MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những mảng màu tương phản.

Ôm chứa và kết nối với quá khứ

Bài và ảnh Việt Văn LDO | 03/03/2024 16:30

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái từng nói với tôi rằng, trong nhiếp ảnh khó nhất là chụp quá khứ.

Nhưng thực ra ngay sau khoảnh khắc bấm máy thì hình ảnh được lưu vào thẻ nhớ đã trở thành quá khứ mà theo ngạn ngữ Hy Lạp là “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Vạn vật liên tục biến đổi vì dòng chảy của thời gian, và ngay bản thân chúng ta cũng thay đổi khi chỉ trong một đơn vị thời gian ngắn ngủi mà bao nhiêu tế bào cũ chết đi và nhiều tế bào mới được sinh ra.

Và có những hình ảnh ôm chứa cả quá khứ và hiện tại hay nói một cách khác nhìn nó có thể thấy những lớp lang của thời gian mà nếu bóc tách ra sẽ cảm nhận những điều thú vị.

Đó có thể là khu tập thể cũ mang dấu ấn của một thời bao cấp, tem phiếu nhưng bên cạnh nó đã là những tòa cao ốc hiện đại lộng lẫy, nguy nga. Đi sâu hơn vào một thang gác của khu tập thể, trên cánh cửa hoa sắt, bức tường mang màu thời gian là những tờ quảng cáo thời nay với đủ loại dịch vụ.

Hình ảnh ông đồ trong trang phục ngày xưa trong thơ Vũ Đình Liên và cậu bé ngày hôm nay như là sự kết nối của quá khứ và hiện tại trong dòng chảy của văn hóa truyền thống. Hay khoảnh khắc trước và sau để tạo nên chân dung của một nghệ nhân đang độ tuổi sung sức của sáng tạo.

Trên phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội).
Xin chữ ông đồ.
PGS. TS. nghiên cứu văn học Lê Thị Đức Hạnh năm nay đã 90 tuổi với bức ảnh hồi bà 20 tuổi.
Chân dung của nghệ nhân Nguyễn Tấn Đạt (Mr Cá) ở TP Hồ Chí Minh, một người đa tài từ làm tranh cá 3D, các món ăn bằng đất nặn thuần Việt, viết thư pháp, thực hiện các video clip về nhân vật...
Mệ Hà tức nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng Tôn Nữ Thị Hà (Huế) sinh năm Quý Mùi (1943) trong một gia đình hoàng tộc, theo gia phả dòng họ thuộc hậu duệ Vua Minh Mạng, đời thứ 16, với bức ảnh thời còn trẻ.
Những tấm biển quảng cáo thời nay ở một khu nhà tập thể cũ kỹ ở Kim Liên (Hà Nội).
Mảng tường màu thời gian với bức tranh tường mới vẽ và người đàn bà bán hải sản.

Khi ở tuổi trung niên hay tuổi già, ai chả có lúc lục lại album ngắm lại những hình ảnh xưa cũ để đôi khi không nhận ra hình bóng của mình nhưng rồi lại thấy lòng dịu đi nhiều lắm khi nhớ đến bài thơ “Không tiếc ngày xanh” của Hoàng Thị Minh Khanh: “Tay tôi rồi yếu đường gân/ Trán tôi sẽ gợn nếp hằn già nua/ Mắt tôi ngày mỗi thêm mờ/ Chân tôi cũng sẽ thẫn thờ... chậm hơn/ Nhưng tôi không tiếc không buồn/ Những ngày xanh đẹp trong vườn hoa tươi/ Vì tôi đã sống cho đời/ Hơn là đã sống cho tôi, rất nhiều/ Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai”.

Và hình ảnh cô gái hiện đại đang vẫy chào những con người của quá khứ trên chiếc tàu điện leng keng trong bức tranh tường như một lời hứa không bao giờ quên quá khứ, vì nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn - như một câu ngạn ngữ của người Dagestan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn