MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của Choai

Nửa vòng trái đất uống một ly trà

di li LDO | 06/05/2018 13:00
Rất nhiều lần gặp nhau, bà Hasanthi Dissanayake, đại sứ Sri Lanka hay tặng tôi một gói trà và không quên nhắc lại rằng tôi nên một lần thử trà tại chính Sri Lanka. Người ở nhà mới chỉ biết đến thương hiệu trà Dilmah, thấy cũng dễ uống, vị ngon. Tôi cũng vậy. Nhưng sang đến quốc đảo của trà mới thấy kiến trà của mình vẫn còn hạn hẹp.

Cao nguyên Kandy có nhiều nhà máy trà, nhưng nơi tôi ghé thăm thực ra chỉ là một xưởng nhỏ ba tầng. Hai lầu dưới làm nơi tinh luyện trà, từ lúc còn là lá tươi rồi sang khâu sấy khô, tán nhỏ, ra thành phẩm và đóng gói bao bì. Bên trong nhà máy tối tăm đen thũi như trà và hơi nóng từ các loại máy móc phả ra hầm hập. Tầng ba của xưởng Kadugannawa mới là chỗ thưởng trà.

Sao mà lắm trà đến thế, mỗi hộp một kiểu, trên bao bì có các ký hiệu đánh dấu từng loại khác nhau mà phải ngầm hiểu là ký hiệu cũng sẽ quy định giá tiền theo chất lượng: BOP, BOPF, BOPFA, OP, FP, Silver Tips, Gold Tips...

Loại chế từ lá, loại từ búp, loại từ phế phẩm trà vụn hoặc pha trộn hai búp một lá sẽ cho ra các vị trà và màu sắc khác nhau. Những cô gái mặc sari nhã nhặn bưng lên cho khách ấm trà tuyệt ngon và bày ra chiếc bàn gỗ tạp một thố mật nhỏ cắt vuông. Tôi bỏ tọt viên mật vào một tách trà.

- Ấy không – một sari đỏ kêu lên – không phải thế, như này kia.

Cô nhón một viên mật giả đò nhấm nháp rồi lại nhấp một ngụm trà làm mẫu. Cách thưởng trà của người Tích Lan là thế. Tôi cũng bắt chước, nhấm một chút mật cứng rồi nhấp thêm ngụm trà. Mật mía ngọt và thơm, còn trà trong óng như mật ong đang sóng sánh nóng hổi trong tách. Nó có vị ngai ngái đặc biệt của lá chè còn tươi. Hai thức ấy mà quyện với nhau thấy rất có lý.

Trà BOP mà tôi vừa nếm thử sản xuất theo công thức hai lá một búp. Cần phải nói thêm rằng, tất cả các thương hiệu trà ở đây đều dùng từ Ceylon Tea thay vì Sri Lanka Tea. Có lẽ họ vẫn thích cái tên đã gắn liền với uy danh của trà Tích Lan từ hàng trăm năm trước, khi những giống trà đầu tiên du nhập từ Trung Quốc vào thổ nhưỡng tuyệt vời của xứ đảo, chấm dứt thời kỳ thịnh trị của những đồn điền cà phê.

Trong số ấy, chỉ riêng Dilmah thôi, thương hiệu trà lớn thứ sáu toàn cầu với chi nhánh rải khắp hơn 100 quốc gia, cũng đã là một niềm tự hào của Ceylon Tea.

Nhà sáng lập ra Dilmah, Merrill Joseph Fernando (1930) vốn là người Sri Lanka đầu tiên được tuyển chọn sang London để theo học ngành thử trà. Uống trà cũng lắm công phu. Cụ Nguyễn Tuân xưa kia nổi danh vì kể chuyện uống trà với những nhân vật huyền thoại như lão ăn mày thẩm được cả vị mày trấu ở trà, nghe như bịa, nhưng thực thì nếm trà cũng là một nghề cao siêu yêu cầu công lực thâm hậu của vị giác, mà ngoài năng khiếu bẩm sinh thì còn phải trường kỳ học hỏi và tu luyện.

Trước tôi sang Vũ Di Sơn, đất trà của Trung Quốc, còn được gặp cả tiến sĩ trà, chuyên nghiên cứu luận án về trà. Nên cụ Fernando khởi nghiệp với bằng cấp thử trà thì cũng chẳng lạ. Chưa kể, tính tới thời điểm ấy thì người Anh thậm chí còn không tin rằng dân Sri Lanka có khả năng thẩm trà vì họ đinh ninh rằng món cà ri đã hoàn toàn làm hỏng vị giác của cư dân đảo.

Fernando sau những năm tháng du học Anh quốc, đến khi về nước phải chứng kiến hệ thống thực dân bóc lột các nhà trồng trọt, coi họ chỉ là kẻ xuất thô còn lợi tức khổng lồ từ thương hiệu sản phẩm tinh chế được phân phối ở nước ngoài thì thực dân hưởng cả, nhà sản xuất thô chỉ được một phần rất nhỏ trong ấy, khiến chàng trai trẻ ngày đêm nghĩ cách sáng lập một thương hiệu trà riêng cho mình và quốc gia.

Cứ đi rồi sẽ thành đường, Dilmah trở thành nhà sản xuất trà đầu tiên trên thế giới đồng thời sở hữu thương hiệu trà.

Quãng đường từ Kandy về Colombo mưa rơi hào hển nhưng có lẽ đã tưới táp xanh non cho tất cả búp trà trên khắp các đồn điền cao nguyên, và cũng rửa trôi hết vị trà thơm mát trong dạ dày tôi, vì 8 giờ tối xe vẫn còn di chuyển xuyên màn đen lùng bùng trong nước.

Giờ cổ họng chỉ còn vị đắng ngắt của mật dạ dày, nhưng tôi vẫn muốn tận hưởng nốt những lặng lẽ trên đường, trước khi ngày mai đã dịch chuyển sang một hòn đảo khác lạ lẫm hơn, để rồi lúc ở bàn ăn sáng trong khu resort, nhìn thấy ly trà đen sẽ lại nhớ lắm vị trà quyện mật mía trên chiếc bàn gỗ tạp nóng nực. Rồi cũng sẽ quay lại thôi, vì trà uống salon nhà, hay trong resort hương sắc nó khác.

Nhiều người có tính day dứt chả phải đã về tận cố hương rồi mà đôi lúc còn bay nửa vòng Trái đất chỉ để nhấp một tách trà Tích Lan đấy hay sao. Mà tôi, thì đâu đã đến nửa vòng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn