MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thân trống Mường Lát. Ảnh: Trịnh Sinh

Phát hiện mới: Chiếc trống đồng có xuất xứ ở Mường Lát

GS.TS Trịnh Sinh LDO | 25/01/2022 12:24
Chiếc trống đồng mới được phát hiện có xuất xứ từ huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, hiện được ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) sưu tầm và sở hữu. Chiếc trống này thuộc loại trống Đông Sơn, còn gọi là trống đồng loại I theo cách phân loại của học giả người Áo F. Heger.

Trống xuất xứ ở Mường Lát còn tương đối nguyên vẹn, dáng cân đối, mặt trống hình tròn, rìa mặt chưa chờm ra khỏi tang. Thân trống được chia thành 3 phần rõ rệt: Phần tang trống có độ nở đều, phần lưng trống có hình gần nón cụt, phần chân trống hơi loe. Giữa tang và lưng của trống có 4 cặp quai trống, nằm đối xứng qua trục tâm trống. Rìa mặt trống và khắp thân trống có dấu vết “con kê” hình vuông, được rải đều. Dọc hai bên thân trống có dấu vết đường chỉ nổi đánh dấu vết ghép hai mang khuôn thân. Đó là những chứng cứ quan trọng về cách tạo mang khuôn đúc loại trống Đông Sơn.

Trống không có các cặp tượng cóc ở rìa mặt như các trống Đông Sơn muộn. Có 4 cặp quai trống trang trí 8 hàng hoa văn bông lúa. 

1. Kích thước

 Đây là một chiếc trống Đông Sơn thuộc loại có kích thước lớn nhất được biết cho đến nay ở Việt Nam, với đường kính mặt 100,5cm; chiều cao 71,5cm; đường kính chân 102,5cm. Chiều cao của quai 12,0cm; chiều rộng của quai 7,0cm. Trống có các chỉ số kích thước đường kính mặt, chiều cao và đường kính chân lớn hơn cả những chiếc trống thuộc nhóm A1 được biết như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa và Kính Hoa. 

2. Hoa văn mặt trống

Hoa văn trên trống xuất xứ ở Mường Lát còn sắc nét. Giữa mặt có ngôi sao đúc nổi có 12 cánh. Giữa các cánh sao là hoa văn hình lông công xen kẽ với hoa văn hình gạch ngắn.

Xung quanh hình ngôi sao giữa mặt trống có 10 vành hoa văn với độ rộng không đều nhau, miêu tả các mô típ hình động vật và các hoa văn hình học. 

- Vành 1 trang trí hình hồi văn.

- Vành 2, 9 trang trí hình vòng tròn đồng tâm chấm giữa, tiếp tuyến.

- Vành 3, 8, 10 trang trí hoa văn gạch ngắn song song.

- Vành 5 trang trí hoa văn hình 4 ngôi nhà sàn, hình người múa hoá trang.

- Vành 6 trang trí hình chim bay, xoè cánh rộng.

Đây là những hoa văn chuẩn mực của văn hoá Đông Sơn, đã tìm được trên một số trống khác.

3. Hoa văn tang trống

Một số hoa văn trên tang trống đã bị mờ. Những hoa văn còn nhận thấy được, từ trên xuống dưới:

- Vành 1, 3 trang trí hoa văn gạch ngắn song song.

- Vành 2 trang trí hoa văn vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến.

- Vành 4 là vành hoa văn chủ đạo, rộng nhất, trang trí hoa văn hình thuyền, trên thuyền có hình người hoá trang và cả người đang cầm mái chèo. Ở khoảng cách giữa hai thuyền còn được trang trí hình chim đứng, có thể là hình chim bồ nông với mỏ dài. 

4. Hoa văn lưng trống

Từ trên xuống dưới có những vành hoa văn:

- Vành 1 là hoa văn chủ đạo, rộng nhất, trang trí hình người múa hoá trang cách điệu, mảng hoa văn này còn được ngăn cách bởi những cột hoa văn đứng, trang trí hoa văn hình học: Hai cột hoa văn gạch chéo, ở giữa có hoa văn vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến.

- Vành 2, 4 trang trí hoa văn gạch ngắn song song.

- Vành 3 trang trí hoa văn vòng tròn tiếp tuyến chấm giữa.

5. Chân trống: Không trang trí. 

Chiếc trống xuất xứ ở Mường Lát này là một chiếc trống Đông Sơn đẹp, đã cho chúng ta một số tư liệu và nhận thức mới về trống đồng nói riêng và nền văn hoá Đông Sơn nói chung.

Hoa văn 2 con bồ nông đang đứng phía trên quai trống.
 
Hoa văn chim bay, người hoá trang cách điệu trên mặt trống.
 
Hoa văn hình nhà sàn trên mặt trống.
 
Hoa văn ngôi sao giữa mặt trống. Ảnh: Trịnh Sinh

Trống xuất xứ ở Mường Lát được đúc với kỹ thuật luyện kim khá cao, dùng khuôn đúc đất sét tạo thành 3 mang khuôn: 1 khuôn mặt, 2 khuôn thân. Bên trong lại còn có khuôn trong (còn được gọi là “thao”). Trống có hệ thống “con kê” được rải đều, găm vào giữa khuôn ngoài và khuôn trong trước khi đổ đồng để tránh sập khuôn. 

Đáng chú ý là một số hoa văn hình chim bồ nông đứng xen kẽ giữa các thuyền. Chim có mỏ dài và to, đôi chân cao, đuôi dài, toàn thân được trang trí hoa văn gạch ngắn song song. Chim bồ nông trên trống này khá giống với trang trí trên trống Sông Đà. Hoa văn chim bồ nông đứng còn được thấy trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ. Hoa văn 4 ngôi nhà sàn rất đẹp. Đó là ngôi nhà có mái hình thang lộn ngược giống với kiểu nhà sàn mái cong trên các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… Đặc biệt ngôi nhà sàn này rất giống với 2 ngôi nhà trang trí trên trống Quảng Xương, Thanh Hoá. Ngôi nhà trang trí trên trống xuất xứ ở Mường Lát đẹp hơn, hoa văn sắc nét hơn nhà trên trống Quảng Xương. Đầu hồi của nhà trang trí hoa văn hình đầu chim, còn có cả mắt tròn. Ngôi nhà có sàn cao và có cầu thang lên xuống ở hai bên. 

Bước đầu có thể xếp trống xuất xứ ở Mường Lát vào nhóm A, niên đại vào khoảng 2.300 - 2.200 năm cách ngày nay. Đây là chiếc trống quý và hiếm, bổ sung vào kho di sản trống Đông Sơn độc đáo của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn