MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lỗ đạn vào tầm xa: Da xung quanh không thể hiện dấu hiệu phụ. Ảnh minh họa

Pháp y Công an nhân dân không giám định vụ cầu Chương Dương

bs nguyễn văn LDO | 28/06/2020 16:40

Báo chí đưa tin, trong phiên họp chiều 21.5.2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi luật Giám định tư pháp (GĐTP). Khi tranh luận về bổ sung quy định phòng GĐ kỹ thuật hình sự (HS) thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là một tổ chức GĐTP công lập, sẽ GĐ âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội (QH) - cho rằng: “Nếu đặt giả định âm thanh, hình ảnh mà đã được cơ quan công an (CA) GĐ nay mới phát hiện ra có vấn đề mà giao lại cho CA GĐ thì sẽ ra kết quả như thế nào?”. Băn khoăn này là ý kiến của cá nhân đại biểu. Tuy nhiên, Điều 34, Luật GĐTP hiện hành chỉ quy định GĐ viên không được thực hiện GĐTP khi được trưng cầu GĐ lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà người này đã GĐ, không quy định phải trưng cầu cơ quan GĐ khác. Đại biểu bộ dẫn chứng rằng: “Thực tiễn trong hoạt động, lịch sử tư pháp từng có vụ việc Tùng Dương ở cầu Chương Dương đã bao lần GĐ của CA không ra được, đến khi giao GĐ quân đội mới ra”. Là những người làm nghề GĐ pháp y (PY), chúng tôi thấy cần dẫn lại vụ việc “cầu Chương Dương” để thanh minh cho các GĐ viên PY thuộc lực lượng CAND. 

1. Tối 29.1.1993 (mồng 7 Tết Quý Dậu), N.V.P (21 tuổi) đi xe máy Honda vào luồng quy định cho ôtô trên cầu Chương Dương, hướng nội thành - Gia Lâm, không bật đèn chiếu sáng. Trung úy cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương dùng xe máy đuổi kịp ở khoảng gần giữa cầu. Dương yêu cầu người vi phạm trở về trạm đầu cầu nội thành... Khi cách đầu cầu khoảng 200m, cả hai dừng lại không rõ vì lý do gì. Rồi xảy ra việc nổ súng trên cầu, N.V.P trúng đạn, tử vong lúc 21 giờ 15 phút trong ngày ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) CA TP.Hà Nội trưng cầu Tổ chức GĐPY Bộ Y tế GĐPY tử thi N.V.P và đây là GĐPY lần đầu. Trực tiếp GĐ là PGS, Phó tiến sĩ (theo học vị giai đoạn này) Nguyễn Phúc Cương - Phó Chủ nhiệm khoa Giải phẫu bệnh lý (GPBL), BV Việt Đức và bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Tuấn - BS lâu năm cùng khoa, đều là GĐ viên kiêm nhiệm thuộc Tổ chức GĐPY Bộ Y tế. Bản GĐPY số 7831/PYGĐ do hai BS này ký, mô tả N.V.P bị hai đường đạn không xuyên thấu (quen gọi đạn chột) ở ngực và một đường đạn xuyên thấu ngón cái bàn tay trái: Một đường đạn có lỗ vào ở dưới xương đòn phải, mép da quanh lỗ khuyết có vành đen, đầu đạn dừng lại ở khối cơ lưng bên trái. Đường đạn khác có lỗ đạn vào ở cạnh ngoài núm vú trái, đầu đạn nằm ở khối cơ lưng trái sát cột sống. Đường đạn xuyên thấu ngón cái bàn tay trái với lỗ vào ở mặt gan ngón cũng có mép da màu đen quanh lỗ khuyết, lỗ ra ở mặt mu ngón, rách da rộng... 

Bản GĐPY này kết luận: “N.V.P bị ít nhất hai phát đạn ở tầm gần”, dường như phù hợp với lời khai của Dương: Dừng lại trên cầu là để Dương đi... tiểu, lúc đó súng K59 của Dương rơi xuống mặt cầu, P chộp lấy, lên đạn đe dọa. Dương và P giằng co, xô xát nên súng cướp cò... Tháng 5.1994, phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Tùng Dương của TAND TP.Hà Nội quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp, yêu cầu điều tra bổ sung, vì chưa đủ chứng cứ buộc tội Dương. Tòa nghi ngờ lời khai “súng cướp cò” vì thấy mâu thuẫn với dấu vết, vị trí thương tích, chiều hướng đường đạn... Lúc này dư luận, nhất là báo chí tỏ rõ không đồng tình với việc Dương bị khởi tố theo Điều 103, Bộ luật Hình sự (1985) về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ và cho rằng phải khởi tố theo Điều 101, BLHS về tội cố ý giết người. Một số bài báo quá tả còn suy diễn theo hướng tiêu cực...

Dấu hiệu tầm gần: Bụi và hạt TS màu đen dính trên da ở khoảng cách bắn mà hơi và nhiệt không thể hiện. Ảnh minh họa

2. Trước tình hình phức tạp, cơ quan CSĐT CA TP.Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ, Viện KSNDTC và TANDTC cho đường lối giải quyết vụ án bằng công văn số 62/PV11, ngày 7.7.1993. Ngày 12.8.1993, Viện KSNDTC chủ trì hội nghị với Bộ Nội vụ và TANDTC để thảo luận những điểm chưa sáng tỏ hoặc mâu thuẫn trong vụ việc mà tầm bắn được xác định là mấu chốt, tội danh của Dương, định hướng những việc cần làm để vụ án sáng tỏ bằng chứng cứ khách quan, khoa học. Hội nghị thống nhất Cục điều tra thuộc Viện KSNDTC tiếp nhận, giải quyết vụ việc. Sau khi yêu cầu các GĐ viên PY Bộ Y tế giải thích về cơ sở của kết luận đạn bắn tầm gần, Cục trưởng Cục CSĐT (C16) Bộ Nội vụ có công văn 592/P4 đề nghị Viện Khoa học hình sự (KHHS) nghiên cứu những trả lời đó có đúng hay không? Những trả lời của GĐ viên PY Bộ Y tế là: “Các thương tích trên người P có vành đen; có vết tụ máu ở xung quanh vết thương; kết quả vi thể tìm thấy sản phẩm thuốc súng (TS) trong vết thương”? Phòng GĐPY, Viện KHHS nghiên cứu công văn 592/P4, cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc gồm biên bản khám nghiệm hiện trường và tử thi (do Phòng kỹ thuật HS, CA Hà Nội lập), bản GĐPY (do Tổ chức GĐPY TW, Bộ Y tế lập)... thấy rằng, kết luận đạn bắn tầm gần với những căn cứ này là sai. Tầm bắn là khoảng cách từ miệng nòng súng đến vật cản quy định chung cho PY, kỹ thuật HS và điều tra HS thế giới. 

Cụ thể, tầm xa: Không có dấu vết dù chỉ là 1 trong 4 yếu tố phụ của đạn gồm áp lực hơi mạnh, nhiệt độ cao, bụi và hạt TS trên vật cản; tầm gần: Có dấu vết của ít nhất một yếu tố phụ và tầm gần đặc biệt là miệng nòng súng kề sát vật cản, 4 yếu tố phụ thể hiện đầy đủ, rõ nét. Tầm bắn không thể xác định đơn vị cụ thể vì phụ thuộc loại súng, hướng bắn, đặc biệt là hướng và tốc độ gió. Những trả lời của GĐ viên PY Bộ Y tế không phải là căn cứ kết luận tầm gần vì: Vành đen (chùi, quệt, bẩn) do dầu lau nòng súng bám trên đầu đạn tạo ra (nếu có), chỉ là một dấu hiệu của lỗ đạn vào ở khoảng cách bắn mà hơi thuốc súng không đủ mạnh để phá rộng lỗ đạn, không phải dấu hiệu đặc trưng của tầm bắn gần. Tụ máu quanh vết thương chỉ là biểu hiện chung của ngoại lực tác động lên cơ thể sống. Còn “kết quả vi thể tìm thấy sản phẩm TS trong vết thương” quả thật không thể hiểu, bởi khi bóp cò, thuốc đạn cháy tạo ra 4 yếu tố phụ, trong đó nhiệt và hơi là vô hình không thể xác định bằng vi thể (soi tiêu bản mô ở lỗ đạn vào trên kính hiển vi). Mặt khác, nếu da, cơ ở lỗ đạn vào dính bụi và hạt TS, qua nhiều công đoạn xử lý mẫu mô tại phòng thí nghiệm với nhiều loại hóa chất dung dịch, rồi cắt lát mỏng 3-4 micromet (phần nghìn milimet) và qua các công đoạn nhuộm màu để thành tiêu bản chắc chắn bụi và hạt TS sẽ biến mất!? 

3. Để xác định có bụi và hạt TS (màu xám đen, nâu đen, xám nâu) trên vật cản sáng màu đơn giản chỉ cần mắt thường, kính lúp và chụp ảnh; nếu vật cản tối màu (như vải đen) hoặc lượng bụi, hạt TS ít phải thu vật cản để nghiên cứu tại phòng thí nghiệm bằng các phương pháp khoa học khác nhưng chắc chắn không phải là “vi thể”. Nghiên cứu ảnh lỗ đạn vào trên áo và da nạn nhân, các GĐ viên PY, Viện KHHS không thấy dấu vết 4 yếu tố phụ; Biên bản khám nghiệm tử thi của CA Hà Nội cũng không ghi nhận 4 yếu tố này trên áo và da. Viện KHHS đã trả lời C16 bằng công văn 403/C21 ngày 28.8.1993. 

Rõ ràng là các GĐ viên PY Bộ Y tế đã sai khi không có bất kỳ một yếu tố phụ nào của đạn nhưng lại kết luận đạn bắn tầm gần. Nói rằng tìm thấy “sản phẩm TS” bằng xét nghiệm vi thể là rất “văng mạng” và không biết đó là “sản phẩm” nào trong 4 yếu tố phụ!? Sẽ có người ngờ rằng, PGS và BS lâu năm sao lại mắc phải sai lầm này? Số là thời kỳ đó do tình trạng thiếu trầm trọng GĐ viên PY nên ngành Y tế phải bổ nhiệm BS chuyên khoa GPBL làm GĐ viên PY kiêm nhiệm. Theo tập quán quốc tế, các BV tuyến tỉnh, thành phố trở lên phải có khoa GPBL, mổ, xét nghiệm, nghiên cứu những ca chết vì bệnh để làm “trọng tài”, rút kinh nghiệm cho chẩn đoán, điều trị vì tiến bộ y học. Tuy nhiên, để có thể hành nghề GĐPY phải hiểu biết hàng tá lĩnh vực chuyên môn khác ngoài GPBL, nên từ 1918, GS Charles Norit (người Mỹ, 1867 - 1934) đã kịch liệt phản đối việc coi BS GPBL là BS PY.

Phải đến ngày 29.9.1993, Cục điều tra, Viện KSNDTC mới trưng cầu Viện PY quân đội khai quật tử thi N.V.P GĐ lại. Bản GĐPY 17.93 ngày 16.10.1993 của Viện kết luận: “Cả ba vết thương trên người N.V.P không có dấu vết của tầm gần”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn