MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các diễn giả tham dự Tọa đàm. Ảnh: Việt Hà

Quản trị hệ thống y tế qua 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19

Thế Vinh LDO | 26/12/2021 11:00
Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Quản trị hệ thống y tế qua 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19” với sự tham gia chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam) và TS Nguyễn Huy Quang (Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế), dưới sự điều phối chương trình của TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia).

1. GS.TS Nguyễn Văn Kính đã chia sẻ về cấu trúc hệ thống y tế tại Việt Nam cũng như những thách thức mà ngành y tế đang phải đối mặt. Theo đó Việt Nam đã xây dựng được tuyến y tế từ cơ sở trực thuộc các xã, phường, huyện, quận; đến tuyến y tế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và cao nhất là tuyến y tế Trung ương. Hệ thống y tế được quản lý theo 2 trục: Chính phủ và UBND các cấp quản lý hành chính; Bộ Y tế cùng các Cục trực thuộc và Sở y tế các tỉnh vừa quản lý hành chính vừa quản lý chuyên môn.

Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng COVID. Hệ thống y tế trong nước trong 3 làn sóng đầu tiên, khi virus chưa biến đổi, số ca mắc bệnh còn ít, đã căng mình đáp ứng được khá tốt với việc đối phó với dịch bệnh. Chính sách đối phó với dịch bệnh của Việt Nam lúc này là “Zero COVID” với các biện pháp ngăn chặn, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết, cách ly, dập dịch nhằm cắt nguồn lây, tổ chức điều trị có hiệu quả.

Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan vào Việt Nam khiến lượng bệnh nhân tăng đột biến thì hệ thống y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người dân. Hơn nữa nằm trong bối cảnh, chính phủ không thể kéo dài việc giãn cách, cách ly vì sẽ gây ra sự kiệt quệ cho nền kinh tế, trong khi nguồn vaccine giúp ngăn chặn đại dịch đã được cung cấp dồi dào hơn; Việt Nam đã quyết định chuyển sang chính sách “sống chung an toàn với dịch bệnh” như nhiều quốc gia trên thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế vẫn phải đang nỗ lực rất nhiều bởi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, biến thể mới Omicron vừa xuất hiện, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể đưa ra những kết luận chính xác về biến thể này. Trong khi đó, việc chuyển sang chính sách chống dịch mới, cho phép nhiều người lao động ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở TPHCM trở về quê nhà, khiến dịch bệnh lan rộng ra khắp các tỉnh thành. Số ca mắc bệnh hoặc người mang mầm bệnh tăng cao, hệ thống y tế ở nhiều nơi đối mặt với nguy cơ quá tải.

Thách thức của đại dịch COVID-19 với hệ thống y tế Việt Nam là rất lớn, do tính mới của tác nhân gây bệnh; kịch bản và chiến lược đối phó với dịch luôn phải thay đổi; dịch bệnh cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới mọi mặt của xã hội (lo sợ, chết chóc, phong tỏa, không phát triển kinh tế, giáo dục...), cuối cùng là sự quá tải của hệ thống y tế (sự kiệt lực về nhân vật lực, trang thiết bị, tinh thần...).

2. Về phần mình, TS Nguyễn Huy Quang chia sẻ nguyên nhân Việt Nam chuyển từ “Zero COVID” sang trạng thái “Chung sống an toàn với đại dịch”, cũng như những tồn tại, hạn chế cần được lưu ý, các bài học kinh nghiệm cần được rút ra cho hệ thống.

GS.TS Nguyễn Văn Kính và TS Nguyễn Huy Quang đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế. Về mặt Nhà nước, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách và thực tiễn nảy sinh. Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với phân cấp, phân quyền, lấy cơ sở, xã, phường, thị trấn làm nền tảng trong phòng, chống dịch; phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; kết hợp hài hòa giữa thực hiện “bốn tại chỗ” với huy động lực lượng tăng cường (y tế, quân đội, công an); bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế; chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch theo từng cấp độ dịch từ sớm.

Về mặt chuyên môn cần (1) bảo đảm tiến độ triển khai tiêm vaccine; tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước; (2)Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; tiếp tục tăng cường xét nghiệm theo địa bàn, nhóm nguy cơ và tại ổ dịch; (3)Tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở; tăng đầu tư trang thiết bị, cơ sở y tế, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; (4)Tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất 01 loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023; chủ động nguồn thuốc điều trị; (5) Nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Song song với đó cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với phòng, chống dịch.

Tọa đàm “Quản trị hệ thống y tế qua 2 năm ứng phó với Đại dịch COVID-19” là sự kiện mở đầu cho chuỗi tọa đàm dự kiến sẽ được Viện Lãnh đạo ABG và Thương hiệu Xuất bản Sách và Tri thức Y học MedInsights tổ chức định kỳ trong năm 2022, nhằm tạo một không gian trao đổi, kết nối các thế hệ lãnh đạo ngành y tế, giúp nuôi dưỡng và phát triển năng lực lãnh đạo của các cán bộ trẻ tiềm năng. Chương trình khuyến khích sự tham gia của các cán bộ trẻ trong ngành y tế ở khu vực công cũng như tư nhân, những người đang hoặc sẽ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cơ sở y tế hay các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những người quan tâm đến quản trị y tế, mong muốn mở rộng tầm nhìn và kết nối lãnh đạo.   

Nhà tổ chức tin rằng: Sự trao đổi cởi mở giữa các thế hệ về những vấn đề lớn của quản trị y tế giúp các nhà lãnh đạo trẻ, người quan tâm đến khía cạnh lãnh đạo trong ngành y tế học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ những người đi trước hoặc giàu kinh nghiệm trong ngành; để dần có được tầm nhìn mở rộng, góc nhìn đa dạng và tư duy phản biện; đồng thời giúp khích lệ các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, tạo sự liên kết và thúc đẩy hợp tác. Sáng kiến tổ chức chuỗi tọa đàm này sẽ đóng góp thêm một hoạt động hữu ích, cùng chia sẻ những thách thức, khó khăn với lực lượng ngành y tế trong bối cảnh hiện nay.

Các định nghĩa quan trọng

Đột biến (Mutants):  Đột biến là một biến đổi trong bộ gen của virus (mã di truyền). Đột biến xảy ra rất thường xuyên, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới làm thay đổi đặc điểm của virus. Biến thể (Variables): Biến thể là một bộ gen virus (mã di truyền) có thể chứa một hoặc nhiều đột biến. Ở một số trường hợp, các tổ chức y tế công có thể chỉ định một nhóm các biến thể có biến đổi di truyền tương tự nhau, chẳng hạn như một dòng hoặc nhóm các dòng, là Biến thể đáng lo ngại hoặc Biến thể đáng quan tâm do những thuộc tính và đặc điểm chung có thể đòi hỏi ngành y tế công cộng phải có hành động. Dòng: Dòng là một nhóm các virus có mối liên hệ chặt chẽ với một dạng sơ khai chung. SARS-CoV-2 có nhiều dòng; tất cả đều gây bệnh COVID-19.

Tại sao Việt Nam chuyển từ “Chống dịch” sang trạng thái “Chung sống an toàn với đại dịch”? 

Đại dịch COVID-19 đã lan rộng đến 224 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 270 triệu người mắc, hơn 5,3 triệu trường hợp tử vong; Dịch diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát trước năm 2023; Không thể phong tỏa mãi, xã hội “đóng băng” ảnh hưởng đến phát triển kinh tễ-xã hội của đất nước; Thế giới đã sản xuất được vaccine và một số loại đã kháng với virus; Đa số các nước đã chuyển từ “Zero COVID” sang “Quản lý rủi ro và Chung sống an toàn với đại dịch”.

Mục tiêu cụ thể chống đại dịch trong thời gian tới:

1. Bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine: Đến cuối năm 2021 phấn đấu trên 95% người dân từ 12 tuổi trở lên được tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản. Từ năm 2022 sẵn sàng có vaccine để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi ngay khi có khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; có vaccine sản xuất trong nước và tiếp cận vaccine thế hệ mới.

2. Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19: Tất cả mọi người dân tuân thủ 5K. Tất cả các trường hợp mắc được phát hiện đều được quản lý và điều trị kịp thời.

3. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở 

4. Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19: Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị... được ưu tiên bảo đảm an toàn, tiếp cận vaccine COVID-19 và các dịch vụ y tế, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo. 

5. Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông. 

6. Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch, thắt chặt kịp thời và nới lỏng từng bước để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt nhân dân.

(TS Nguyễn Huy Quang)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn