MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phùng Thị Huệ trên bục nhận huy chương tại SEA Games 31. Ảnh: Hoài Việt

Phùng Thị Huệ - một phần lịch sử của jujitsu Việt Nam

HOÀI VIỆT LDO | 12/11/2023 06:30

Tuyển thủ jujitsu - Phùng Thị Huệ vẫn đủ sức thi đấu và tranh huy chương cho đơn vị chủ quản Thái Nguyên, nhưng cô đã quyết định dừng sự nghiệp vận động viên để chuyển sang công tác huấn luyện.

Tôi không hề nuối tiếc

“Sau ASIAD 19, tôi cũng suy nghĩ nhiều và mình thấy rằng công việc huấn luyện sẽ phù hợp cho sức khỏe trong tương lai. Tôi đang chuyển dần sang việc huấn luyện bởi đam mê của bản thân vẫn là muốn quảng bá thêm về võ thuật cho những người đam mê tại quê nhà Thái Nguyên. Có thể xem ASIAD 19 là giải đấu quốc tế quan trọng cuối của tôi. Việc tôi nghỉ thi đấu và chuyển dần sang huấn luyện là hoàn toàn đúng” - Phùng Thị Huệ bày tỏ.

Nữ võ sĩ nhỏ bé người Thái Nguyên cũng bảo rằng, quyết định là của mình và không hề tiếc nuối ở điều này. Bây giờ, Huệ đang dần tham gia công tác huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể dục-Thể thao tỉnh Thái Nguyên và cô bắt đầu làm quen với công việc huấn luyện vận động viên năng khiếu, trẻ từ ban đầu đối với môn võ jujitsu. Huệ cho biết, mình đã có 14 năm tập và thi đấu thể thao thành tích cao.

Cả sự nghiệp của Phùng Thị Huệ gắn liền với môn vật tự do nữ và cô đã có 10 năm tập, thi đấu đạt các thành tích trong nước với môn này. Thế nhưng năm 2020, bước ngoặt thay đổi khi thể thao Thái Nguyên mở ra cơ hội phát triển mới cho môn võ được du nhập là jujitsu. Huệ là một trong những người được các thầy rủ rê làm quen, tập rồi thấy phù hợp và đam mê.

Ngót nghét từ lúc đấy đến ASIAD 19, Phùng Thị Huệ có gần 4 năm là võ sĩ jujitsu chuyên nghiệp. Cô từng nói, với nền tảng thể lực và kĩ thuật cơ bản đã làm quen từ môn vật nên khi chuyển sang võ jujitsu thì mình không gặp nhiều bỡ ngỡ.

Phùng Thị Huệ đã cho biết, mình có kỷ niệm trong sự nghiệp và sẽ nhớ nhiều là lúc thi đấu ở SEA Games 31 vào năm 2022 tại Việt Nam và ASIAD 19 vào năm 2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Jujitsu là môn được đưa vào tranh tài chính thức tại SEA Games 31 và Huệ chỉ mang một tâm niệm nỗ lực thi đấu đạt được thành tích do không nhiều tuyển thủ có cơ hội tranh tài Đại hội của châu lục trên sân nhà. Sàn đấu ở nhà thi đấu huyện Hoài Đức (Hà Nội) lúc đấy chật kín người cổ vũ và Phùng Thị Huệ đã giành tấm Huy chương Vàng để đời cho bản thân. SEA Games 31, chúng ta chỉ giành được hai Huy chương Vàng môn jujitsu và Huệ là một trong hai người làm nên điều này.

“Lúc đấy, tôi rất xúc động vì được người thân cùng bạn bè trực tiếp cổ vũ mình. Khi biết mình có chiến thắng, mọi cảm xúc mới vỡ òa”, Phùng Thị Huệ nhớ lại. Tháng 10.2023, Phùng Thị Huệ tiếp tục có dấu ấn thứ hai trong sự nghiệp là giành Huy chương Đồng ở ASIAD 19 tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc). Kết quả Huy chương Đồng của cô cũng là tấm huy chương duy nhất mà đội jujitsu Việt Nam đạt được đấu trường này.

Thực ra, Phùng Thị Huệ đã có những ý định chuyển sang công tác huấn luyện từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, cô sẵn lòng để mục tiêu của bản thân không ảnh hưởng đến thi đấu, tập luyện chuyên môn của mình ở đội tuyển quốc gia. Huệ dự SEA Games 32 tại Campuchia (giành Huy chương Đồng) và ASIAD 19 (cũng có Huy chương Đồng). Trở về từ Hàng Châu (Trung Quốc), ngày 1.11 mới đây, Phùng Thị Huệ đã ra mắt trong ban huấn luyện trong trung tâm “Fight Center Thai Nguyen” là nơi huấn luyện, tập luyện cho người đam mê thể thao đối với võ thuật tổng hợp (MMA) và jujitsu.

“Đây là trung tâm tôi tham gia huấn luyện. Mình rất mong muốn đóng góp một chút công sức của bản thân để giúp những người đam mê thể thao và võ thuật, đặc biệt với môn jujitsu tại Thái Nguyên được biết rõ hơn việc tăng cường thể chất từ tập luyện ra sao”, Phùng Thị Huệ trao đổi. Huệ bảo rằng, việc làm quen với các kĩ thuật luôn phải có sự hướng dẫn huấn luyện cơ bản và mình là người đã trải qua chuyên môn nên rất hy vọng sẽ tạo dựng thêm được đam mê cho nhiều bạn trẻ ở quê nhà.

Người làm nên lịch sử cho jujitsu Việt Nam

Người làm về chuyên môn jujitsu tại Việt Nam đánh giá cao ở Phùng Thị Huệ ở sự chịu khó và khả năng nhẫn nại trong tập luyện, thi đấu. Huệ bảo rằng, phần nào mình có sự lì đòn khi còn tập và thi đấu vật tự do. “Vật là môn thi đấu địa chiến, có các kĩ thuật rất quan trọng trong khóa, siết nên khi tôi bước sang võ jujitsu đã làm quen được tốt hơn. Nhưng nếu tập luyện và thi đấu không đúng kĩ thuật, rất dễ xảy ra chấn thương gãy chân, tay chỉ trong một tích tắc do đó rất cần sự thật trọng và tập trung”, Phùng Thị Huệ bày tỏ.

Năm nay, Huệ bước vào tuổi 30 và xem như cái tuổi đủ sự chín chắn để có những quyết định của mình. Nhưng nhìn vào hành trình thi đấu và giành thành tích thì đúng là cô phải được ghi nhận người làm nên một phần lịch sử cho jujitsu Việt Nam. Phùng Thị Huệ đã sở hữu ngôi vô địch thế giới, vô địch châu Á, vô địch SEA Games, huy chương ASIAD.

Chưa có võ sĩ jujitsu nào của Việt Nam làm được điều ấy. Có thể, đó là một sự may mắn của sự nghiệp mà Phùng Thị Huệ theo đuổi nhưng may mắn cũng phải được hình thành từ thực chất chuyên môn. Tại sàn đấu môn jujitsu ở SEA Games 32 (tháng 5.2023, Campuchia), Phùng Thị Huệ đã có mặt và thi đấu để giành tấm Huy chương Đồng. Lúc đó, cô đã phải đổi hạng cân từ nội dung sở trường 45kg lên thi đấu nội dung 52kg nữ tại Đại hội và gặp đối thủ số một châu Á của hạng 52kg Jessa Khan (Campuchia).

Huệ cho biết, kết quả Huy chương Đồng hay bất kể tấm huy chương nào ở mọi giải đấu đều là nỗ lực của bản thân mình và ban huấn luyện nên luôn trân trọng nó. Sau cả hai thành tích tại SEA Games 31 và SEA Games 32, Phùng Thị Huệ là một trong những gương mặt tiêu biểu mà lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên gặp mặt động viên, trao thưởng với phần tiền có giá trị và bằng khen quan trọng.

“Lúc này, tôi hướng đến công việc sẽ huấn luyện và tìm kiếm được nhiều em trẻ đam mê với võ jujitsu để rồi tập luyện, sẽ thành danh trong tương lai. Nếu mình làm được điều đó là vô cùng hạnh phúc”, Phùng Thị Huệ bày tỏ.

Khi đặt câu hỏi rằng là người đã có những thành tích quốc tế, nếu chuyển sang làm huấn luyện viên, Huệ có thấy áp lực về kết quả chuyên môn không. Cô bảo rằng áp lực chính là để mình phấn đấu giành mục tiêu cao nhất trong chuyên môn nhưng mọi sự khởi đầu bao giờ là không dễ và mình phải học hỏi dần từ các huấn luyện viên đi trước cũng như tích lũy đúc kết từ kinh nghiệm bản thân khi đã thi đấu trước đây.

Bây giờ, gần như thời gian trong một tuần của Phùng Thị Huệ là không có lúc rỗi rãi vì sau những buổi làm việc tại Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể dục Thể thao Thái Nguyên, cô lại có mặt huấn luyện cho người đam mê thể thao ở trung tâm “Fight Center Thai Nguyen”.

Một võ sĩ nhiều thành tích như thế, sau những thời gian dành cho sự nghiệp thể thao thành tích cao, bây giờ Phùng Thị Huệ cũng đang đi tìm một nửa cho riêng mình. Cô cười và bảo rằng, cái duyên vẫn chưa tới với mình nhưng điều ấy không quan trọng bởi thời gian phía trước còn dài...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn