MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp Thủ Thiện có niên đại khoảng thế kỷ XII. Ảnh: NGUYỄN TRI

Nỗ lực giữ hồn cốt văn hóa Champa

nguyễn tri LDO | 10/05/2020 09:00
Bình Định là một trong những địa phương còn lưu giữ khá nhiều di tích về nền văn hóa Champa. Nổi bật trong số đó phải nói đến hệ thống di tích các tháp Chăm cả nghìn năm tuổi. Đó là cả một kho tàng kiến thức về kiến trúc và nghệ thuật Champa độc đáo qua từng giai đoạn phát triển. Đáng buồn, một phần không nhỏ các di tích tháp Chăm này đang bị xuống cấp do chi phí đầu tư tu bổ ngày càng eo hẹp.

Nhiều di tích bị bỏ quên

Ở Bình Định, trong 8 cụm tháp Chăm nổi tiếng, có 7 cụm tháp là giữ được gần như nguyên trạng kiến trúc từ xa xưa gồm tháp Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm. Riêng tháp Hòn Chuông hiện chỉ còn một phần thân tháp, tọa lạc trên một đỉnh cao gần 700m của dãy Núi Bà, thuộc huyện Phù Cát.

Ngoài ra, Bình Định còn nhiều di tích văn hóa Champa đã được xếp hạng như: Thành Cha, Lò gốm cổ Gò Sành, Lò gốm cổ Gò Hời... Trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều phế tích tháp Chăm, lò gốm cổ đã được khảo sát, thống kê vào bản đồ khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động để trùng tu, bảo tồn những dấu tích còn sót lại của nền văn hóa Champa rực rỡ như quy hoạch các khu di tích, khai thác du lịch tháp Chăm đi cùng với bảo tồn; dựng bia giới thiệu về lịch sử hình thành, kiến trúc của các khu di tích; đồng thời, cảnh báo và có chế tài nghiêm cấm việc xâm phạm di tích...

Tuy nhiên, những nỗ lực đó còn chưa đủ. Với niên đại cả ngàn năm, nhiều cụm tháp Chăm đang có dấu hiệu xuống cấp, đổ sụp nghiêm trọng, nhiều cụm tháp bị bỏ quên trong quá trình trùng tu, tôn tạo dù mang trong mình dấu ấn của cả ngàn năm lịch sử, văn hóa của một Vương triều hùng mạnh.

Đến khu di tích tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), nhiều người chắc sẽ không nhận ra đây là di tích một tháp Chăm với niên đại khoảng 10 thế kỷ. Trong một khuôn viên mà cỏ dại mọc um tùm, những vòm cửa chính và hệ thống cửa giả ở cả mặt Bắc và mặt Nam của tháp này đều đã bị đổ sập.

Dù di tích này đã được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định triển khai dự án “Chống xuống cấp, tu bổ tháp Thử Thiện”, khởi công từ ngày 2.8.2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2020. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn chỉ được trùng tu một phần đỉnh tháp.

Khác hẳn với vẻ sừng sững, uy nghi bề thế của tháp Bánh Ít, tháp Đôi... - những tháp Chăm đã trở thành biểu tượng của du lịch Bình Định, khiến ai đến "xứ Nẫu" cũng phải ghé qua; trong khi tháp Thủ Thiện cùng nhiều các tháp Chăm khác đang sống trong cảnh “vang bóng một thời” vì chịu sự tác động khắc nghiệt của thời gian, thiên tai.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, tháp Thủ Thiện chưa được đầu tư bảo tồn, tu bổ nào lớn, chỉ có gia cố chống sụp đổ từ những năm giữa thập niên 1990 đối với các phần chân tháp, cửa.

Hiện, cấu trúc tháp đã bị hư hỏng nhiều, nhất là phần mái tháp đã bị sạt lở, hư hại nặng nề, gạch xây nhiều chỗ đã mất liên kết; phần mái trên đã bị sụp mất từ lâu. Với thực trạng trên, Sở Văn hóa và Thể thao đã lập thủ tục phương án đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích tháp Thủ Thiện, với mức kinh phí khoảng 15 tỉ đồng từ nhiều nguồn kinh phí Trung ương, địa phương.

Nội dung triển khai trong giai đoạn này chủ yếu là: Xây tu bổ, phục hồi mặt ngoài tường mái tháp bằng gạch Chăm phục chế theo phương pháp mài dán; xây tu bổ lõi tường mái tháp bằng gạch Chăm phục chế, vữa truyền thống; xử lý gia cố, trám vá các vết nứt, gia cường liên kết đối với các khối xây bị nứt nhẹ, bị chuyển vị...

Quy hoạch du lịch để bảo tồn di tích

Để tiếp tục lập thủ tục đầu tư tu bổ chống xuống cấp giai đoạn tiếp theo (bao gồm cơ sở hạ tầng, sân vườn, điện chiếu sáng) cho Khu di tích tháp Thủ Thiện, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025; hiện, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất trình UBND tỉnh.

“Ngoài tháp Thủ Thiện đang được trùng tu, hiện cũng có các tháp xuống cấp cần trùng tu, tôn tạo như: Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Dương Long và Tháp Phú Lốc, tháp Bình Lâm, Tháp Bánh Ít” - lãnh đạo Sở Văn hóa  và Thể thao cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, các di tích tháp Chăm ở tỉnh này không tập trung mà nằm rải rác ở nhiều địa phương nên khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Hiện, các tháp: Cánh Tiên, Dương Long, Bình Lâm được bố trí 1 nhân viên bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cảnh quan môi trường và phục vụ khách tham quan; các tháp Bánh Ít, Tháp Đôi được bố trí 2 nhân viên bảo vệ.

Các tháp khác chưa bố trí được nhân sự, nên Bảo tàng tỉnh Bình Định phải phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường di tích và tránh việc di tích bị xâm phạm. Về cơ sở hạ tầng các di tích tháp Chăm hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng đang hướng đến việc quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch; hiện, đã  tổ chức khai thác có hiệu quả tại các di tích tháp Chăm như Tháp Đôi hay Tháp Bánh Ít.

Sở Văn hóa - Thể thao đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị cho chủ trương và bố trí kinh phí để sở mời đơn vị tư vấn xây dựng lập quy hoạch các điểm dịch vụ đối với từng di tích. Sau khi quy hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt, sở sẽ có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách tại các di tích nhằm khai thác có hiệu quả các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh.

“Trong thời gian đến, sở sẽ tiếp tục trình các cấp cho chủ trương và kinh phí để tiếp tục thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, xây dựng cơ sở hạ tầng di tích, đặc biệt là tỉnh cần ưu tiên đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông đến các di tích và kết nối giữa các di tích. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện 1 số di tích tháp Chăm đã được trùng tu để đưa vào phục vụ du lịch. Việc quy hoạch tổ chức các điểm dịch vụ đối với từng di tích nhằm thực hiện quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, phát huy giá trị di tích, đáp ứng yêu cầu phục vụ và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với các di tích tháp Chăm” - lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn