MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ở chốn lao xao: Tập tục… toàn cầu

NGUYỄN BỈNH QUÂN LDO | 06/01/2017 10:11
Giao thừa Tết Tây năm nay hai đầu tàu Hà Nội - TPHCM đều có màn đếm ngược. Chị MC thủ đô mặc đồ truyền thống - cách tân như thôn nữ đi mò cua còn anh MC Sài Gòn thì “nhăng nhố kiểu Mỹ” với mô hình tháp ánh sáng nhại Time Square và đếm cách năm nhanh như máy khâu rất không giống ai. Tuy nhiên dân tình khá phấn khích và hô hét nhiệt liệt như bên bàn nhậu 1 - 2 - 3 Dzoo…ô! Chắc chắn lễ hội count down này sẽ thành một tập tục mới ở Việt Nam và sẽ còn nhiều địa phương khác bắt chước.

Có định nghĩa: Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong muôn loài của tạo hóa. Song nó là “cây sậy biết tư duy”. Lại có định nghĩa: Con người là con vật có/ của thói quen. Người ta tất nhiên đã tư duy xem cái gì mình thích mà cộng đồng cũng nên thích, cái gì mình tin mà cộng đồng cũng nên tin, cái gì mình làm (nay còn gọi là thực hành/ tác nghiệp…) mà cộng đồng cũng nên làm. Thí dụ tục ăn mắm, ăn rau ghém các loại của người Việt được thực hành hàng thế kỷ nay đúng là quốc túy đến mức có bài báo giật tít “Quê hương là mùi nước mắm”. Việc ăn mắm thành tục khi nó trở thành thói quen, chả cần tư duy đắn đo gì nữa. Ăn cơm tất nhiên phải có nước mắm thế thôi. Ra ngõ mà gặp đàn bà chửa thì nên quay về. Nếu không sẽ xui vô kể, mất tiền, mất chức, gặp tai nạn… Tết này xuất hành hướng nào khá quan trọng, song quan trọng không kém là tìm ai tốt vía, hợp tuổi xông nhà chứ nếu anh nhập cư quét rác trọ ở góc chợ kia xông vào nhà sáng mùng Một thì “toi đặc”.

Giao thừa Tết Tây ở Hà Nội.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng từng băn khoăn: Phải chăng một nét văn hóa “thuần Việt” là người Việt tin vào điềm hơn tin giáo lý tôn giáo hay triết hệ tư tưởng. Cảm thức tôn giáo, giáo luật và pháp luật đều cần nhận thức và chế tài. Các điềm, các tục thì đã xuyên qua các tầng ý thức đó đâm rễ xuống tầm tiềm thức. Người ta cứ tự nguyện, tự giác, tự động làm như một thói quen vô thức. Tập tục lên đồng thờ Mẫu tam/ tứ phủ và tục thờ Hùng Vương là hai di sản văn hóa thế giới, cỡ quốc hồn. Cũng như các di sản khác chúng là những thứ cần bảo tồn, làm cho sống động. Các món ăn bánh mì hay bánh chưng, nước mắm hay pho-mai… đều là các bảo vật văn hóa toàn cầu cả. Là bởi không ở đâu bản sắc dân tộc sống động và rõ nét như ở các tập tục ăn, uống, mặc, ở, sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt cộng đồng từ trong nhà ra ngoài làng, ngoài nước (Chú là kẻ cả trong làng/ Anh là người sang ngoài nước!). Ý thức hệ, thể chế cai trị, thậm chí tôn giáo có thể đi qua, lụi tàn bởi các cuộc cách mạng còn tập tục bền chặt hơn nhiều và chỉ thay đổi bằng tiến hóa cách tân. Nếu có bị các cuộc can qua, loạn lạc, cách mạng “quét khỏi mặt đất” một thời gian (thí dụ hầu đồng, thờ cúng tổ tiên, xem bói, xin thẻ…) thì rồi từ tầng sâu quên lãng chúng sẽ có cách tái sinh. Thí dụ như việc hăm hở phục dựng ồ ạt các lễ hội, việc sùng bái các sắc phong cho làng và niềm tin đôi khi “vi hiến” vào hương ước! Tục nhiều vợ đang trở lại dưới dạng bồ nhí, trai/gái bao, sống thử, đa thê chui. Cơn sốt phục dựng gia phả, tộc phả, xây cất tô vẽ lăng mộ, chùa, đền, quán miếu đồ sộ và “nhố nhăng”…

Khi tập tục vật chất và tập tục tinh thần thay đổi đấy là lúc dân tộc thay đổi mạnh và rõ nhất. Tôi cứ nghĩ rằng, việc việc cắt búi tó củ hành, cạo răng đen, mặc áo dài quần trắng, com-lê, mũ nồi tân thời những năm đầu thế kỷ trước làm long trời lở đất Việt Nam hơn các cuộc khởi nghĩa hay các hội kín chính trị. Chu kỳ 100 năm đang quay lại chăng? Cũng như một thế kỷ trước, 20 - 30 năm qua là thời các tập tục vật chất tinh thần của người Việt thay đổi vũ bão khiến ai cũng lo “mất gốc, mất bản sắc văn hóa dân tộc”. Áp lực và nguyên do là ba thứ cùng ập đến một lúc: Công nghiệp hóa đô thị hóa và toàn cầu hóa. Tục chém lợn, đâm trâu hay diễu hành dương vật nhựa khổng lồ thành phản cảm bị lên án và bị giới hạn bởi phong trào bảo vệ động vật trên thế giới và hiệu ứng lan truyền của mạng toàn cầu trong khi thuật phong thủy huyền hoặc lại được khoa học hóa trong khoa kiến trúc và nội thất căn hộ! Tục mừng sinh nhật, “ăn” các loại Tết Tây từ Noel, tới Thankgiving - Tạ ơn, Halloween, Ngày tình yêu - Valentine tới ngày của cha, ngày của mẹ, ngày mua sắm “thứ sáu đen”… cứ dần dần trở nên “bắt buộc” với trẻ em rồi người lớn thành phố và sau đó là cả ở nông thôn và các vùng sâu xa. Năm nay đã khởi sự tục ăn gà tây nướng (nhiều người cứ tưởng nó là của Thổ Nhĩ Kỳ!). Ngoại kiều đặt gà tây, nông dân nuôi gà tây và dân Việt cũng sẽ sắm gà tây ăn Tết Tây. Sách tướng số tử vi truyền thống bán chạy nhưng sách “bí ẩn mười hai chòm sao” cũng bán rất chạy và không ít teen nữ thường xuyên xem chiêm tinh như bà và mẹ chúng xin xăm, xin quẻ vậy. Tập tục ăn và mặc thay đổi nhiều nhất. Các cháu tôi không biết ăn gà luộc cục tác lá chanh chỉ ăn gà rán của cụ Kentucky râu áo trắng xóa mà thôi. Doanh số pizza chuyển phát tận cửa tăng đều đặn cho các sự kiện gia đình… Mặc và ở thì khỏi bàn, đã Tây hóa đủ 100%. Tôi đang sống trong đại gia đình tứ đại của mình bây giờ chả khác mấy so với sống ở New York hay Singapore thậm chí Phần Lan hay New Zealand! “Than ôi bản sắc Việt nay còn đâu!”. Mọi anh “làm văn hóa” đều kêu than như vậy.

Nhưng ngoái lại những tập tục lai căng thời thực dân đầu thế kỷ trước nay phần lớn đã thành “thuần Việt” được xếp vào di sản văn hóa dân tộc tôi lại bớt lo. Có điều cái vụ toàn cầu hóa văn hóa này có thể làm cho trái đất trở nên đơn điệu biết nhường nào. Giấc mơ thế giới đại đồng đang hiện ra thật nghèo nàn và nông cạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn