MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

NSND Tạ Minh Tâm: Hát “Đất nước trọn niềm vui” cảm xúc nhất khi đứng ở Trường Sa

Hiền An (thực hiện) LDO | 30/04/2023 06:15
Gần 5 thập kỉ qua, tên tuổi của NSND Tạ Minh Tâm gắn với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Nghệ sĩ cho biết anh thể hiện tác phẩm trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trước những đối tượng khán giả khác nhau, nhưng lần nào cũng đầy ắp kỷ niệm và cảm xúc.

Vài ngày trước khi NSND Tạ Minh Tâm lên đường đi Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), phóng viên Lao động có buổi trò chuyện với anh.

NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ trong mỗi chuyến công tác tại hải đảo xa xôi hay đến những vùng quê nghèo khó trên khắp đất nước, nghệ sĩ vẫn luôn nhận được đề nghị hát các ca khúc cách mạng, và tác phẩm được yêu cầu nhiều nhất là "Đất nước trọn niềm vui" (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Hà).

“Ca khúc Đất nước trọn niềm vui mang lại cho tôi nhiều thứ”

Ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" đã theo anh gần 5 thập kỉ. Anh thể hiện tác phẩm trong nhiều hoàn cảnh và thời điểm lịch sử khác nhau. Khi hát ở Trường Sa, cảm xúc của anh có gì đặc biệt?

- Năm nào cũng vậy, vào dịp 30.4, tôi sẽ tham gia vào nhiều sự kiện, chương trình nghệ thuật để kỷ niệm ngày lễ quan trọng của đất nước. Năm nay, tôi sẽ đi cùng UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM ra Trường Sa. 

Với Trường Sa, đây là lần thứ 5 tôi vinh dự được có mặt tại đây. Tôi vẫn tiếp tục mang giọng hát của mình để gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ ở vùng đất thân thương này.

Khi đặt chân lên hòn đảo có vị trí địa lí, lịch sử quan trọng của Tổ quốc, cảm xúc trong tôi đã rất đặc biệt. Sóng biển vỗ mạnh, gió lồng lộng, khung cảnh nên thơ và những con người chân chất, dung dị sống nơi hải đảo xa xôi khiến cho ai tới đây đều dâng lên những rung cảm mãnh liệt. 

Mỗi lần hát ở Trường Sa là một cảm xúc mới. Đặc biệt là với bài hát "Đất nước trọn niềm vui" càng trở nên ý nghĩa hơn khi được vang lên ở nơi đầu sóng ngọn gió. Thời điểm nào đến đây, tôi cũng mang trong mình những kỷ niệm khó quên.

Và lần nào hát "Đất nước trọn niềm vui" ở Trường Sa, với tôi, cũng đặc biệt và cảm xúc nhất.

Anh từng chia sẻ đã thể hiện nhạc phẩm "Đất nước trọn niềm vui" hàng nghìn lần. Đâu là kỷ niệm để lại ấn tượng lớn nhất với anh đến thời điểm này?

- Mỗi lần tôi hát ca khúc này là một sân khấu khác, khán giả khác và thời điểm khác. Vì vậy, cảm xúc trong tôi cũng không bao giờ giống nhau.

Tôi nhớ nhất là vào tháng 2.2021, tôi có lịch biểu diễn quan trọng tại chương trình “Khát vọng - Tỏa sáng” chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng. 

Trước ngày ra Hà Nội, tôi bị đau ruột thừa phải nhập viện cấp cứu. Sau ca mổ kéo dài 3 tiếng, bác sĩ đề nghị tôi phải ở lại bệnh viện để theo dõi trong 10 ngày. Tuy nhiên, do lịch trình biểu diễn gấp rút, tôi đã quyết định không nghỉ ngơi mà bay ra Hà Nội luôn.

Khi đó, tôi hát trong tình trạng bụng vẫn đau. Nhưng may mắn là buổi biểu diễn diễn ra thuận lợi, trọn vẹn. Sau đó, tôi trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Nhắc lại kỷ niệm này, tôi vẫn không sao quên được. Trong sự nghiệp ca hát, người nghệ sĩ ai cũng trải qua những lần vì công việc mà quên đi sức khỏe bản thân như vậy.

Nhắc đến NSND Tạ Minh Tâm, người ta sẽ nghĩ ngay đến "Đất nước trọn niềm vui". Nhạc phẩm này đã mang lại giá trị thương hiệu cho anh?

- Đúng như bạn nói, ca khúc này tạo nên tên tuổi của tôi, đó là giá trị lớn nhất trong cuộc đời của một người nghệ sĩ.

Tất nhiên, sự nghiệp ca hát của tôi, ngoài "Đất nước trọn niềm vui", còn có nhiều ca khúc cách mạng khác như: "Đường chúng ta đi", "Tổ quốc gọi tên mình", "Ngọn đèn đứng gác", "Nổi lửa lên em", "Sông Lô", "Giai điệu Tổ quốc"...

Tuy nhiên, "Đất nước trọn niềm vui" là ca khúc mang lại cho tôi nhiều thứ, quan trọng nhất là sự yêu mến, đón nhận của công chúng ở nhiều thế hệ. Tôi nghĩ vậy là đủ rồi!

NSND Tạ Minh Tâm gắn liền với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui“. Ảnh: Nhân vật cung cấp
NSND Tạ Minh Tâm trong chuyến đi Trường Sa hồi tháng 4.2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Con, cháu tôi vẫn thích nghe nhạc cách mạng"

Qua mỗi thời kì, những ca khúc cách mạng thường có những sứ mệnh khác nhau. Theo anh, sứ mệnh của dòng nhạc cách mạng trong thời bình sẽ như thế nào? 

- Trong thời chiến tranh, dòng nhạc cách mạng là vũ khí chiến đấu cùng các chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng. Ở thời bình, dòng nhạc cách mạng góp phần củng cố niềm tin, ôn lại quá khứ bi hùng của cha anh. 

Trong những giai đoạn khó khăn nhất, những ca khúc cách mạng giúp chúng ta nhớ về tinh thần hi sinh, quả cảm của lớp người cũ để luôn giữ vững lí tưởng, cống hiến cho Tổ quốc ngày một giàu mạnh hơn. Khi nghe những ca khúc này, ai ai cũng tin tưởng rằng khó khăn mấy rồi cũng qua đi và hạnh phúc sẽ tới. 

Nếu nói những ca khúc cách mạng chỉ dành cho ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi, đã đi qua giai đoạn chiến tranh - hòa bình. Còn thế hệ Gen Z, họ sẽ không thấm thía hết được cảm xúc của dòng nhạc này. Anh nghĩ như thế nào? 

- Tôi không nghĩ vậy đâu! Giới trẻ ngày nay cũng không hẳn là không nghe các ca khúc cách mạng. Bởi vì những bài hát cũ, càng theo thời gian, càng bồi đắp những giá trị lớn lao về tinh thần. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, người ta cũng sẽ ít nghe các bài nhạc xưa cũ. Đó là quy luật tự nhiên của bất kì dòng nhạc nào, không chỉ nhạc cách mạng. 

Nhưng đó không phải là sự quay lưng hay đoạn tuyệt với các giá trị truyền thống. Nếu hiểu đúng hơn, đó là sự lắng đọng. Và khi người ta nhắc lại, nghe lại, chứng tỏ các tác phẩm đó là bất tử, bất hủ. Nhiều năm trước, người ta tự hỏi mai sau nghệ sĩ hay khán giả, còn ai nghe, hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay không. Nhưng thực tế chứng minh rằng, tên tuổi của các nhạc sĩ và những bài hát của họ vẫn trường tồn, bất biến theo thời gian. Huống hồ, đây là cả một dòng nhạc, một kho tàng đồ sộ.

Những người có kinh nghiệm hay gắn bó với đời sống âm nhạc trong thời gian dài sẽ hiểu nhất về điều này. Vài trăm năm trôi qua, cả thế giới vẫn nghe nhạc, nghiên cứu các tác phẩm của Mozart. Tôi không có ý định so sánh một cách khiên cưỡng. Nhưng tôi nói như vậy để khẳng định rằng, một tác phẩm hay không bao giờ chết đi. Có thể ca khúc đó ít được nghe nhưng nó vẫn luôn là tác phẩm quý nằm trong kho tàng chung của nhân loại.

Những nơi anh đã đi qua, khán giả thể hiện sự yêu thích các ca khúc cách mạng ra sao?

- Con, cháu của tôi đều rất thích những ca khúc cách mạng. Ví dụ thật đơn giản, mọi người dạo qua các quán karaoke, người ta vẫn thích hát những bài như: "Đất nước trọn niềm vui", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"... Đời sống âm nhạc phong phú lắm! Không phải các bạn trẻ thích nhạc giải trí thì những dòng nhạc khác vô nghĩa.

Có thể như bạn nói, giới trẻ bây giờ ít nghe nhạc cách mạng hơn bởi vì mỗi ngày có bao nhiêu ca khúc phát hành, ca sĩ mới ra mắt. Trong một ngày, người ta không có đủ thời gian để nghe trọn tất cả các thể loại nhạc. Nhưng trong các dịp đặc biệt, người ta vẫn nghe, vẫn hát nhạc cách mạng. Vậy là đủ!

Trên một số nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ nhảy múa trên nền nhạc cách mạng hoặc remix các ca khúc này. Góc nhìn của anh?

- Cái đó tôi không phản đối. Trong sự học, tôi yêu cầu nghiêm túc, chuyên sâu. Còn ngoài đời sống xã hội, các bạn trẻ thích gì họ sẽ làm. Đúng sai đã có khán giả nhận định.

Nhiều người cũng cho rằng làm mới ca khúc cách mạng để tiếp cận rộng rãi với giới trẻ hơn, bằng cách thực hiện các bản phối khác nhau, remix, rock-rap hóa... Trên thực tế, có khán giả thích và cũng không ít người chê. Bởi nhạc cách mạng gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc, thể hiện tình cảm mãnh liệt của người dân.

Vì thế, nếu chúng ta làm mới một cách thô bạo, mọi thứ sẽ phản tác dụng. Thế nên, trong những lần thể hiện "Đất nước trọn niềm vui", tôi từng phối lại nhưng vẫn trên nền tinh thần, cảm xúc cũ.

Nhìn lại chặng đường dài đã đi qua với âm nhạc, cảm xúc lớn nhất của anh ra sao?

- Ở mỗi giai đoạn và tùy vào quan điểm của từng người mà khái niệm về thành công cũng khác nhau. Tôi cảm thấy mình may mắn nhiều hơn. May mắn vì ở thời điểm nào trong cuộc đời, tôi cũng nỗ lực. Không chỉ trong âm nhạc, tôi còn thử sức mình với phim ảnh, thực hiện liveshow...

Bây giờ, tôi là người đã hết hạn sử dụng về mặt hành chính rồi (cười). Tôi đi dạy, nói chuyện với học trò, đi hát... Công việc cũng nối đuôi nhau liên tục, không còn cố định theo một thời khóa biểu như trước đây.

Ở thời điểm nào trong cuộc đời, tôi vẫn hát để vui và vui khi hát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn