MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình mãi trở thành những giây phút lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Quảng trường Ba Đình, nơi ghi dấu lịch sử

Kim Sơn LDO | 02/09/2023 06:00

Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và cả nước. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những rặng tre rì rào trong gió đã trở thành một biểu tượng không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Địa điểm này dần dần trở thành một địa điểm quen thuộc, thân thương, là nơi “về nguồn” trong mỗi dịp Quốc khánh hàng năm.

Khởi nguồn của tên gọi

Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi có nhiều làng nghề buôn bán sầm uất. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay được gọi là Rond Point Puginier. Tên gọi này được đặt theo tên một vị linh mục người Pháp tên là Puginier.

Bác sĩ Trần Văn Lai (sau này làm tới Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội), trước đây vốn là thị trưởng thành phố Hà Nội từ ngày 20.7 đến ngày 19.8.1945, là người rất say mê lịch sử dân tộc. Ông dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã đổi tên Rond Point Puginier thành Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Đặt tên cho Quảng trường Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp vào những năm cuối thế kỷ 19 ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Đinh Công Tráng và các đồng đội của mình đã chọn vùng đất thuộc ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Ba làng này đều có một ngôi đình và từ đó có thể nhìn thấy ngôi đình của hai làng kia, vì vậy nó được gọi là căn cứ Ba Đình. Nơi đây ghi dấu sự chiến đấu anh dũng của dân ta dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng chống lại một đội quân viễn chinh lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác của họ trên đất Việt Nam dưới thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.

Quảng trường Ba Đình còn được gọi là Quảng trường Độc Lập và Quảng trường Hồng Bàng. Quảng trường Hồng Bàng là tên gọi được Pháp sử dụng sau ngày Pháp tạm chiếm đến ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.1954.

Để tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đã đề xuất sử dụng tên gọi cũ là Quảng trường Độc Lập, nhưng Bác Hồ cho rằng, vẫn giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình thì hơn.

Quảng trường của lịch sử

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất của Việt Nam, là nơi diễn ra các buổi diễu hành quan trọng vào các ngày lễ lớn của đất nước và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Quảng trường Ba Đình được gọi là Quảng trường Độc lập vì nơi này từng là nơi diễn ra buổi lễ Độc lập vào lúc 14 giờ chiều ngày 2.9.1945. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công vào ngày 19 tháng 8 năm 1945. Nhân dân Việt Nam đã trở thành người làm chủ của chính mình sau khi thoát khỏi tình trạng nô lệ. Mặc dù có nhiều địa điểm khác nhau có thể được sử dụng nhưng Quảng trường Ba Đình cuối cùng đã được chọn để tổ chức sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hơn nửa triệu người, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập, vì Bác Hồ muốn truyền đạt một thông điệp cho cả dân tộc Việt Nam và toàn cầu rằng: Quyền dân tộc không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Độc lập dân tộc gắn bó mật thiết với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và tự quyết, với quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi dân tộc. Độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã trải qua bao nhiêu xương máu với hàng trăm cuộc đấu tranh, trường kỳ như khởi nghĩa Ba Đình năm xưa.

Quảng trường Ba Đình nơi vị cha già dân tộc yên nghỉ. Ảnh: Hải Nguyễn

Quảng trường còn là nơi ghi dấu lịch sử chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại khác trong lịch sử dân tộc. Quảng trường là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ sau khi Thủ đô được giải phóng. Đó cũng là nơi từng tổ chức những cuộc họp chính phủ, Quốc hội và Trung ương Đảng quan trọng. Ngày 9.9.1969, buổi lễ mà cả nước đã nghẹn ngào và xót xa truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và người cha già của dân tộc cũng diễn ra nơi đây.

Mặc dù đã trôi qua 78 năm, nhưng hình ảnh Bác Hồ kính yêu đứng tại Quảng trường Ba Đình vào ngày lễ Độc lập vẫn tạo ra niềm xúc động không thể quên cho mọi người dân Việt Nam. Đặc biệt, đối với những người con từ mọi miền xa xôi của Tổ quốc khi đến Hà Nội, đều mong muốn đầu tiên của họ là đến Quảng trường Ba Đình, vào lăng viếng Bác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn