MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao lưu giữa đoàn quân khu và SV Trường ĐH Sài Gòn TPHCM tại bảo tàng. Ảnh: Bảo tàng Chiến dịch HCM.

Nơi kết nối lịch sử

Yến Nhi - Mỹ Huyền LDO | 29/04/2023 14:25

Miễn phí vé vào cổng, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Quận 1) trở thành địa điểm thu hút sinh viên đến ôn lại truyền thống trong những ngày gần đây. 

Bảo tàng - nơi kết nối sinh viên cùng lịch sử

Trước thềm kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Quận 1, TPHCM) đón hơn 10.000 lượt khách tham quan tính riêng trong tháng 4, tăng gấp đôi so với bình thường. 

Theo đại diện bảo tàng, những ngày này, các đoàn khách đăng kí tour rất đông đã đón tiếp các đoàn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM, như Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... Cao điểm lên đến 1.000 lượt khách một ngày. Các nhân viên thuyết minh luôn cố gắng cân đối, sắp xếp thời gian để đảm bảo chu toàn cho khách tham quan. 

Dẫn đoàn gần 100 sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM ngày 25.4, cô Bùi Thị Huyền - Tiến sĩ Lịch sử, Giảng viên môn Lịch sử Đảng - cho biết, hoạt động tham quan bảo tàng nhằm kết nối sinh viên cùng thực tiễn lịch sử. Đây cũng là định hướng chung trong hoạt động giảng dạy Lịch sử nước nhà nói chung và Lịch sử Đảng nói riêng.

“Mục đích của buổi ngoại khóa là giúp sinh viên nhận ra giá trị của hòa bình, hiểu được sự hi sinh của cha ông, từ đó khuyến khích các em tích cực học tập, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, cô Huyền nói. Cô cho rằng không chỉ sinh viên, thanh niên mà bất cứ người Việt Nam nào cũng cần biết về quá khứ để hiểu hiện tại, hướng đến tương lai.

Chia sẻ với Lao động, Trần Phú Thạnh - sinh viên Khoa Quản Trị, Trường ĐH Kinh tế TPHCM hài lòng với chuyến đi vì các hiện vật và thông tin đầy đủ, cảnh quan bảo tàng khá đẹp. “Việc sử dụng hiệu ứng đèn để mô phỏng diễn biến chiến dịch trên sa bàn rất trực quan, sinh động, giúp em như nhìn thấy bằng mắt thật những kiến thức lịch sử mà mình đã nghe, đã đọc” - Thạnh cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM nghe thuyết minh, diễn giải các chuyên đề. Ảnh: Yến Nhi

Chu Thị Mai Phương - sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing thì nhận định, bảo tàng mang đến cho du khách sự lắng đọng để nhìn lại những giá trị lịch sử. Mỗi khu trưng bày tương ứng với từng giai đoạn kháng chiến, làm nên một bức tranh toàn diện và quy mô về chiến thắng lịch sử năm 1975. “Đó thật sự là một chiến dịch vĩ đại, cần đến sự phối hợp kĩ lưỡng ở nhiều bộ phận để đi đến chiến thắng. Hiểu về quá khứ giúp em thấy thêm yêu lịch sử, yêu đất nước Việt Nam” - Phương chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên nữ sinh có dịp ghé thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước đó, Phương từng đến Bảo tàng TPHCM, Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)... để tìm hiểu lịch sử.

Buổi tham quan kéo dài khoảng 2 tiếng. Với các sinh viên, đây là một hoạt động rất ý nghĩa cho dịp lễ 30.4 sắp tới, là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục, bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đón tiếp nhiều đoàn đại biểu từ Văn phòng Chính phủ, Hội Cựu chiến binh, quân khu và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội khác, tổ chức nhiều buổi hội thảo, sinh hoạt chính trị hướng đến đại lễ 30.4. Các đoàn khách đến bảo tàng còn được giao lưu với nhau bằng các hình thức văn nghệ, trò chơi - đại diện bảo tàng thông tin đến Báo Lao động.

Cần tiếp tục phát huy vai trò của bảo tàng 

Tham quan Bảo tàng lịch sử đang trở thành một hoạt động ngoại khóa thường xuyên được sinh viên các trường đại học yêu thích. Các bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ hiện vật, tài liệu lịch sử mà còn là một phương tiện giáo dục quan trọng giúp người trẻ tìm hiểu về sử Việt. Tham quan bảo tàng cũng giúp sinh viên rèn luyện kĩ năng như: Tìm hiểu, phân tích, suy nghĩ phản biện và trình bày ý kiến. Đây là những kĩ năng cần thiết cho người trẻ trong quá trình học tập và làm việc sau này.

Để các bảo tàng lịch sử tiếp cận tốt hơn với sinh viên, một giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXHNV TPHCM cho rằng, Ban quản lí bảo tàng nên chủ động tìm kiếm, liên kết với những trường, những ngành học tương đồng về chủ đề, nội dung. Ví dụ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh liên kết với Khoa Sử, Bảo tàng Áo dài liên kết với Khoa Việt Nam học, Khoa Văn hóa học. Điều đó sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm của sinh viên hơn, vì sinh viên cảm nhận được việc tham quan bảo tàng có ích cho việc học, nghề nghiệp của mình.

“Nhà trường cũng đóng vai trò trung gian quan trọng để kết nối sinh viên và bảo tàng”, giảng viên này nhấn mạnh. Cụ thể, nhà trường xây dựng các môn học, học phần có tính chất tham quan thực tế tại bảo tàng; liên kết với các bảo tàng để tổ chức các chương trình tham quan, học tập dành riêng cho sinh viên; nâng cao ý thức tìm hiểu lịch sử của thế hệ trẻ, khuyến khích sinh viên đến bảo tàng học tập, nghiên cứu; tạo điều kiện thuận lợi (về thời gian, hỗ trợ chi phí) cho sinh viên đến tham quan bảo tàng.

Trần Phú Thạnh đánh giá cao tính chi tiết của thông tin tại bảo tàng. Ảnh: Yến Nhi

Có niềm đam mê đặc biệt với những giá trị xưa cũ và tham gia vào nhiều cộng đồng, hội nhóm lịch sử, Phú Thạnh cho rằng, các bảo tàng cần phải có cách tiếp cận hợp thời đại, hợp sở thích nếu muốn đưa sử đến gần với người trẻ. “Vấn đề nằm ở cách ta truyền đạt làm sao để lịch sử không còn khô khan nữa mà trở nên sống động, làm cho người nghe như sống trong câu chuyện ấy mà không phải đọc quá nhiều tài liệu sách vở khô khan”.

Thạnh đề xuất các bảo tàng nên có những phương thức trình chiếu lịch sử trực quan hơn nữa, như ứng dụng công nghệ hiện đại hologram (kĩ thuật chụp lại và tái dựng hình ảnh ba chiều của vật thể). 

Hiện nay, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh đang trưng bày và lưu giữ hàng nghìn hiện vật, trong đó có một Bảo vật Quốc gia đó là Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh, là một địa điểm thiết thực đối với khách tham quan muốn nghiên cứu về trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm Dinh Độc Lập (Quận 1), Bảo tàng TPHCM (Quận 1), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Quận 3)... để tìm hiểu về những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài đất nước. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM (Quận 4) cũng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào ngày 28.4, hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn