MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng sư tử chùa Hương Lãng, bảo vật quốc gia của dân tộc Việt. Ảnh: Tư liệu

Pho tượng đá về linh vật chưa từng tồn tại ở Việt Nam

Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 10/12/2023 06:30

Chùa Hương Lãng có tên chữ là Viên Giác Tự, người dân địa phương quen gọi là chùa Lạng hay chùa Ông Sấm. Gọi là chùa Ông Sấm vì tòa tam bảo còn lưu giữ linh vật sư tử đội tòa sen tạo thành một bệ đá lớn, là điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

Chùa xưa, tích cũ

Chùa Hương Lãng quay về hướng Nam, nhìn ra sông Lạng, thuộc thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Nhà Phật coi hướng Nam là hướng Bát Nhã, hướng gắn với trí tuệ, có thể giúp các kiếp tu diệt trừ được dục vọng để đến bờ giác ngộ và giải thoát. Đây cũng là hướng có thể trợ giúp cho Phật tử tu tâm dưỡng tính, hướng tới thiện tâm trên nền tảng trí tuệ nhà Phật.

Theo sử sách chùa Hương Lãng có từ thời Lý do Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan xây dựng năm 1115. Chùa ngoài thờ Phật còn là nơi tôn thờ Linh nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan - một bậc nữ trung hào kiệt, vợ vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072). Ỷ Lan nổi tiếng là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi việc nước đảm việc nhà, được đông đảo quần thần và nhân dân hết mực ngưỡng mộ, yêu mến. Sinh thời, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan rất mực tôn sùng đạo Phật, bà đã cho hưng công xây dựng nhiều chùa chiền trong cả nước, chùa Hương Lãng là một trong những di tích mà Hoàng Thái Hậu xây dựng. Sau khi mất, bà được nhân dân tôn là "Phật tổ như lai xuất thế" thờ tự tại chùa và nhiều nơi khác trong cả nước.

Nét yên bình chùa Hương Lãng. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

GS. Hà Văn Tấn trong tác phẩm "Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam" cho rằng: Cuộc khai quật khảo cổ học năm 1972 - 1973 ở chùa Hương Lãng đã làm lộ rõ mặt bằng nền chùa thời Lý gần hình vuông, gồm ba bậc, bậc thứ nhất 20,2m x 23,6m; bậc thứ hai 15,2m x 18,8m; bậc thứ ba 8,2m x 10,4m. Bậc thứ ba này là điện thờ, nay còn bệ tượng Phật bằng đá hình sư tử đội tòa sen. Chùa gần hình vuông, có ba bậc với bốn cửa chung quanh, đúng hướng đông tây nam bắc, có thể là một kiểu chùa phổ biến thời Lý.

Chùa nằm trên một khu đất khoảng gần 1ha với kiến trúc kiểu chữ Tam. Từ ngoài vào là Tam quan, có ba lối vào, rồi bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Từ cấp này lên cấp thứ hai cũng có ba lối lên. Cấp thứ ba là khu chính, bao gồm nhà tăng, phật điện. Đáng tiếc là chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 bắt đầu được trùng tu lại.

Hiện nay, trên nền đất của chùa Hương Lãng cổ, các hạng mục đã được phục dựng: 7 gian Đại bái, bộ vì được tạo tác theo kiểu chồng rường đấu kê. Tiền đường 7 gian, các bộ vì được làm bằng gỗ lim theo kiểu con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột. Tất cả các cột đều được kê trên chân tảng bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen, phong cách thời Lý. Thượng điện 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái.

Những báu vật ngàn đời xưa

Ngoài ra, dấu vết thời Lý hiện còn gồm lan can đá và các thành bậc chạm hình sấu đá. Dáng chung của lan can có hình thang vuông (2,07m x 1,77m x 1,20m). Mặt dốc của lan can là tượng một con sấu tròn lẳn trong tư thế đang lao nhanh nhưng lại bất chợt co gập chấn ghìm mình lại. Sấu đá thời Lý được cấu trúc và tô điểm khá cầu kỳ. Đầu tương tự như đầu rồng thời Lý, mồm ngậm ngọc, cổ đeo nhạc, đuôi to dài, tỉa mượt lượn ra phía sau, toàn thân phủ kín hoa tròn cánh xoáy.

Các hình chạm nổi được thể hiện trên một mặt trong của lan can. Khung chạm được thể hiện thành một hình tam giác vuông: viền cạnh đáy là sóng nước hình núi, viền cạnh bên là hoa sen nhìn nghiêng cách điệu, viền cạnh huyền là hoa cúc dây hình sin và văn hình “dấu hỏi”. Trong lòng hình tam giác là hoa cúc dây uốn lượn tự do, dàn kín. Trung tâm nổi bật hình chim phượng đang vươn cao cổ, xòe cánh, co chấn múa nhảy trên một bông hoa sen.

Đồng thời, chùa Hương Lãng còn có một bệ đá hoa sen được ghép từ các viên đá vuông chạm hình hoa thiêng mềm mại. Bệ gồm ba phần là tầng đế, tầng thân và tầng hoa sen. Đặc biệt phần thân bệ đá được tạc hình tượng sư tử đá (dân gian gọi là tượng ông Sấm) rất lớn được đặt trên khối đá hình chữ nhật, kích thước 5,15m x 4m x 0,75m trong tư thế gồng mình hai chân trước hơi vát hình chữ V, hai chân sau co gập.

Chùa Hương Lãng, nơi lưu giữ các báu vật nghìn năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Mặt sư tử tạo tác dũng mãnh, vầng trán cao. Giữa trán chạm hình hoa văn tròn bao quanh chữ “Vương”, thể hiện vua của các linh vật, thể hiện sức mạnh của vương quyền và thần quyền. Cặp mắt lồi to, kề sát cánh mũi rộng có hoa văn. Cổ đeo lục lạc, lục lạc rất sinh động như đang ngả theo nhịp bước của sư tử. Miệng há rộng bằng chiều ngang của đầu, trong mồm ngậm một hòn ngọc. Lưỡi sư tử và viên ngọc đều có hoa văn trang trí cách điệu.

Thân sư tử hạn chế chiều cao và toàn thân sư tử chùa Hương Lãng phủ một thảm hoa văn dày, xung quanh điểm xuyến hoa văn sóng, bên trong là hoa nối nhau kết tròn thành dải hình sin. Chân sư tử có năm móng, hai chân sau còn nguyên vẹn. Đuôi xoắn tròn hình trôn ốc, mông nở to căng đầy sức sống, có đeo đai hình văn thừng. Cách bố cục trang trí cách điệu bằng các đường lượn nhấn mạnh và sâu đã biến hình tượng sư tử từ tả thực sang tượng trưng cách điệu.

Tầng trên cùng của bệ đá chùa Hương Lãng là một tòa sen lớn hình bầu dục có 4 tầng cánh. Bề rộng của tầng cánh lớn nhất là 3,5m, nhỏ nhất là 2m, đài sen cao 0,6m, các cánh sen có hình bầu dục trên mỗi cánh đều chạm nổi rõ hoa văn. Mỗi một tầng của bệ đá hoa sen mang đậm nét vẻ đẹp riêng nhưng kết hợp với nhau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất và chắc chắn đỡ hệ thống tượng tạo thành tam bảo.

Như vậy, ta thấy bệ tượng chùa Hương Lãng tuân theo cấu trúc chung của các bệ tượng thời Lý, có kết cấu như sau: Ở phần giữa đế và đài sen có sư tử đội, đây chính là tư thế cân bằng động hoàn chỉnh. Trên bệ đá hoa sen chùa Hương Lãng, đặc biệt tượng sư tử trang trí rất tỉ mỉ không một diện tích nhỏ nào là không có chạm khắc hoa văn.

Các hoa văn đều có sự chọn lọc kỹ lưỡng và tuân theo một quy cách rõ ràng, từ sen, cúc, tới hoa dây, hoa thị đều được trình bày một cách chuẩn mực. Sự tinh xảo trên các hoa văn thể hiện rất mềm mại, các khối nổi trên bề tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, hoa văn trang trí chau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

Có thể nói, bệ đá hoa sen chùa Hương Lãng là một công trình nghệ thuật thể hiện trí tuệ tuyệt vời của các nghệ nhân thời Lý. Đây cũng là di vật có giá trị lịch sử vô cùng quý giá tạo nên vẻ đẹp và danh tiếng cho ngôi chùa, khiến người xem phải sửng sốt khâm phục bàn tay khéo léo của người xưa.

Ta thấy hình tượng ông Sấm ở chùa Hương Lãng vừa oai linh vừa gần gũi, hiền từ cũng giống như các đấng thần phật trong quan niệm từ xa xưa của dân gian luôn sẵn lòng giúp đỡ con người. Đây là đặc điểm quan trọng phân biệt nghệ thuật thời Lý với nghệ thuật của các triều đại sau này. Các hình tượng nghệ thuật trong điêu khắc thời Lý rất linh hoạt, uyển chuyển, hồn nhiên khác hẳn với tính quyền lực áp chế trong các hình tượng nghệ thuật thời Lê Sơ, thời Nguyễn.

Chùa Hương Lãng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 15 VH/QĐ, ngày 13 tháng 3 năm 1974.

Tượng sư tử chùa Hương Lãng được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bảo vật thể hiện trí tuệ tuyệt vời của các nghệ nhân thời Lý: vừa uy quyền nhưng rất mềm mại, đồng thời mang đậm chất trí tuệ và tôn giáo. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian để minh chứng cho sự bền vững và linh ứng của chùa Hương Lãng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn