MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP

Quan hệ Mỹ - Nga: Liệu có đột phá?

Trần Bách LDO | 30/05/2021 09:20
Phát biểu với báo chí trước khi bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa hai Ngoại trưởng Mỹ - Nga chiều ngày 19 tháng 5, bên lề phiên họp của Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik, Greenland, Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken đã cho biết, tuy hai bên có những “bất đồng” và Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ trước những hành động hung hăng của Nga nhưng “thế giới sẽ an toàn hơn” nếu lãnh đạo hai nước hợp tác với nhau.

Ông cũng nói thêm rằng Tổng thống Mỹ mong muốn có “quan hệ ổn định và khả đoán với Nga”. Hai nước có thể hợp tác đối phó với đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề hạt nhân ở Iran và Bắc Triều Tiên, và xung đột ở Afghanistan. Blinken cho rằng “quan hệ hợp tác này có lợi cho nhân dân chúng tôi, có lợi cho nhân dân Nga và có lợi cho nhân dân thế giới”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov xác nhận rằng hai nước có những “bất đồng thực sự” nhưng phải hợp tác với nhau ở “những lĩnh vực lợi ích hai bên gặp nhau”. Ông hoan nghênh các cuộc thảo luận “mang tính xây dựng”, tỏ ý sẵn sàng “đề cập đến mọi vấn đề không có ngoại lệ với điều kiện là phải trung thực, dựa trên thực tế và và tôn trọng lẫn nhau. Luật ngoại giao yêu cầu phải có đi có lại, đặc biệt là phản ứng trước hành động thù địch. Nhiệm vụ của chúng ta là tận dụng tốt nhất cơ hội ngoại giao có được và chúng tôi hoan nghênh Mỹ cũng có cách đề cập vấn đề như vậy”. Ông còn nhấn mạnh “chúng ta không hoàn toàn có quan điểm giống nhau nhưng có mục tiêu tương đồng”.

1. Những phát biểu này nghe có vẻ rất quen thuộc. Chúng ta có thể đọc được nó, ở đâu đó, có thể là những năm 2001 hoặc 2009 hoặc 2017 với người phát biểu là Ngoại trưởng Mỹ Colin Powel, Hillary Clinton hay Rex Tillersen. Về phía Nga, người phát biểu cũng rất có thể là các Ngoại trưởng như Yevgeny Primakov hay Igor Ivanov!

Cuộc gặp đã kết thúc với rất ít thông tin công khai được đưa ra. Dư luận hiện đang sốt ruột chờ đợi cuộc gặp đầu tiên giữa hai Tổng thống Biden và Putin dự kiến tiến hành vào 15-16 tháng 6, nếu mọi chuyện đều suôn sẻ. Tại sao? Bởi lẽ quan hệ song phương Mỹ - Nga vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Về phía Mỹ, khác với người tiền nhiệm, ông Biden đã sớm xác định chính sách với Nga. Ngay ngày đầu tiên khi lên nắm quyền, Biden đã cho thế giới thấy cách nhìn nhận vấn đề của mình. Biden đã phát biểu cho rằng thay vì đứng yên, Mỹ sẽ thúc đẩy hành động chống lại hành động sai trái của Nga trong khi hợp tác ở những nơi mà lợi ích của Mỹ được tăng cường. Ngày 20 tháng 1, Nhà Trắng đã thông báo sẽ gia hạn Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược mới (new START) 5 năm nữa, theo đề nghị của Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Trong các cuộc nói chuyện qua điện thoại (ngày 26 tháng 1 và ngày 13 tháng 4), Biden đã nêu bật các lĩnh vực như kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược. Đây là những vấn đề hai bên cũng như thế giới cùng quan tâm. Cả hai nước đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn đủ để phá hoại toàn thế giới. Để bảo đảm tính liên tục nên cho đến nay, Biden vẫn chưa thay đại sứ Mỹ tại Moscow, đây là trường hợp đặc biệt vì tất cả các đại sứ được Trump bổ nhiệm nhưng không là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã được triệu hồi hết.

Biden cũng đã chủ động đề nghị gặp Putin và cuộc gặp hai bộ trưởng ngoại giao cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh này. Chính quyền Biden “tin rằng” cả khi quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp, hai nước vẫn có thể hợp tác được với nhau về một số vấn đề. Ngoài vấn đề kiếm soát vũ khí để kiềm chế cạnh tranh hạt nhân, hai nước còn có mối quan tâm chung là kiểm soát được tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ đã có những cố gắng làm sống lại thoả thuận hạt nhân 2015 với Iran và đã tuyên bố đưa quan hệ với Triều Tiên trở về giai đoạn ngay sau Thượng đỉnh Singapore. Quân Mỹ và NATO dự kiến sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan tháng 11 năm 2021, hai bên đều không muốn có tình trạng lộn xộn hay Taliban quay lại nắm quyền ở Afghanistan.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng này, được tiến hành bên lề phiên họp của Hội đồng Bắc Cực, cho thấy hai bên cũng có thể hợp tác với nhau trong một vấn đề lớn là Biển Bắc Cực. Theo Mỹ, cả hai nước đều có lợi ích ngăn chặn “không cho nước khác” có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này cũng như bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, đường thuỷ qua Biển Bắc và đánh cá.

2. Để tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp gỡ, Mỹ đã có một cử chỉ thiện chí bỏ lệnh trừng phạt công ty chính liên quan đến dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 nối Nga với Đức. Mỹ công bố thư của Antony Blinken gửi Quốc hội Mỹ với nội dung Bộ Ngoại giao đã quyết định trừng phạt một số công ty Nga tham gia dự án nhưng không trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG, một công ty con của Gazprom có trụ sở tại Thuỵ Sĩ cũng như giám đốc điều hành công ty này. Nhiều người cho rằng hành động này của Mỹ vừa tránh cho Washington phải đối đầu với Berlin và vừa tỏ thiện chí với Moscow.

Tuy nhiên, “một điệu nhảy tăng-gô cần có cả hai”, cho đến nay có vẻ như phía Nga vẫn chưa có nhiều động thái như phía Mỹ chờ đợi. Phải chăng chính quyền của ông Putin đang tính toán điều gì hay vẫn chưa bỏ được ác cảm đối với một nhận xét (mang tính cá nhân) của ông Biden trong những ngày đầu nhậm chức về ông Putin???

Hơn nữa, quan hệ giưa hai bên vẫn còn bị chi phối bởi vấn đề Ukraine, việc dịch chuyển quân Nga ở vùng quanh Ukraine. Có thể những động thái này chỉ là để doạ Kiev và thử phản ứng của Biden (nói rộng ra là phản ứng của phương Tây), tuy nhiên cho đến nay không ai loại trừ khả năng Nga sẽ tấn công quân sự Ukraine. Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Chắc chắn là Mỹ và đồng minh châu Âu sẽ phản ứng và kèm theo các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Vấn đề thứ hai là Navalny (nhân vật bị coi là chống đối). Tình hình sức khoẻ của Navalny đang rất tồi tệ sau khi bị bắt và bỏ tù khi từ Đức về Nga. Mỹ và phương Tây đã nhiều lần bày tỏ quan ngại và nếu Nalvany chết, Mỹ và phương Tây sẽ có phản ứng mạnh với lý do nhân quyền và đàn áp những người đối lập.

Và có một điều quan trọng nhưng ít ai đề cập tới, đó là yếu tố Trung Quốc. Liệu những gì Mỹ sẵn sàng đề xuất có đủ sức thu hút để khuyến khích Nga cân nhắc điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh hay không? Trong suốt 5 năm qua, đặc biệt là gần nửa năm vừa qua, chính ông Biden và cộng sự đã có nhiều hành động đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Điểm lại thì có lẽ trong quan hệ Mỹ - Nga những hồ sơ “có thể cùng chia sẻ” là những vấn đề như Afghanistan, Ukraine, Trung Đông, khủng bố, chiến tranh mạng, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Những vấn đề này đòi hỏi phải cần rất nhiều nỗ lực hoạt động ngoại giao mang tính xây dựng.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, quan hệ Mỹ - Nga là mối quan hệ có nhiều cung bậc, “va chạm là tất yếu, nhưng tê liệt thì không”! Hai bên có thể có đối thoại mang tính chất “xây dựng”, có được thoả thuận về một số vấn đề cùng quan tâm nhưng vẫn không có được nhiều điểm tương đồng. Điểm mấu chốt ở đây chính là bất đồng sâu sắc về một trật tự thế giới trong tương lai và vai trò của mỗi nước trong trật tự mới. Chính vì thế, ở thời điểm hiện tại, tìm ra những biện pháp giảm xung đột trong quan hệ Mỹ-Nga đã là một bước đi đầy tham vọng.

Hai ngoại trưởng đã có cuộc gặp gỡ “xây dựng”, chúng ta sẽ chờ xem liệu cuộc gặp gỡ sắp tới giữa nguyên thủ của hai cường quốc có thể tạo ra bước đột phá mới vì hòa bình và ổn định chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn