MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nâng cao năng lực tự quản

Phía trước là mùa xuân...

Luật sư Phan Trung Hoài LDO | 01/01/2017 14:42
Tôi nhận được cuộc điện thoại từ Montreal Canada của một người không quen biết, để hỏi thăm và nhờ giúp đỡ cho một đứa cháu trong gia đình đang gặp rắc rối với pháp luật ở Việt Nam.

 Tôi rà soát trong số các khách hàng mà mình có điều kiện sang làm việc từ năm 1995, hay các đầu mối từ chuyến đi công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam dự Hội nghị thường niên của Đoàn Luật sư Canada năm 2012, nhưng không biết người nói chuyện với mình là ai. Rốt cuộc họ nói thật là biết tôi qua tìm kiếm trên mạng Internet, vì hoàn cảnh gia đình người thân ở thành phố rất khó khăn, nên muốn nhờ tôi trợ giúp về mặt pháp lý cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Đây là những ngày tháng cuối cùng của năm, người ta thường nói trong Mùa lá vọng, yêu thương được tích tụ lại những ngày này, mình cũng nên mở lòng với mọi người. Họ cũng lo là việc của gia đình rất nhỏ, có khi chẳng đáng bận tâm với các vụ án đình đám mà tôi đang ở trong tâm bão, chắc gì tôi đã nhận? Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người khi đến với luật sư, chưa kể còn phải đắn đo, cân nhắc không biết có đủ khả năng trả thù lao luật sư… Cứ hình dung đến điều đó là tôi thật sự băn khoăn. Ơ kìa, từ khi mình vào nghề đến nay, có bao giờ so đo, tính toán thiệt hơn giữa một vụ đại án ngàn tỉ hay vụ trộm cắp tài sản chỉ có giá trị hai triệu đồng đâu? Xét về phận người, có khi những đứa trẻ vị thành niên có nhu cầu trợ giúp pháp lý lớn hơn cả những đại gia tiền cao như núi. Vậy mà, câu đầu tiên khách hàng thường hỏi, không biết vụ việc nhỏ như vầy, luật sư có chịu nhận lời giúp không? Ngẫm ra có khi cũng do mình bận bịu thế nào thì người ta mới hỏi thế chứ…

Cách một tuần sau cuộc điện thoại nói trên, một người đàn ông đội mũ lưỡi trai cụp xuống che nửa khuôn mặt đến gõ cửa văn phòng. Nhìn dáng bộ lúng túng trong bộ quần áo ám khói đường phố, ông giới thiệu với tôi là cha ruột của bị cáo hiện đang bị tạm giam về hành vi cướp giật tài sản, được người thân từ Canada giới thiệu đến gặp luật sư nhờ giúp đỡ. Ông không biết rõ hành vi của con thế nào, nhưng cháu bị tòa án nhân dân cấp quận xét xử và tuyên phạt mức án ba năm sáu tháng tù giam. Với tình tiết như thế này, tôi thấy khó quá vì vụ án phạm tội quả tang, hành vi đã được điều tra rõ ràng, các bị cáo đều nhận tội thì làm sao bào chữa đây? Khi đưa ông tờ giấy trắng để viết yêu cầu nhờ luật sư, tôi thấy ông lúng túng, một lúc sau ngập ngừng nói với tôi: “Có gì luật sư soạn dùm, tôi không biết chữ, chỉ biết vẽ tên của mình thôi… Tất cả mọi việc đều cậy nhờ luật sư giúp cho cháu”.

Nghĩ đến hình ảnh người cha thất học, ngày ngày chạy xe ôm kiếm sống, tất tả tìm đến luật sư theo chỉ dẫn của người thân từ bên kia nửa vòng trái đất, tôi đồng ý nhận và cố gắng làm thủ tục vào trại tạm giam để gặp bị cáo sớm nhất. Nhìn ông bối rối “vẽ” nguệch ngoạc tên của mình dưới đơn yêu cầu nhờ luật sư, dường như tôi cảm nhận sâu sắc hơn chức phận nghề nghiệp của mình. Bấy lâu nay mình cứ ở đầu sóng ngọn gió, nói toàn chuyện to tát, lo toàn chuyện vĩ mô, trong khi thật ra nhu cầu của những người không may ở trong hoàn cảnh yếu thế rất giản dị. Trình độ văn hóa còn hạn chế, ngay đến một văn bản nhờ luật sư cũng không viết được như thế này, họ chỉ mong sao con cái mình nếu không may phạm tội thì làm sao giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho chúng có ngày trở về…

Sắp tới là những ngày bận rộn diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án Ngân hàng Xây dựng, nên tranh thủ ngay sáng thứ hai tôi vào Trại tạm giam Chí Hòa để lần đầu tiên gặp bị cáo. Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên còn rất trẻ, mới qua tuổi mười tám, khuôn mặt hiền lành, có phần nhút nhát so với hình dung của tôi. Sau khi hỏi thêm về những tình tiết trong vụ án và nội dung yêu cầu kháng cáo, tôi bất ngờ nghe cháu nói về những ngày tháng cô độc tự bươn chải kiếm sống khi cha mẹ ly hôn. Thi không đậu vào lớp mười, cháu bỏ học nửa chừng đi phụ bán quán ăn, học làm bếp, kiếm từng đồng để trang trải tiền thuê nhà ở riêng. Trong một lần đi chơi game, cháu gặp và kết bạn với một người thanh niên, sau theo người đó về phụ bán trái cây ở chợ đầu mối. Ban đầu cháu không biết người này đã từng trải qua trường giáo dưỡng, chỉ thấy chịu khó làm ăn, cho đến khi nghe người này than vãn đang thiếu nợ tiền thuê nhà, rủ đi giật túi xách người đi đường, bị cáo đã đồng ý. Tuy nhiên, khi cướp giật túi xách của người phụ nữ, bị người đi đường đuổi theo làm té xe nên không lấy được, bị cáo chạy vào hẻm trốn thoát.

Trong những ngày chạy trốn xuống TP. Biên Hòa, bị cáo tìm cách liên lạc với mẹ, được biết cơ quan điều tra đang truy tìm gắt gao. Đó có thể là những ngày tháng buồn tủi nhất của bị cáo, bởi không nhận được bất cứ sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. May là trong lúc bối rối, mẹ bị cáo đã cố gắng tìm gặp được, động viên con nên về đầu thú tại công an phường, khai nhận toàn bộ diễn biến sự việc để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Khi được hỏi, bị cáo có nhận thức được hành vi cướp giật không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác nữa, tôi thấy bị cáo cúi gằm mặt xuống, nét mặt tỏ rõ sự ăn năn, hối cải. Cháu cho tôi số điện thoại của mẹ, nhờ nhắn là mẹ đừng buồn, cháu sẽ yên tâm cải tạo để sớm trở về với gia đình…

Tôi biết mình đã tìm ra phương án bào chữa trước phiên tòa phúc thẩm, mặc dù mức án khó mà thay đổi. Mỗi hành vi phạm tội xảy ra đều có nguyên nhân, bối cảnh của nó, nhưng làm sao để bị cáo đừng bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, sau này ra ngoài đời đừng phạm lại sai lầm, lao động làm ăn thành người tử tế. Bước ra khỏi khu vực Trại tạm giam, tôi thầm nghĩ tương lai của cháu vẫn còn ở phía trước, như những nhành hoa đang chào đón nắng Xuân về…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn