MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đa phần những người làm nón lá đều là các bà, các mẹ đã qua độ tuổi lao động. Họ duy trì công việc được truyền từ đời này qua đời khác, và cũng là để bớt đi gánh nặng tài chính cho gia đình. Ảnh: Hải Nguyễn

Phát triển nền công nghiệp văn hoá từ những sản phẩm truyền thống

Minh Ánh LDO | 07/08/2023 15:41

Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa không chỉ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia mà còn khẳng định thương hiệu, giúp bảo tồn và phát triển văn hóa đất nước.

Nón lá trong chặng đường dài

Ánh mắt ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) chuyển hướng nhìn vào vô định, khi được hỏi về việc phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm nón lá hướng đến xây dựng một nền công nghiệp văn hoá.

Ông Hùng không phải không biết câu trả lời, mà vì quá hiểu những nỗi niềm nghề làm nón tại làng Chuông quê ông, nên trong phút chốc ông không thể đưa ra câu trả lời.

Với giá trị truyền thống lâu đời, làng Chuông là ngôi làng nổi tiếng với nghề làm nón hàng trăm năm tuổi. Theo ông Hùng chia sẻ, nghề làm nón đã có từ lâu đến nỗi, các bậc cao niên trong làng cũng không hề biết nghề truyền thống bắt đầu từ thời kỳ nào. Làng Chuông xưa kia cũng là một bến cảng buôn bán tấp nập "trên bến dưới thuyền" bên bờ sông Đáy. Chính vì vậy, việc phát triển nghề truyền thống làm nón lá cũng có nhiều điều kiện hơn.

Đặc điểm khác biệt của nón làng Chuông là có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Bà Phạm Thị Mì, nghệ nhân làm nón tại làng Chuông cho biết: “Nón lá phải có 16 vòng mới là nón lá đẹp. Nếu chỉ có 15 vòng thì nón lá trông sẽ ngắn và xấu. Nếu thừa 1 vòng thì lại trông lụp xụp, không thanh thoát“. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Hùng kể, nghề làm nón tại quê hương ông được thế hệ trước truyền sang thế hệ sau, cứ vậy mà duy trì mãi đến bây giờ. Trong làng không ai không biết làm nón lá, những đứa trẻ 4-5 tuổi cũng đã có thể tham gia phụ giúp gia đình làm nón. Ngày nay, khi những nhà máy, công xưởng mọc lên, những lớp người trong độ tuổi lao động đổ đi các ngã làm công nhân, nên nghề này giờ chỉ còn các cụ già, người cao tuổi và các em nhỏ tham gia. Cốt cũng là để bớt đi gánh nặng tài chính cho gia đình.

Không cần bàn nhiều đến giá trị văn hoá của chiếc nón lá - một biểu tượng đi khắp năm châu của người Việt - ông Hùng trăn trở nhiều về giá trị văn hoá và việc phát triển kinh tế từ nghề truyền thống này.

Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết, dù ngày nay người làm nón tại làng thưa dần, nhưng không vì thế mà nghề truyền thống của làng Chuông bị mai một. Tuy nhiên để phát triển và tạo ra một nền công nghiệp văn hoá từ sản phẩm nón lá không phải là ngày một ngày hai. "Hiện địa phương chúng tôi đang thiếu không gian để giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm. Mặt khác, việc liên kết các cơ sở, hộ gia đình làm nghề vẫn phải đợi cơ chế, chính sách từ nhà nước. Để đầu tư làm du lịch làng nghề, cần có mặt bằng rộng, rất tốn kém kinh phí, hơn nữa chưa có nhiều người muốn đầu tư làm du lịch làng nghề".

Trên thực tế, nón là một sản phẩm văn hoá đại chúng, đáng tự hào của Việt Nam khi có thể vươn tầm quốc tế. Bạn bè, khách du lịch quốc tế hay thậm chí cả những ngôi sao, ca sĩ hàng đầu quốc tế khi đến Việt Nam cũng đội những chiếc nón lá từ tay người Việt tạo ra. Đơn cử như thời gian qua, các thành viên nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) khi biểu diễn tại Hà Nội cũng đã có những hình ảnh hết sức đẹp với chiếc nón lá.

Chúng ta tự hào về một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và vươn tầm thế giới, nhưng chúng ta lại thiếu các bước, các kế hoạch để phát triển kinh tế từ một sản phẩm văn hoá đại chúng sẵn có.

Định hình lối đi cho nền công nghiệp văn hoá Việt Nam

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, công nghiệp văn hóa mang tới hai giá trị: Kinh tế và tinh thần. Hai giá trị này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Văn hóa là điều kiện, cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế tạo ra tiềm lực vật chất để phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội là mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việt Nam không thiếu các thành tố để tạo ra công nghiệp văn hoá, nhưng chúng ta đang thiếu sức cạnh tranh. Các sản phẩm công nghiệp văn hoá của ta chưa đa dạng, phong phú, kém hấp dẫn, thiếu tính độc đáo, ứng dụng nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Nón Làng Chuông đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Du khách nước ngoài cũng rất thích những chiếc nón lá Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguyên nhân là do các sản phẩm văn hoá chưa thực sự được đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp. Cùng với đó là những trở ngại về cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển.

Quay trở lại với câu chuyện nón lá. Nón Làng Chuông đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Khách “sành” sẽ biết tìm về làng Chuông để mua nón bởi nó mang nhiều nét đặc trưng. Những người dân làng Chuông tâm huyết với nghề làm nón cũng luôn mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho những nghệ nhân tìm được cơ hội phát triển tốt hơn, gìn giữ nghề cho thế hệ mai sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn