MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng tọa Thích Thiện Văn (giữa) và các đại biểu xem hiện vật được trưng bày ngày khánh thành Nhà lưu giữ và trưng bày hiện vật. Ảnh: Đức Minh

Nỗ lực lớn bảo tồn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

Phạm Chí LDO | 24/12/2017 12:30
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - hiện vật được UNESCO ghi vào danh mục Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 5.2012. Đây là bộ hiện vật đã tồn tại suốt hơn 7 thế kỷ qua và trong suốt quãng thời gian rất dài đó, những bản gỗ chữ Hán, chữ Nôm chứa đựng nhiều kiến thức mang dáng vóc dân tộc Việt từ thời thế kỷ 14 đã được lưu giữ để khẳng định các giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm với kĩ thuật khắc ngược dùng để in ra thành sách. Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang. Qua khảo sát các nhà nghiên cứu cho thấy các Mộc bản này do các nghệ nhân khắc thành nhiều đợt, vật liệu là gỗ thị, hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ rất phù hợp với việc chạm khắc, như mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ. Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm.

Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện khối tài liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đang được lưu trữ tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) - ngôi chùa được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự” nổi tiếng khắp cả nước. Đây đồng thời là trung tâm Phật giáo lớn nhất vào thời Trần, một chốn Tổ quan trọng, nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở đường thuyết pháp.

Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 đơn vị ván khắc chứa đựng nội dung của 9 đầu sách lớn thuộc các thể loại: Kinh, luật, luận, truyện ký, lục, sách thuốc... Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị trường tồn với thời gian. Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học và ngôn ngữ, giá trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc. Qua nhiều thế kỷ tiếp thu đạo Phật đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam đã có những bước tiến triển lớn ở thời Lý - Trần (thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII). Tới khi Trần Nhân Tông chính thức thành lập Thiền phái Trúc Lâm thì Việt Nam mới tìm được cho mình một Phật phái riêng, vừa phù hợp với đặc trưng của văn hóa Việt, vừa khẳng định được bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài. Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm được các nhà sư như Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Thiền sư Thích Huyền Diệu phổ biến, truyền bá ở các nước trên thế giới đã thu hút hướng thiện hàng triệu Phật tử là người Việt Nam và người nước sở tại.

Nếu không được bảo quản, lưu giữ đúng cách, các mộc bản sẽ bị mối mọt, nấm mốc, cong vênh. Đồng thời, mộc bản nếu không được giới thiệu rộng rãi đến người dân thì giá trị di sản cũng không được lan tỏa. Chính vì thế, việc bảo quản và phát huy giá trị Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cần phải khoa học, cẩn thận... Thượng tọa Thích Thiện Văn - Chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, Viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm, người có công lao to lớn về bảo quản, lưu giữ Mộc bản trong suốt khoảng thời gian 40 năm qua - cho biết, ý thức rõ giá trị to lớn của bộ Mộc bản, nhiều năm qua chùa Vĩnh Nghiêm đã nỗ lực bảo quản, gìn giữ bảo vật quốc gia này. Tuy nhiên, do chưa có nhà lưu giữ và trưng bày, toàn bộ số Mộc bản được đặt tại nhà Tam bảo và dãy hành lang của chùa có nguy cơ bị mối mọt, ẩm mốc, hư hỏng, không đủ điều kiện để bảo quản, gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị của những hiện vật quý giá đó.

Trước tình hình đó, được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng ở trung ương và tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm phát tâm công đức, huy động được nguồn kinh phí hơn 30 tỉ đồng để xây dựng. Sau hơn 1 năm xây dựng, ngày 17.12.2017, Nhà trưng bày và lưu giữ Mộc bản được xây dựng theo kiến trúc cổ đã được khánh thành, chính thức được sử dụng để trưng bày và lưu giữ các hiện vật quý. Việc xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản đáp ứng được yêu cầu về bảo quản hiện vật quý và tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân đến thăm, tìm hiểu về một trong những giá trị văn hóa quý giá xuất hiện từ thời vua Trần Nhân Tông. Tương lai, nơi này còn được đầu tư, xây dựng thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang..

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn