MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội An, thương cảng cổ vẫn còn nhiều giá trị được phát huy cho đến nay. Ảnh: Lê Hải Sơn

"Quảng Nam" không chỉ là địa danh

Trà Ban LDO | 09/01/2022 15:32
Theo sách Việt Nam Đại sử ký toàn thư - bộ Quốc sử cổ nhất của Việt Nam, chép rõ danh xưng Thừa tuyên Quảng Nam có từ năm 1471, bao gồm một vùng đất rộng lớn, kéo dài từ nam Thuận Hóa đến núi Thạch Bi, Phú Yên. Đây là vùng đất có lịch sử phát triển lâu dài và để lại nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa... nổi bật cho nước Việt Nam.

Khát vọng hùng cường

Theo GS-TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học), tên gọi Quảng Nam ngay từ đầu đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt là mở rộng đất đai bờ cõi về phương Nam. Đó là khát vọng đưa đất nước Đại Việt lớn mạnh, phồn vinh. Kể từ đó, trong suốt lịch sử 550 năm, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện hữu ở vị trí trang trọng trong những trang vàng của dân tộc Việt Nam.

Vùng đất Quảng Nam đã phát triển phồn thịnh dưới thời các chúa Nguyễn, với Dinh trấn Thanh Chiêm từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, đồng thời là chiếc nôi hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ sớm nhất Việt Nam và cảng thị Hội An. Quá trình phát triển sau này, Quảng Nam mở rộng về phương Nam không chỉ dừng lại ở Phú Yên. Bờ cõi, biên giới của Đại Việt đã rộng lớn, Việt Nam đã hùng mạnh như ngày nay là từ những khát vọng ban đầu ấy.

PGS-TS Bùi Quang Nhật - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nổi bật ở Quảng Nam thế kỷ 17, 18 là hoạt động giao thương với trung tâm là cảng thị Hội An thời chúa Nguyễn. Thương cảng Hội An đã phát triển mạnh mẽ, là nơi giao thương, quần tụ của cả người Việt, Nhật Bản, người Hoa, là điểm đến sầm uất của nhiều thương thuyền phương Tây và phương Đông. Thành tựu ấy đã để lại di sản văn hóa mà đến nay vẫn phát huy nhiều giá trị kinh tế, xã hội. 

Theo TS Bùi Quang Nhật, Quảng Nam ở thời vua Gia Long, Minh Mạng của triều Nguyễn và thời Pháp thuộc đã nổi tiếng các tên tuổi của những chí sĩ của phong trào Duy tân - Đông du, phong trào chống sưu thuế, giáo dục Pháp - Việt và nguồn trí thức yêu nước của Quảng Nam với những tên tuổi lừng lẫy của tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp - những chí sĩ yêu nước có nền tảng cựu học uyên bác, sớm khai mở tư tưởng canh tân, mở cửa hội nhập và hiện đại hóa đất nước.

Quảng Nam rộng lớn thời kỳ các chúa Nguyễn đã để lại những di sản, nhân vật nổi bật của vùng đất dinh trấn, là Quảng Nam (thu nhỏ) của đơn vị hành chính cấp tỉnh ngày nay. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, Quảng Nam cũng luôn có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo động lực để thúc đẩy cải thiện các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng bền vững.

Cho đến nay, quy mô nền kinh tế Quảng Nam đang đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các động lực phát triển kinh tế quan trọng cả vùng đồng bằng, ven biển đến vùng trung du, miền núi. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025 cũng khẳng định đưa địa phương này thành một tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 trên cơ sở huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

Hội An. Ảnh: Hà Nguyễn

Phải xứng đáng với tiền nhân

Tại hội thảo khoa học "550 năm danh xưng Quảng Nam" vừa được tỉnh này tổ chức (28.12.2021) nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã nhấn mạnh: “Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng, và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay".

Theo ông Lê Trí Thanh, thế hệ hậu sinh phải tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam. Hiểu biết cặn kẽ về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội. Tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Cũng tại hội thảo lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Quảng Nam phải phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Chủ tịch nước đề nghị Quảng Nam chú trọng đến công tác thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát huy tốt hơn nữa vốn con người, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng.

Nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, lịch sử cũng nhận định, danh xưng Quảng Nam đã khẳng định rất rõ vị trí, vai trò của vùng đất, con người trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử 550 năm. Tuy nhiên, việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này. Đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn