MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc thư viện trong khu kí túc xá công nhân của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) tại Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh mguồn: SDV

Phát triển thiết chế nhà văn hóa cho công nhân

mai Anh Tuấn LDO | 14/05/2023 20:25
Xây dựng các nhà văn hóa sao cho nó trở thành một thiết chế, một không gian tri thức, văn hóa và giải trí cho công nhân chắc chắn là công việc cần kíp, quan trọng và vì thế, đòi hỏi phải nỗ lực duy trì thường xuyên, lâu dài.

Theo thống kê, nước ta hiện nay có khoảng trên 16 triệu công nhân, người lao động đang trực tiếp tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và dịch vụ. Điều đáng chú ý là người lao động đang có xu hướng trẻ hóa với 60% tổng số người dưới 30 tuổi. Với độ tuổi này, ngoài nhu cầu, mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập tăng cao thì rõ ràng, họ còn có nhu cầu văn hóa, văn nghệ và giải trí. Họ không thể chỉ biết tăng ca, tăng giờ làm mà chắc chắn còn muốn biết nhiều tri thức khác nhau trong đời sống vốn dĩ ngày càng phong phú, phức tạp.

Lâu nay, tại các nhà máy hoặc các khu công nghiệp lớn, chúng ta vẫn có nhiều hoạt động thiết thực nhằm vun đắp, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân. Trong đó, các nội dung liên quan đến văn nghệ, ca hát, thể dục thể thao dường như luôn được lựa chọn, ưu tiên hàng đầu. Một phần vì các nội dung này, nhìn chung, tương đối dễ triển khai, có thể tổ chức linh hoạt theo kiểu “cây nhà lá vườn”, đồng thời phù hợp với mức độ tiếp nhận của đa số bộ phận công nhân lao động. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nâng cao vốn tri thức, hiểu biết và văn hóa thì các nội dung trên chưa thể đáp ứng trọn vẹn.

Bản thân việc quá tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để triển khai các hoạt động văn hóa, giải trí thì chính những người công nhân cũng cảm thấy sự quen thuộc, cũ kĩ, thậm chí nhàm chán. Trong thực tế, không ít công nhân phải tự mình tìm kiếm niềm vui văn nghệ qua các cuộc liên hoan ăn uống chốc lát và hát karaoke ngẫu hứng.

So với nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ, trường học, trạm y tế thì nhu cầu về một nhà văn hóa có thể không đau đáu bằng. Một khảo sát nhỏ trên một tờ báo điện tử vào giữa năm 2022 cho thấy, chỉ 18 người đề cập đến “nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, khám chữa bệnh” trong tổng số 437 người được hỏi về vấn đề công nhân, người lao động quan tâm nhất hiện nay.

Con số này dĩ nhiên không phản ánh đầy đủ, chính xác các đề đạt, mong muốn của giới công nhân nhưng phần nào thể hiện sự thật rằng, “nơi sinh hoạt văn hóa” chưa thể xen vào nỗi lo lắng về bảo hiểm xã hội, lương hưu hay nhà ở. Tuy vậy, không vì ít người đề đạt mà chúng ta lại bỏ qua sự cần thiết phải xây dựng một nơi chốn sinh hoạt, không gian văn hóa cho công nhân ngay tại mỗi nhà máy, khu công nghiệp.

Một nhà văn hóa cho công nhân, theo tôi, có thể là quy định bắt buộc đối với các nhà máy, xí nghiệp có lượng công nhân vài trăm người trở lên. Tương tự thiết chế nhà văn hóa xã, nhà văn hóa tại công ty/xí nghiệp, khu công nghiệp cần được vận hành theo hướng đa năng và đa mục tiêu. Đầu tiên, nó là nơi tụ họp, tập trung và tham gia sinh hoạt cộng đồng của công nhân. Đó cũng là nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ theo các dịp lễ lạt.

Quan trọng hơn, nhà văn hóa cho công nhân thì công nhân phải được là chủ thể, là người trực tiếp sáng tạo nội dung và thực hiện các nội dung đó. Chẳng hạn, họ có thể tự xây dựng các nội dung về trau dồi, hoàn thiện kĩ năng làm việc dựa trên thực tế công việc của họ. Họ cũng có thể xây dựng, phát triển các câu lạc bộ tùy theo sở thích, năng lực của mỗi nhóm công nhân. Các tọa đàm, trao đổi, chia sẻ về kiến thức, kĩ năng chăm sóc sức khỏe, hôn nhân, gia đình cũng là điểm nhấn thu hút sự tham gia của người lao động.

Các chương trình bồi dưỡng, khóa học ngắn hạn bổ trợ về thể thao, văn hóa nghệ thuật chắc chắn khích lệ công nhân phát triển tốt hơn năng lực tiềm ẩn của bản thân. Đặt trong bối cảnh xã hội học tập hiện nay, các nhà văn hóa cho công nhân có lẽ nên được vận hành như một “trạm” truyền dẫn các giá trị văn hóa, giáo dục hơn là một nơi chốn giải trí thuần túy.

Muốn thực hiện được mục tiêu đó, nhà văn hóa cho công nhân cùng lúc sẽ đóng vai là một thư viện, một rạp phim, một nhà hát, một trung tâm học tập/giáo dục... Nhưng vấn đề không phải là đặt trong thư viện nhà văn hóa đó bao nhiêu đầu sách mà phải tạo dựng thói quen đọc sách, tìm hiểu tri thức qua sách cho công nhân; không chỉ liệt kê số lượt người đọc sách mà phải ước lượng được hiệu quả của kiến thức sách vở đã làm phong phú, giàu có thế giới tinh thần của công nhân ra sao.

Tương tự, khi trình chiếu một bộ phim, không nhất thiết phải là phim mới, phim bom tấn, mà phải làm thế nào để người lao động cảm nhận được những giá trị đặc sắc của bộ phim đó. Khi biểu diễn một vở kịch, một chương trình ca nhạc, cũng phải có thêm những diễn giải về loại hình nghệ thuật này. Như thế, nhà văn hóa phải có nhân sự chuyên trách, có sự kết nối hiệu quả với nhiều đơn vị, cá nhân ngoài xã hội để gia tăng chất lượng nội dung hoạt động.

Khác với nhà văn hóa xã thường gắn liền với một cộng đồng dân cư cố định, có khi lâu đời, nhà văn hóa cho công nhân lại thường đón nhận các lớp công nhân mới, có độ tuổi và trình độ khác nhau, nên đó phải là thiết chế mở, cập nhật và hiện đại. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nguồn gốc xuất thân của công nhân luôn là đa dạng về mặt địa lí và văn hóa, họ đến từ các vùng miền, các truyền thống tập tục, văn hóa khác nhau nên điều họ cần là sự thừa nhận sự đa dạng này.

Khi thiết chế nhà văn hóa đón nhận và lan tỏa tính chất đa dạng văn hóa đó, người công nhân sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, lắng nghe và thông hiểu. Trái ngược với nỗi lo đơn điệu, đơn giản trong thực đơn tinh thần của công nhân, tôi tin rằng sự phong phú và đáng bận tâm lại luôn ẩn sâu trong mỗi cuộc đời công nhân, những người chẳng mấy khi có điều kiện được bộc bạch, thổ lộ.

Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, trong đó, đặt mục tiêu xây dựng mô hình thí điểm nhà văn hóa, thể thao công nhân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khu công nghiệp. Có thể nói, tại thời điểm này, cần có sự rà soát, đánh giá tổng thể về thiết chế nhà văn hóa cho công nhân, từ đó, có những biện pháp thúc đẩy phát huy hơn nữa vai trò của thiết chế này.

Với cá nhân tôi, hình dung về mô hình nhà văn hóa lí tưởng cho công nhân phải là nơi tạo ra các dưỡng chất tích cực cho quá trình tái tạo sức lao động. Dưỡng chất này, một cách bền bỉ, sẽ đảm bảo sức mạnh cảm xúc, nội tâm và kinh nghiệm sống cho công nhân. Suy cho cùng, bất cứ công nhân nào cũng muốn có lương thưởng hợp lí, có nhà cửa và phúc lợi xã hội đầy đủ và trong thâm tâm, họ luôn tự tin, tự hào với công việc, nghề nghiệp của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn