lần, để ít nhất, bạn hiểu rằng khi cần, bạn sẽ truyền đạt điều mình muốn, trên những thông báo công cộng, bằng một thông điệp thực sự ý nghĩa chứ không chỉ là những mệnh lệnh khô khốc nhàm chán và vô hồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn