MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền Kim Liên. Ảnh: Hải Nguyễn

Nơi hội tụ tâm linh trong lòng Hà Nội

Kim Sơn LDO | 14/02/2024 14:26

Mùa Xuân là mùa diễn ra của nhiều lễ hội lớn của người Việt. Với nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thăng Long tứ trấn, bao gồm bốn ngôi đền thờ các vị thần bảo hộ cho kinh thành xưa gồm phía Đông có đền Bạch Mã, phía Tây có đền Voi Phục, phía Nam có đền Kim Liên và phía Bắc có đền Quán Thánh là những địa chỉ thu hút rất nhiều khách thập phương viếng thăm nhân dịp Tết đến Xuân về.

Mảnh đất thiêng, nơi hội tụ linh khí

Năm 823, tín ngưỡng thờ Thành hoàng được du nhập vào nước ta với sự kiện Lý Nguyên Gia xây La Thành, dựng đền thờ Tô Lịch làm Thành hoàng. Năm 866, Cao Biền mở rộng thành và phong Tô Lịch làm Đô phủ Thành hoàng thần quân. Bước vào giai đoạn độc lập tự chủ, sự kế thừa tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã cho thấy ý thức hệ dân tộc ngày càng lớn mạnh của cư dân Đại Việt.

Thần Long Đỗ (hay thần Bạch Mã) thờ ở trấn Đông - đền Bạch Mã. Đó là thần Thành hoàng của Kinh thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ ban phong trong buổi đầu dựng nước vào mùa thu năm Canh Tuất (năm 1010). Từ đây, theo quan niệm dân gian hình thành nên các vị thần Thành hoàng với vai trò trấn giữ, bảo vệ cho kinh đô.

Thần Linh Lang thờ ở trấn Tây - đền Voi Phục. Đây là biểu tượng của nguồn nước thiêng, được tạo dựng và lịch sử hóa thành nhân vật dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) có công đánh giặc, cứu nước.

Thần Huyền Thiên Thượng đế thờ ở trấn Bắc - đền Quán Thánh, là biểu tượng cho sức mạnh chống thiên nhiên và giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đức thánh Cao Sơn thờ ở trấn Nam - đền Kim Liên. Nếu vào thời kỳ hồng hoang của người Việt cổ, thần là biểu tượng cho sự chinh phục đồng bằng, chống lũ lụt, thì đến đời Lê Sơ, biểu tượng đó còn được tích hợp thêm vai trò âm phù giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn và lên ngôi vào năm 1510.

Theo quan niệm dân gian, bốn ngôi đền thiêng trên tạo thành Thăng Long tứ trấn, tạo thành "không gian lõi", "không gian trung tâm" của vùng đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Thăng Long tứ trấn là những kiến trúc nổi tiếng của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Tất cả các kiến trúc đó dù cao hay thấp, lớn hay nhỏ, đều hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên và giữ vẻ đẹp trong sự hài hòa của đất đai, trời nước và cỏ cây xung quanh.

Nguồn gốc tự nhiên của bốn vị thần tứ trấn và gắn với môi trường sinh tụ của cư dân Thăng Long - Hà Nội: Thần Long Đỗ (núi Nùng); thần Linh Lang (thần nước)... cho thấy, cư dân vùng đất Thăng Long buổi đầu chịu nhiều chi phối của các thế lực tự nhiên. Qua thời gian, bốn vị thần được nhân hóa với lai lịch, công trạng rõ ràng, phản ánh tư duy thờ người có công với dân của cư dân Thăng Long thời kỳ Đại Việt độc lập tự chủ. Bốn vị thần đều góp phần vào việc bảo vệ, trấn giữ củng cố cho sự tồn tại vững bền của quốc gia, dân tộc.

Tín ngưỡng thờ tứ trấn cũng hàm nghĩa cương vực quốc gia, dân tộc gồm núi, sông bờ cõi rạch ròi với bốn phương, tám hướng. Theo quan niệm của người Đại Việt lúc đó, trời đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc thì thành Thăng Long cũng phải có tứ trấn được xây dựng với bốn ngôi đền, trong đó đều có một vị thần đầy quyền uy canh giữ cho kinh thành Thăng Long xưa.

Đền Bạch Mã. Ảnh: Hải Nguyễn
Đền Voi Phục. Ảnh: Hải Nguyễn
Đền Quán Thánh. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiếng vọng từ ngàn xưa

GS.TS. Đỗ Quang Hưng trong bài viết "Mấy đặc điểm của không gian tâm linh Thăng Long - Hà Nội" cho rằng: Không gian thiêng của Thăng Long - Hà Nội còn được vật thể hóa trong xây dựng kiến trúc đô thị và tôn giáo, việc hình thành Thăng Long tứ trấn tạo nên một vẻ độc đáo duy nhất của Thăng Long. Đó là một không gian thiêng hài hòa với một không gian quyền lực xã hội của kinh thành.

Thăng Long tứ trấn là một hiện tượng văn hóa tâm linh phản ánh sự thống nhất giữa ý thức quốc gia, dân tộc gắn với độc lập chủ quyền của nước Đại Việt. Các vị thần được thờ trong Thăng Long tứ trấn là những vị thần quan trọng, không chỉ là Thành hoàng của đất kinh kỳ mà còn được thờ phụng trong nhiều làng xã.

Sách "Nam Việt thần kỳ hội lục" cho biết, thần Linh Lang đại vương có đền chính tại Thủ Lệ và cùng thờ phụng tại 120 xã, thôn; hay Bạch Mã Đại vương cũng được thờ phụng tại 11 xã, phường... Bia "Trùng tu Bạch Mã bi ký" cho biết: "Tục nước ta vốn thờ thần, dù là thần một thôn, một giáp cũng được tôn kính, huống chi đây lại là vị thần chủ tể của một khu vực ngàn dặm, được tất cả các thời vua cúng tế. Ban phúc cho đất nước, giúp đỡ nhân dân, công đức ấy cả đô thành và các giáp lân cận đều được nhờ".

Ngày nay, các ngôi đền tứ trấn được đầu tư nghiên cứu cũng như trùng tu, tôn tạo lớn nhằm tôn thờ vai trò, quyền năng của các vị thần. Hàng năm, các lễ hội được diễn ra ở tứ trấn đã góp phần làm nên nét đặc trưng riêng cho văn hóa Thủ đô Hà Nội bởi sự có mặt của các lễ hội làng trong phố mang đậm dấu ấn truyền thống.

Tôn vinh và duy trì tục thờ ở tứ trấn Thăng Long thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, sự tri ân của thế hệ ngày nay và mai sau đối với thế hệ các bậc tiền bối. Các vị thần đại diện cho ý chí quật cường của một dân tộc, đại diện cho tình đoàn kết của cộng đồng người Việt cùng chung sức chống lại thiên tai, địch họa...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn