MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18.9.1945 tại Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân

hoàng lâm LDO | 13/10/2023 11:00

Khi cần nguồn lực để bảo vệ, dựng xây và phát triển đất nước, vai trò và vị trí của lực lượng doanh nhân là rất quan trọng. Bản thân đa số doanh nhân cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Song cần đặt câu hỏi rằng: Doanh nhân có cần được bảo vệ không?

Câu chuyện 5.000 công nhân ở Công ty TNHH Viet Glory đóng ở địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) ngừng việc tập thể hồi giữa tháng 10 đã được giải quyết ổn thỏa, doanh nghiệp đã xuống nước đồng ý với một số kiến nghị của công nhân, công nhân cũng đã trở lại làm việc. Thế nhưng từ câu chuyện này cũng đặt ra những vấn đề nóng cần giải quyết.

Sự kiện ngừng việc tập thể của 5.000 công nhân bắt đầu từ yêu cầu tăng sản lượng của doanh nghiệp. Ngay lập tức 8 yêu sách được đưa ra trong đó có việc công nhân đòi tăng lương, tăng phụ cấp...

Vấn đề là khi công đoàn vào cuộc, đối thoại giữa các bên thì chính chủ doanh nghiệp lại cho rằng: Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành thì doanh nghiệp không sai, bởi lương công nhân đã được trả cao hơn lương tối thiểu vùng, các chế độ cũng được đáp ứng theo những thỏa ước tập thể. Bản thân doanh nghiệp cũng rất nỗ lực để có đơn hàng (trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp khác không có đơn hàng do những phức tạp về tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới), vì thế nếu kiến nghị của công nhân vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp thì họ cũng không thể trụ được.

Làm sao đảm bảo quyền lợi giữa doanh nghiệp - người lao động trong bối cảnh hiện nay là một bài toán khó.

Đây là vấn đề không mới, tròn 70 năm trước, vào năm 1953, trong tác phẩm “Thưởng thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Kinh tế tư bản tư nhân: “Họ bóc lột công nhân nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ:

“1 - Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

2 - Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.

Quan điểm “vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cách đây 70 năm chính là lời giải cho mối quan hệ lao động hiện nay.
***

Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến bức thư mà Bác viết gửi giới công thương đúng ngày 13.10.1945. Trong bức thư ấy, Bác đã động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này...”.

Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, ngày 11.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự nghiệp vẻ vang kiến thiết nước nhà và kêu gọi: “Đồng bào điền chủ nông gia hãy hăng hái cùng nhau làm việc kiến thiết đó”.
Đòi hỏi trách nhiệm của doanh nhân với nhân dân, với đất nước thì cũng cần tạo ra những chính sách, những điều kiện để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, làm giàu chính đáng, hợp pháp cho mình và cho tổ quốc.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Để làm được điều này, Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu có tính đột phá cả trước mắt và cơ bản lâu dài.

Chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự bảo đảm chính trị - pháp lý, là điều kiện, môi trường tiên quyết để hoạt động của doanh nhân và doanh nghiệp là một thể thống nhất. Không thể có đội ngũ doanh nhân phát triển nếu như điều kiện chính trị - pháp lý, môi trường kinh doanh thiếu khoa học, xơ cứng, trì trệ, xa rời thực tiễn sự vận động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Mặt khác, chỉ khi các doanh nghiệp hoạt động tốt, có hiệu quả thì đội ngũ doanh nhân mới trưởng thành về mọi mặt.

Tất nhiên, chỉ có những doanh nhân (cả doanh nhân trong nước lẫn doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và làm ăn) chân chính, tuân thủ pháp luật mới cần bảo vệ và tạo điều kiện.

Đó mới là những người được đặt lên vai sứ mệnh cao cả là lực lượng đi đầu, tiên phong trong công cuộc phục hồi và phát triển đất nước.

Ngày 10.10.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 41 nêu rõ quan điểm, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị nêu rõ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Mục tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết số 41 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn