MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phê bình sinh thái hay chuyện "hãy lễ độ với thiên nhiên"

Phạm Xuân Dũng LDO | 15/04/2018 12:05
Năm 2017 có một tác phẩm nghiên cứu phê bình văn chương không gây ồn ào nhưng lại được dư luận chú ý và được tái bản, và điều này cũng có thể xem như  một hiện tượng xuất bản trong lĩnh vực vốn được coi nặng tính hàn lâm và thường khô khan, khó hiểu. Một điều lạ là tên gọi của nó nghe qua lại quá ư báo chí nhưng tựu trung  vẫn là thời sự văn chương, hay ít ra cũng nhắc nhở về một thời sự mà văn chương nước ta cần hướng đến. Đó là cuốn “Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương”, phê bình sinh thái của TS Nguyễn Thị Tịnh Thy.

Cuốn sách hơn 500 trang với 4 chương chính. Chương một: “Các khái niệm tiền đề”, chương 2: “Văn học sinh thái”, chương 3: “Phê bình sinh thái” và chương 4: “Thực hành nghiên cứu”.

Mặc dù phê bình sinh thái được trình bày trước hết dưới góc nhìn học thuật nhưng tác giả chuyên luận này không sa đà kinh viện mà luôn gắn tác phẩm của mình với đời sống xã hội, thậm chí nhấn mạnh đến những vấn đề cấp thiết không chỉ là vấn đề thời sự của báo chí mà còn là (và phải là) thời sự của văn chương. Trong lời mở đầu “Lắng nghe trái đất” người viết đã tâm sự: “Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Ô nhiễm môi trường từ sinh hoạt và sản xuất đã, đang và sẽ là vấn nạn, đại nạn đối với con người và vạn vật. Rừng khô, suối cạn, biển nhiễm độc, cá chết, lũ lụt, hạn hán, vỡ đập, tràn bùn... liên tục ập đến như những mối “họa vô đơn chí”. Vì thế, với động thái trách nhiệm và lắng nghe trái đất, nghiên cứu văn học từ góc nhìn sinh thái học chắc chắn không phải là “thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”, cũng không phải thương vay khóc mướn, mà là công việc cần làm, phải làm của người trong cuộc, thể hiện sự hồi đáp của khoa học văn chương đối với tiếng kêu cứu của môi trường sinh thái” (trang 17).

Bởi là một chuyên luận, hơn thế, còn là một chuyên luận về địa hạt khá mới mẻ đối với văn chương Việt Nam nên tác giả đã trình bày có thứ tự, lớp lang để người đọc có điều kiện tìm hiểu về văn học sinh thái một cách bài bản và cơ bản, tránh được những quan niệm thô giản về sinh thái cũng như văn học sinh thái. Chẳng hạn như cho rằng người Á Đông vốn có truyền thống yêu chuộng thiên nhiên nên thuận lợi trong việc bảo vệ môi trường sống trong lúc đó lại đang là vấn nạn lớn đối với nhiều nước đang phát triển ở khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo tác phẩm này thì văn học sinh thái chính thức ra đời khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX. Chức năng cảnh tỉnh của dòng văn học này được đặt lên hàng đầu “để cảnh báo nhân loại cần thay đổi phương thức sống, thay đổi quan niệm về giá trị, quan niệm về tự nhiên. Bởi vì nguy cơ sinh thái không chỉ là nguy cơ môi trường mà còn là nguy cơ đạo đức, nguy cơ tư tưởng và nguy cơ văn hóa” (trang 80, sách đã dẫn – từ đây viết là SĐD). Hay khi bàn về một đặc trưng rất quan trọng của tác phẩm văn học sinh thái chính là sư kết hợp giữa khoa học và văn học, tác giả lý giải: “Văn học sinh thái có sự kết hợp giữa tính khoa học của thể loại phi hư cấu và tính văn học của loại hình nghệ thuật ngôn từ. Tính khoa học thể hiện những kiến thức của nhà văn về thế giới tự nhiên. Qua tác phẩm, độc giả hiểu biết nhiều hơn về thế giới mình đang sống, hiểu biết để trân quý, yêu thương và bảo vệ. Đó là con đường đi từ lý trí đến tình cảm của “tính khoa học”. Đồng thời con đường đó cần phải có những nhịp cầu thẩm mỹ của thi pháp văn chương, nghĩa là tính văn học, thể hiện văn tài của tác giả và tạo nên sức hấp dẫn, sức thanh tân cho tác phẩm văn học sinh thái” (trang 95. Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức nhập môn cần thiết về văn học sinh thái còn mới mẻ không chỉ với độc giả phổ thông như: Triết học sinh thái, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, thần học sinh thái, mỹ học sinh thái và tất nhiên cả phê bình sinh thái. Tác giả đã diễn giải một cách dễ hiểu nhiều điều được coi là khó hiểu nên người đọc thuận lợi trong tiếp nhận.

Dù phần học thuật thiên về lý luận đã được người viết cố gắng trình bày mạch lạc, sáng sủa và dễ hiểu nhưng tác giả vẫn dành hơn 200 trang sách để phê bình tác phẩm cụ thể trong chương 4: “Thực hành nghiên cứu”nhằm minh họa sinh động một số cảm thụ văn chương dưới góc độ của người làm nghiên cứu phê bình. Đây là động thái cần thiết, bởi văn học sinh thái còn khá lạ lẫm đối với nhiều độc giả, kể cả những người thường xuyên có quan hệ với văn chương. Hơn nữa, nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong lời giới thiệu cuốn sách : “Chuyên luận phê bình sinh thái của Tịnh Thy giới thiệu khá đầy đủ về lý thuyết, nguồn gốc, phát sinh, phát triển, sự khác nhau về các quan niệm, quan điểm của phê bình sinh thái. Điều đó rất cần nhưng chưa đủ. Bởi tỳ vị người Việt vẫn chưa quen với lý thuyết thuyết chay và chỉ dễ tiếp nhận khi lý thuyết ấy được hóa thân vào sự thực hành phê bình tác phẩm” (trang 9).

Khi vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái, tác giả đã chỉ ra những đóng góp quan trọng của nhà văn Trần Duy Phiên qua tác phẩm của mình. Bộ ba truyện ngắn vừa độc lập vừa liên hoàn trong tính tương đồng của “Mối và người”, “Kiến và người” và “Nhện và người” của ông đều có chung một con người đối nghịch với thiên nhiên. Nhân vật chính chỉ muốn thống trị thiên nhiên, muốn ăn thua đủ với cả những con vật bé nhỏ như mối, kiến và nhện theo một quan niệm thiên lệch ăn sâu vào xương tủy của người phương Đông: “Con người là chúa tể của muôn loài”. Thay vì sống hòa thuận với tự nhiên, nương tựa vào tự nhiên thì trái lại, họ chỉ muốn chế ngự, chà đạp bằng mọi giá. Rốt cuộc, những nhân vật được cho là có khả năng, tài trí đã thất bại trước những sinh vật nhỏ nhoi nhất.

Những kết thúc dù bi kịch hay hài kịch đều cho thấy sự cần thay đổi quan niệm sống của những con người này, ở đây là với thế giới tự nhiên. Theo nhà phê bình thì những biện pháp nghệ thuật từ chuyện đặt tên tác phẩm theo mệnh đề “A và B” tạo quan hệ đẳng lập, hơn thế, việc để các con vật được đặt ở trước trong nhan đề truyện ngắn còn có mục đích đề cao vai trò tự nhiên; rồi bút pháp “đòn bẩy” lúc đầu tán dương sau “hạ bệ” vị trí những nhân vật chính vốn không chịu thua mọi thứ, kể cả với côn trùng; giọng tự sự đa thanh, đối thoại đã đạt đến tầm diễn ngôn của tư tưởng sinh thái là những điểm đặc sắc của các truyện ngắn này.

Ngoài một số tác phẩm văn học tiêu biểu, ấn tượng, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy còn phân tích cuốn tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê và thơ Haiku (Nhật Bản) cũng dưới góc nhìn văn học sinh thái với nhiều ý kiến xác đáng và thú vị.

Trong điều kiện văn học đương đại Việt Nam vẫn còn thiếu vắng các sáng tác văn học sinh thái cũng như thưa thớt và chưa có hệ thống nghiên cứu lý luận phê bình về dòng văn học này thì cuốn sách của tác giả Tịnh Thy trong chừng mực nhất định cũng xứng đáng được coi là một cơn mưa đúng lúc (“cập thời vũ”), góp phần kích hoạt sáng tạo trong văn học sinh thái; công trình này là một cuốn sách công cụ kịp thời, dễ đọc và đáng đọc về sinh thái và văn học sinh thái. Đây, như chúng tôi đã nhấn mạnh, cũng là vấn đề thời sự xã hội, thời sự của báo chí mang tầm phổ quát nhân loại. Và đó cũng là câu chuyện của những người trí thức, những người cầm bút kể cả trong và ngoài văn chương. Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại câu nói của một người thầy như một chia sẻ thời cuộc, đương nhiên không ngoại trừ văn chương: “Hãy lễ độ với thiên nhiên!”.

TS Nguyễn Thị Tịnh Thy hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐHSP Huế, tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học, có thể kể ra:

- Tự sự kiểu Mạc Ngôn, NXB Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2013 (tác giả)

- Văn học hậu hiện đại - Lý thuyết và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013 (đồng tác giả)

- Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2013 (đồng tác giả)

- Văn học và ngôn ngữ - Một số vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Thuận Hóa, Huế, 2007 (đồng tác giả)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn