MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong cảnh hữu tình nơi địa thế tọa lạc xưa nay hiếm chùa Vạn Triều.

Nơi lưu giữ di sản hán - nôm

Bài và ảnh ngọc trang LDO | 07/01/2024 07:17

Đình Chèm thuộc địa phận làng Chèm, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12km. Ngôi đình được coi là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Đình thờ Đức Thánh Chèm, hay còn gọi là Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - người Việt đầu tiên làm quan dưới thời nhà Tần.

Hiền tài

Trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có viết: “Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm sai dịch, bị trường quan đánh roi, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tự lệnh Hiệu úy. Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân tuần thú đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô.

Khi tuổi già, ông về làng rồi mất. Tần Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để tại cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.

Triệu Xương nhà Đường làm Đô hộ Giao Châu (*), đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân thu, Tả thị truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là tượng Lý Hiệu úy”.

Hơn ngàn năm qua, đình Chèm là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân 3 làng Hoàng, Mạc và Chèm thuộc xã Thụy Hương, nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đình nằm ngay ngã ba của hạ lưu sông Hát Giang với sông Hồng và thượng du sông Nhuệ, từng là nơi tấp nập, trên bến dưới thuyền của đất Thăng Long - Hà Nội.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, vô cùng công phu và chắc chắn. Nghi môn ngoại có 4 trụ cao to, gần đỉnh đắp hình lồng đèn. Đỉnh và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng.

Nghi môn nội (hay còn gọi là Tàu tượng) là một nếp nhà bốn mái, ba gian, hai chái, mở ra ba cửa lớn cánh gỗ. Mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Trong cửa đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Bia đá giới thiệu đình Chèm.

Khu vực chính đình gồm tiền tế và tòa đại tế bái. Hai dãy nhà này được thiết kế giống nhau, nối với nhau bằng hệ thống xà náng đỡ máng đồng, mỗi dãy gồm 5 gian, 2 chái theo kiểu nhà 4 mái. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét chạm khắc mềm mại, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê - thế kỷ thứ 18.

Hậu cung đình gồm 3 dãy nhà nối liền nhau, tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Công”. Nhà ngoài và nhà trong nằm song song với nhau bằng nhà ống muống ở gian giữa. Đây là nơi đặt long ngai, tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà và tượng 6 người con của Đức Thánh, còn gọi là Lục vị vương.

Nơi lưu giữ di sản Hán - Nôm

Hiện nay, đình Chèm còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng, 4 tấm bia đá, trong đó có 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm thời Nguyễn, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn. Đặc biệt còn có hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, khó tìm ở các di tích khác, với niên đại từ thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Di sản Hán - Nôm Đình Chèm hay Tín ngưỡng thờ Ông Trọng là một trong những tín ngưỡng cổ nhất tại địa bàn Hà Nội nay, Thăng Long - Long Biên xưa. Lịch sử tín ngưỡng đến nay vẫn dựa vào niềm tin và truyền thống văn hóa của người dân trong vùng. Những tư liệu về Tín ngưỡng thờ Ông Trọng nằm tản mát trong nhiều thư khố, thư tịch khác nhau với độ dài thời gian suốt hàng ngàn năm (từ năm 90 TCN đến đầu thế kỷ 20).

Ca dao xưa có câu “Thứ Nhất là hội Cổ Loa. Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”. Lễ hội đình Chèm nhằm tri ân công đức của Đức Thánh, được người dân 3 làng Chèm, Hoàng, Mạc tổ chức trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng 5 Âm lịch hàng năm, đón khách thập phương. Lễ hội gồm các hoạt động: Rước nước từ sông Hồng về Đình Chèm, rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm, lễ dâng hương hoa, Ba dân nhập tế.

Khu vực sân đình.

Lễ hội đình Chèm là tổng hòa của nhiều tập quán xã hội, gắn liền với truyền thuyết trong dân gian và lịch sử về nhân vật Lý Ông Trọng, kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo và Đạo giáo, thông qua việc treo cờ Phật, thực hiện nghi thức cúng Phát tấu, cúng Phan, cúng Khai quang, cúng Quá độ...

Nhờ những giá trị tiêu biểu, lễ hội đình Chèm được đánh giá cao và đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Đình Chèm cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.

Sau hơn nghìn năm với nhiều biến động lịch sử, đình Chèm đã trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Ngày nay, nơi đây vẫn được chính quyền và người dân địa phương chung tay giữ gìn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa lâu đời do ông cha để lại.

(*) Dưới thời Bắc thuộc, Việt Nam được gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn